Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chương trình số 28, hai năm qua, tỉnh đã cấp trên 109 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp môi trường cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hỗ trợ các xã có hoạt động khai thác khoáng sản. Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được 950.000 cây xanh các loại. Giai đoạn 2021-2022, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức 36 lớp tập huấn, tuyên truyền cho gần 1.800 lượt hộ nông dân, cán bộ kỹ thuật cơ sở về các quy định pháp luật chăn nuôi, thú y, thủy sản; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các biện pháp xử lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; quy trình chăn nuôi theo VietGAP; quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; quy trình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi. Cùng với đó, tổ chức 20 lớp tập huấn, hướng dẫn cho trên 600 lượt người dân cách thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tăng cường hoạt động giám sát, xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy…
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực; ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy giảm thiểu đáng kể, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 10.000 hộ chăn nuôi xử lý chất thải bằng hầm biogas; trên 70% tổng số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi mang lại hiệu quả; trên 2.000 hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng mô hình đệm lót sinh học. Toàn tỉnh đã xây dựng được 12 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, 9 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và nhiều cơ sở chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, đã có 2 trang trại chăn nuôi quy mô lớn áp dụng công nghệ tách nước trong phân và tái sử dụng nước để giảm thiểu lượng nước thải phát sinh ra môi trường; 100% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; 98% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, trong đó xử lý đạt 92%.
Trong sản xuất công nghiệp, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn về nước thải công nghiệp. Các cụm công nghiệp thành lập mới đều thực hiện xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp đều đã có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đến nay, 5/5 nhà máy xi măng tại khu vực Tây Đáy đã lắp đặt và duy trì hệ thống quan trắc khí thải tự động; 3/5 nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện. Trong tổng số 62/72 dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại khu vực Tây Đáy đã đi vào hoạt động có 59 dự án được cấp giấy phép môi trường. Thời gian qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chủ động trồng cây xanh, thực hiện công tác quét dọn, phun nước giảm thiểu bụi trên các tuyến đường...
Nói về kết quả đạt được trong thực hiện các chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện Chương trình số 28, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, trong đó trọng tâm là chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các cảng nội địa khu vực Tây Đáy xây dựng nhà bao che và hệ thống che chắn máng rót tại các cầu cảng để ngăn chặn phát tán bụi từ hoạt động sản xuất ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành một số văn bản đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên; đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường làng nghề, môi trường trong các khu, cụm công nghiệp bảo đảm theo đúng quy định. Vì vậy, có nhiều nội dung đã hoàn thành so với mục tiêu Chương trình số 28 đề ra, nhất là chỉ tiêu về xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp; chỉ tiêu về nhà máy vôi công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…
Cũng theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 28, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể là chưa xử lý triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng rác thải tồn đọng lớn tại thung Đám Gai, xã Thanh Thủy, Thanh Liêm; tại làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, Duy Tiên; khu vực Bệnh viện Đa khoa Nam Lý, Lý Nhân (hiện mới đạt gần 67% so với mục tiêu đề ra). Nhiều đoạn đường giao thông khu vực Tây Đáy bị xuống cấp trầm trọng, ý thức của một số doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên công tác bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của các khu đô thị mới theo quy hoạch chưa được triển khai đầu tư xây dựng…
Để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Chương trình số 28, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục huy động tốt nguồn lực để thực hiện các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu dân cư, khu đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong việc xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ môi trường.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu, đến năm 2025, có 100% các xe vận chuyển vật liệu có che phủ, chở đúng trọng tải, chạy đúng tốc độ không làm rơi vãi vật liệu ra đường trong khu vực Tây Đáy; 100% nhà máy xi măng có hệ thống thu hồi nhiệt phát điện; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và từ 95-98% rác thải nông thôn được thu gom, xử lý; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; xử lý triệt để việc bốc xúc, vận chuyển và xử lý lượng rác tồn đọng khoảng 60.000 tấn tại thung Đám Gai, xã Thanh Thủy, Thanh Liêm…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.