Bảo đảm an toàn lồng bè nuôi cá trên sông Hồng trong mùa mưa lũ

Nông nghiệp 15:38 11/08/2018 Mạnh Hùng
Vừa qua, khi mực nước trên sông lên báo động I, hộ ông Nguyễn Trường Hợp, thôn Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) bị mất trắng toàn bộ 12 lồng cá. Chỉ tính riêng lượng cá thịt thiệt hại mất 10 tấn, tương đương khoảng trên 500 triệu đồng. Đây là thiệt hại nặng nhất của 1 hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng từ trước đến nay của tỉnh.

Được biết, để bảo đảm an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá của gia đình, vào trước mùa mưa bão năm nay, ông Hợp đã mua dây cáp và dây chão gia cố thêm và sử dụng lưới phủ kín mặt lồng tránh cá ra ngoài khi lồng bè bị xô đẩy do bão lũ... 

Tuy nhiên, đợt lũ lần này chịu tác động của cả lũ sông Lô và sông Thao dẫn đến gỗ, củi từ thượng nguồn bị cuốn về rất nhiều. Có những mảng gỗ, củi đan vào nhau rộng đến hàng trăm m2, tác động bởi dòng xoáy gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lồng bè nuôi cá của ông Hợp. Mảng gỗ theo dòng lũ xoáy xô vào vặn lồng cá làm đứt toàn bộ dây néo, trôi mỏ neo định vị. Bà Nguyễn Thị Liên (vợ ông Hợp) cho biết: Đứng trên bờ nhìn thấy lồng bè trôi mà không làm gì được. Gia đình phải đi xe máy dọc theo bờ sông chạy lên đón đầu thuê thuyền lớn dìu được xác lồng đã bị hỏng phần lớn vào bãi bên phía Thái Bình (dưới cầu Thái Hà). Nước rút, nhà tôi thuê 2 tàu kéo bè về làm lại. Lần này tôi phải ra Hải Phòng tìm mua loại chão chuyên dụng về để neo lồng bè mới có thể nuôi cá tiếp được.

Khu lồng bè nuôi cá của ông Trần Trọng Sản, xã Phú Phúc (Lý Nhân) mới được gia cố lại sau đợt lũ.

Không bị thiệt hại nặng như ông Hợp, hệ thống 18 lồng bè nuôi cá của ông Nguyễn Sơn Hà, cùng ở thôn Yên Lệnh khá may mắn do  nằm phía sau mỏ kè Yên Lệnh. Tuy nhiên, nước xoáy cũng làm lật nghiêng 2 lồng làm bị mất toàn bộ cá. Ông Hà cho biết: Sản xuất trên sông nước độ rủi ro rất cao do chịu tác động từ thiên tai, bão, lũ. Việc phòng chống luôn ở mức độ cao nhất, tuy nhiên rủi ro mỗi năm 1 khác. Năm trước lũ cao hơn năm nay nhưng chỉ bị ảnh hưởng từ nước phù sa gây cá chết, mất khoảng 4 tấn. Năm nay, tuy mực nước lũ thấp hơn nhưng thiệt hại chính là do gỗ, củi theo lũ trôi về quá nhiều làm hỏng, trôi lồng bè.

Xã Phú Phúc (Lý Nhân), có số lượng lồng bè nuôi cá trên sông Hồng lớn nhất tỉnh, với hơn 200 lồng của trên 20 hộ và nhóm hộ. Do được chằng chống khá chắc chắn nên trong đợt lũ vừa qua cơ bản các hộ đều giữ được an toàn. Tuy nhiên, vẫn có hộ ông Trần Trọng Sản bị gỗ trôi theo dòng lũ làm hư hỏng 6 trong tổng số 16 lồng cá nằm ở ngay đầu bè (phía dòng lũ đổ về). Rất may, các lồng này chỉ có ít cá do đã được di dời xuống các lồng cuối bè trước đó. Được biết, ngay sau khi lũ rút, ông Sản đã bổ sung dây néo gia cố lại hệ thống lồng bè. Đồng thời, ông cho thay một số mỏ neo loại lớn để giúp định vị và giữ lồng cá được tốt hơn. Ông Sản nhận định: Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, chắc chắn thiên tai lũ, bão sẽ còn xuất hiện trong thời gian tới. Vì thế, sản xuất trên sông nước quan trọng nhất vẫn phải sử dụng biện pháp phòng từ sớm là chính. Nếu để khi lũ về sẽ rất khó có thể chống chọi vì dòng nước chảy xiết, xoáy mạnh rất nguy hiểm đến tính mạng nếu ra giữ lồng cá.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng dọc theo các xã ven sông Hồng từ Chuyên Ngoại (Duy Tiên) đến Chân Lý, Nhân Đạo, Phú Phúc (Lý Nhân) phát triển khá mạnh. Hiện tổng số lồng nuôi cá trên sông Hồng đã lên đến 495 chiếc. Cá lồng được nuôi khá đa dạng, với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, chép lai, diêu hồng, cá ngạnh… Để bảo đảm an toàn cho nuôi cá lồng trên sông Hồng, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ. Thực tế, các hộ chăn nuôi đã và đang áp dụng khá tốt những biện pháp phòng, chống thiên tai. Mặc dù vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN & PTNT) cho biết: Nuôi cá lồng trên sông Hồng đem lại lợi nhuận cao, nhưng độ rủi ro cũng rất lớn nếu xảy ra lũ, bão. Do vậy, các hộ cần tính toán độ an toàn của lồng và cân nhắc số lượng nuôi trong những tháng cao điểm của mùa mưa, bão, hạn chế tối đa thiệt hại và ổn định phát triển sản xuất.

Mạnh Hùng

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thành ủy Phủ Lý tổng kết, trao giải cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)”

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  18:14 07/05/2024

Chiều 7/5, Thành ủy Phủ Lý tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)”.

Những đóng góp của Hà Nam cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Quê hương núi Đọi sông Châu  |  13:57 07/05/2024

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta có bước chuyển lớn. Ta càng đánh càng mạnh, giữ thế chủ động trên chiến trường. Địch hoang mang, bị động, lúng túng phải phân tán lực lượng để đối phó với chiến tranh nhân dân của ta, mà nòng cốt là đòn tấn công của bộ đội chủ lực.

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Chính trị  |  13:50 07/05/2024

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC