Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 24), công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho CĐS trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. CĐS được đẩy mạnh trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, thương mại – dịch vụ… Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xác định đây là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từng bước phát triển, hoàn thiện hạ tầng số
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Xác định đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình CĐS, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông minh mới cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Chẳng hạn, tại Viễn thông Hà Nam (VNPT Hà Nam), vai trò dẫn dắt CĐS của doanh nghiệp đã được khẳng định thông qua việc doanh nghiệp chủ động tham gia các chương trình CĐS trên địa bàn tỉnh; tích cực xây dựng nền tảng CĐS cho chính quyền, doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái số cho các ngành: y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, nông nghiệp...
Điển hình là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ sinh thái Chính phủ điện tử; kết nối Cổng Dịch vụ công tỉnh Hà Nam lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-eOffice và chữ ký số cho cơ quan chính quyền các cấp; triển khai giải pháp phòng họp không giấy VNPT – eCabine; giải pháp du lịch thông minh; triển khai hệ sinh thái Vn Edu cho ngành giáo dục; phần mềm quản lý khám, chữa bệnh VNPT- His cho 100% cơ sở y tế trong tỉnh; triển khai hệ sinh thái các sản phẩm giúp doanh nghiệp số hóa mọi giao dịch và CĐS hoạt động quản trị doanh nghiệp, gồm các dịch vụ như ký số từ xa, hợp đồng điện tử, quản trị doanh nghiệp toàn diện, phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hệ thống quản trị nhân lực, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Cao Đức Đồng, Giám đốc VNPT Hà Nam khẳng định: Để phục vụ CĐS, thời gian qua, VNPT Hà Nam đã thực hiện đột phá đầu tư hạ tầng cho mạng di động, băng rộng cố định, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ số. Trong đó, chú trọng triển khai hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, hiện đại hóa hạ tầng điện toán đám mây, tập trung nguồn lực hình thành nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital… Nhờ đó, VNPT Hà Nam đã chuyển mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành doanh nghiệp số, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, CĐS tại Hà Nam, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tương tự, là một trong những doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin lớn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Viettel Hà Nam cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư để từng bước hoàn thiện hạ tầng số phục vụ tiến trình CĐS của tỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp đã đầu tư triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp, tạo thuận lợi cho hoạt động truy cập mạng internet và các giao dịch mua – bán, thanh toán của người dân.
Ông Kiều Đạt Hùng, phụ trách tổng hợp Viettel Hà Nam cho biết: Để đóng góp vào quá trình CĐS của tỉnh, Viettel Hà Nam đã xây dựng đề án CĐS. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác truyền thông cho người dân, doanh nghiệp nắm được các giai đoạn CĐS tại tỉnh, từ đó giúp người dân dần hình thành thói quen “số hóa” trong các giao dịch. Đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại và thông tin liên lạc dữ liệu có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, bùng nổ điện thoại thông minh tới 100% người dân, dịch vụ internet kết nối vạn vật – IoT chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối trên địa bàn vào năm 2025. Trong năm 2022, Viettel Hà Nam đã lắp đặt, phát sóng mới 44 trạm 4G, nâng tổng số trạm phát sóng 4G của Viettel lên 371 trạm; đồng thời đưa vào kinh doanh 125.425 cổng Gpon (điểm truy cập tới đa điểm), bảo đảm độ phủ sóng đến 100% thôn, tổ dân phố. Năm 2023, Viettel Hà Nam dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thêm 60 trạm phát sóng 4G và 137 trạm phát sóng 5G nhằm phục vụ tốt nhất cho công cuộc CĐS trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hạ tầng viễn thông hiện đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ và kết nối internet; 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Hiện đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia; triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Hạ tầng số của tỉnh đang từng bước được hoàn thiện để phục vụ CĐS. Trong thời gian tới, sở tiếp tục làm việc với doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông; đồng thời tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho CĐS toàn diện trên các lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ triển khai Trung tâm Dữ liệu phục vụ CĐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt tiêu chuẩn và kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; triển khai các nền tảng số dùng chung, như: nền tảng bản đồ số; địa chỉ số gắn với bản đồ số; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo; duy trì hoạt động hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh, là nơi cung cấp số liệu trực quan, chính xác, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đầu tư nâng cấp, mở rộng hơn nữa các tiện ích Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý…
Thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
CĐS là nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được xác định với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được tỉnh khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử. Xây dựng chính quyền số, đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, Trung ương. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống thư điện tử của tỉnh cũng bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã với tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc đạt 95%. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai hệ thống phòng họp không giấy tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin, báo cáo Chính phủ; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện; UBND cấp huyện với UBND cấp xã với tổng số 116 điểm cầu, có kết nối với Chính phủ.
