Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đang cần tuyển dụng khoảng hơn 30 nghìn lao động, trong đó, doanh nghiệp ít cũng cần tuyển khoảng 50 - 70 lao động, doanh nghiệp nhiều cần tuyển gần một nghìn lao động phổ thông. Việc tuyển dụng lao động vào làm việc của các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định, song một nghịch lý đang diễn ra đối với “cung - cầu’’ lao động trong các KCN đó là nhu cầu tuyển dụng lao động thì lớn, việc sử dụng lao động lại có “giới hạn’’. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Đồng thời, tỉnh thực hiện phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp và quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với học văn hóa phổ thông, hướng tới cung cấp cho các doanh nghiệp một lực lượng lớn lao động có tay nghề.
Theo tổng hợp tại các KCN trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này đã thu hút được hơn 500 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có hơn 450 dự án đã đi vào hoạt động, đang giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn người, trong đó hơn 70% số lao động trong tỉnh, còn lại là lao động ngoài tỉnh. Sau khi đại dịch Covid – 19 được kiểm soát, kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các KCN rất lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh hiện đang thiếu khoảng gần 20 nghìn lao động. Nguồn lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển là lao động phổ thông, lao động kỹ thuật đã qua đào tạo và lao động thuộc nhóm có trình độ cao, biết tiếng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Căn cứ vào nhu cầu của các doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành phối hợp thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển khoảng 34.000 lao động trong năm 2023 (tăng 10 nghìn lao động so với cùng kỳ năm 2022). Đơn vị cũng đã phối hợp với các ngành, thậm chí cả trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm ở một số tỉnh miền núi hỗ trợ tuyển dụng lao động đưa về Hà Nam làm việc. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyển được so với nhu cầu các doanh nghiệp cần tuyển là rất ít. Như năm 2022 đơn vị chỉ giới thiệu được 1.000 lao động, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp lên đến 24.000 lao động. Bởi hiện nay các tỉnh, thành phố đều có các KCN và nhu cầu cần tuyển lao động trong khu vực là rất lớn. Nhiều lần đơn vị cũng đã làm việc với trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm ở các tỉnh lân cận, song họ đều trả lời lao động đã có việc làm ở các KCN gần nhà.
Nhằm cung cấp đủ nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua, cùng với việc tuyển dụng lao động trong tỉnh, các doanh nghiệp trong các KCN đã chủ động tuyển dụng lao động ngoài tỉnh vào làm việc. Ban Quản lý các KCN đã định hướng cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình và Hà Nội cách KCN khoảng 15 – 20 km, theo hình thức bố trí xe đưa đón công nhân đi làm. Cách làm này góp phần giảm sức ép về thiếu lao động cho các doanh nghiệp và nâng cao được hiệu quả thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao trực tiếp cho các ngành lao động - thương binh và xã hội, Tỉnh đoàn, Ban Quản lý các KCN tỉnh chịu trách nhiệm hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các KCN và cụm công nghiệp. Nhiều năm qua các đơn vị thường xuyên khảo sát nhu cầu cần tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và khảo sát số lượng lao động cần tìm việc ở các xã, phường, thị trấn thông qua tổ chức đoàn ở cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng công nhân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các KCN. Ban Quản lý các KCN tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp ở KCN Đồng Văn tuyển dụng lao động.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn nên ngoài việc tuyển dụng lao động trong tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh còn định hướng cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình và Hà Nội. Bởi hiện nay tại các KCN thường xuyên có khoảng gần 30% số lao động ở ngoài tỉnh vào làm việc, trong đó có nhiều lao động gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp ở Hà Nam. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyển dụng lao động ngoài tỉnh vào làm việc, trong đó xây dựng phương án có xe đưa đón công nhân về làm việc. Cùng với việc hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng đối với doanh nghiệp trong công tác đào tạo tuyển dụng công nhân, trong quá trình thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh tham mưu với tỉnh thu hút các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng ít lao động, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Nghịch lý đang diễn ra tại các KCN, đó là nhu cầu tuyển dụng lao động thì lớn, song nhiều doanh nghiệp lại kén chọn lao động, đưa ra tiêu chuẩn phải là lao động nữ, tuổi đời từ 18 – 35 thì mới tuyển dụng. Bởi theo một số doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ ký, điện tử, may mặc… thì lao động nữ có ưu điểm: khéo tay, chịu khó, có tính kiên trì và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn lao động nam. Hay một số doanh nghiệp nước ngoài lại có nhu cầu tuyển dụng lao động phải có trình độ chuyên môn, công nhân lành nghề và biết tiếng Anh, tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật. Có những doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đến 45 – 50 tuổi, sau đó xa thải do không đáp ứng yêu cầu công việc và cần tuyển lao động mới nên dẫn tới tình trạng thừa, thiếu lao động và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động mới vào làm việc.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở Tổ 1, Phường Minh Khai (TP Phủ Lý) cho biết: Trước đây tôi đã từng làm việc tại một công ty trong KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý), với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi gần 50 tuổi, làm việc chậm chạp hơn trước, công ty thường áp dụng cách luân chuyển sang những vị trí việc làm không phù hợp, tạo áp lực cho người lao động và mức lương giảm xuống chỉ còn 4 triệu đồng/tháng nên tôi phải chủ động xin nghỉ việc. “Rất nhiều lao động bước sang tuổi 48 - 50 như chúng tôi đều bị luân chuyển công việc và họ siết chặt công tác quản lý, lương trừ đầu, trừ đuôi còn lại rất thấp, đành phải chủ động xin nghỉ việc. Bởi có ở lại cũng không bảo đảm được cuộc sống” - anh Quang chia sẻ.
Còn chị Trần Thị Phượng, ở phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) cho biết: Sa thải lao động ở một số doanh nghiệp làm hàng thủ công, hàng mỹ ký, ở các doanh nghiệp dệt may có thể xảy ra, song họ không đuổi trực tiếp mà đánh vào điểm chuyên cần, chất lượng sản phẩm. Nếu như lao động nào không đáp ứng nhu cầu phải tự xin nghỉ việc. Tôi nghĩ, lao động trẻ từ 25 – 35 tuổi vào làm việc chắc chắn nhanh hơn và hiệu quả hơn lao động 45 - 50 tuổi, song nếu doanh nghiệp có tính nhân văn, phải có chính sách ưu tiên hỗ trợ những lao động có đóng góp lâu dài, nhưng thực tế họ chỉ sử dụng “tuổi vàng’’ của mình, còn khi có tuổi họ sẽ tìm đủ mọi cách buộc người lao động phải tự bỏ việc.
Cũng như chị Phượng, anh Quang, rất nhiều lao động làm việc cho các doanh nghiệp ở KCN Châu Sơn, KCN Đồng Văn, KCN Hòa Mạc đã phải bỏ việc giữa chừng do đang ở độ tuổi 45-50.
Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên cho biết: Năm nào đơn vị cũng nhận được hàng chục công văn của doanh nghiệp gửi đến nhờ hỗ trợ tuyển dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp còn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lên đến hàng trăm người. Trước nhu cầu của các doanh nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên đã gửi công văn tới các xã, thị trấn, thông báo qua hệ thống đài truyền thanh để người lao động liên hệ xin việc, hoặc nộp hồ sơ qua xã. Thiếu lao động là vậy, song qua nắm bắt thông tin, làm việc trực tiếp với lao động, cho thấy đang có tình trạng người lao động trong độ tuổi từ 45 – 50 tuổi bị sa thải, hoặc bất đắc dĩ “phải chọn” nghỉ việc vì không thể đảm đương tiếp được công việc trong điều kiện sức khỏe và các quy định của doanh nghiệp.
Nguyên nhân thiếu lao động còn do một lượng lớn lao động đi làm việc tại nước ngoài và các tỉnh phía Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, song không xin được việc làm, phải cất bằng đại học để xin làm công nhân. Do vậy, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cho con em mình con đường khi tốt nhiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đi Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trên thế giới để làm việc, sau đó mới trở về nước xin việc. Bởi khi học tập và làm việc tại nước ngoài, người lao động có điều kiện học thêm tiếng Anh, Nhật, Hàn và học thêm được nghề mới. Hơn nữa, hằng tháng tiết kiệm được một khoản kinh phí để sau này lập nghiệp. Về lâu dài, đối với những lao động đã làm việc và học tập tại nước ngoài, khi về nước rất dễ xin việc vào các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam. Cũng theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì nhóm lao động đã từng có thời gian học tập, lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... tiếp cận công việc rất nhanh, có tác phong công nghiệp rất tốt, nhiều lao động giỏi ngoại ngữ có thể được chọn làm phiên dịch hay làm nhóm trưởng để truyền đạt kỹ năng sản xuất cho công nhân.
Với tổng số khoảng hơn 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm, toàn tỉnh Hà Nam có hơn 70% học sinh vào học THPT, THPT dân lập, chỉ còn khoảng hơn 3.000 học sinh tham gia học nghề, làm nghề truyền thống và nghề tự do. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp... với hơn 100 nghề đang được đào tạo ở các cơ sở này. Trong đó, có 16 nghề trọng điểm, 36 nghề hệ trung cấp, 26 nghề đào tạo hệ cao đẳng... Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 3.000 học sinh lớp 9 không trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác tuyển sinh.
Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Có thể khẳng định, việc phân luồng học sinh THCS, THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã được Nhà nước trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn và số lượng để bảo đảm các điều kiện dạy và học. Trong thời gian qua nhà trường thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp trong KCN, tổ chức dạy tiếng Nhật, văn hóa Nhật, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, dạy nghề, để sau khi các em tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Mục tiêu của việc phân luồng là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Để giải quyết, tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong công tác phân luồng, thời gian tới cần đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, với các doanh nghiệp. Công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải hướng đến chuyên nghiệp để giúp học sinh không chỉ biết mà còn hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo. Đối với các ngành chức năng cần tăng cường kết nối các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề.
Đối với hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cần linh hoạt, chủ động thực hiện đổi mới phương pháp đào tạo theo yêu cầu thực tế, tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn trong tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình; tham gia giảng dạy về kỹ năng, tiêu chuẩn nghề nghiệp phù hợp yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động. Nâng dần tỉ lệ thu hút học sinh lớp 9 vào học nghề qua việc duy trì và mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng, góp phần gia tăng lực lượng lao động đã qua đào tạo có tay nghề tốt. Đồng thời, các trung tâm đào tạo nghề cần phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Ngoài các giải pháp trên, để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, thời gian qua UBND tỉnh cũng chỉ đạo các trường đào tạo nghề trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp trong các KCN xây dựng kế hoạch đào tạo và cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Các ngành và địa phương thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức khác nhau, như: giới thiệu lao động mới xuất ngũ trở về địa phương vào làm việc trong các KCN; tuyên truyền cho lao động đã có thời gian làm việc ở nước ngoài về làm việc cho các doanh nghiệp thuộc các nước lao động đến làm việc; thu hút lao động là người Hà Nam đang làm việc ở các tỉnh, thành phố về quê làm việc để giảm chi phí và nâng cao đời sống. Trong công tác thu hút đầu tư, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo không khuyến khích thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp đầu tư vào KCN. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng lao động có tay nghề vào làm việc trong các KCN.
Nội dung: Trần Thoan.
Ảnh: Hòa Hậu, Hải Yến, Chu Uyên.
Thiết kế: Đức Anh.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.