Thực tế hoạt động cho thấy, với việc cập nhật trên 80 tin, bài mỗi tháng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam hiện đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định với việc thực hiện cập nhật 35 tin, bài/cổng/tháng. Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh cũng đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đang cung cấp tổng số 1.741 bộ thủ tục hành chính; trong đó, dịch vụ công trực tuyến chiếm 95,7%.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh cũng tích cực chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách. Theo đó, các địa phương đã thành lập, tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, hình thành mạng lưới hỗ trợ phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số. Thông qua các hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng đã có hơn 430 đường internet được người dân đăng ký mới, 1.125 thuê bao đi động nâng cấp sim 4G, hơn 350 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký, 13 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số...
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị quyết số 24, có gần 2.700 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ CĐS. Đến nay đã có khoảng 2.777 doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng nền tảng số. Từ đó, đã thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nếu như những năm trước đây, giao dịch chủ yếu bằng phương thức truyền thống thì đến nay, giao dịch điện tử đã rất phổ biến. Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người tiêu dùng hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng ngày càng tăng...
Thống kê của Sở Công thương cũng cho thấy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hiện, sàn thương mại điện tử tỉnh và các trang thương mại điện tử như Voso, PostMart đã có trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Tỷ lệ doanh nghiệp trong tỉnh nộp thuế điện tử đã đạt khoảng 98,5%; có 100 doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử; 133/134 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định, đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 24, hoạt động của người dân trên môi trường mạng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Điều này được thể hiện một cách rõ nét thông qua các con số, như: số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 1.840 chữ ký; tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính là 47,3%...
Chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh sau một năm thực hiện Nghị quyết số 24 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội hiện còn thiếu. Nhiều cơ sở dữ liệu triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử mới chủ yếu được áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất điển hình; hoạt động này vẫn còn mới mẻ đối với phần lớn các hộ sản xuất, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm...
Để thúc đẩy quá trình CĐS một cách trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh Hà Nam nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về CĐS. Tỷ trọng kinh tế số chiếm từ 15%-20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đạt 50%; năng suất lao động tăng bình quân 10,7%/năm; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chú trọng xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản, chính sách về CĐS; cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền số, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền số. Quan tâm tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ hằng năm để phổ biến, quán triệt và giám sát tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hướng tới đô thị thông minh; tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của dịch vụ công trực tuyến thông qua các hội nghị, hướng dẫn ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch; kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh Hà Nam; phát huy tối đa vai trò quản lý nhà nước, tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin; bảo đảm tuân thủ và cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử phù hợp với chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng xây dựng kế hoạch cải cách hành chính lồng ghép nội dung ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách quy trình, thủ tục hành chính, thực hiện quy trình ISO điện tử. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam cũng đặt nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động công nghệ thông tin một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời, thu hút, kêu gọi được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh. Đẩy mạnh việc ứng dụng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Cung cấp các thông tin hữu ích trên Cổng thông tin điện tử phục vụ doanh nghiệp; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, như: điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, ảo hóa; phát triển các ứng dụng trên các nền tảng di động, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật. Tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS tại các cơ quan nhà nước…
Nội dung: Nguyễn Oanh.
Thiết kế: Đức Anh.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.