Đây là lời của Bí thư Chi bộ xóm Dũng Liêm, xã Tràng An, huyện Bình Lục Nguyễn Trung Kiên, người được nhân dân trong xóm gọi là cán bộ của dân, người đồng hành cùng với nhân dân, có công lớn trong việc đưa xóm phát triển như ngày hôm nay.
Vào Đảng năm 1949, đến năm 1995, ông Nguyễn Công Hoan xin miễn sinh hoạt vì tuổi cao sức yếu. Ông chia sẻ, trước đây, người dân xóm Dũng Liêm rất ngại thay đổi, đời sống kinh tế - xã hội vì thế mà trầm lắng. Đến năm 2013, ông Nguyễn Trung Kiên được bầu giữ chức Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, Dũng Liêm bắt đầu có sự thay đổi. Khi đó, Tràng An là một trong 5 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bình Lục... Nhìn thấy rõ sự chậm chạp trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở đây dù đã hai năm triển khai, ông Kiên trăn trở khi người dân vẫn giữ tư tưởng "an phận thủ thường". Ông Kiên nghĩ: "Xây dựng nông thôn mới sẽ làm thay đổi đời sống và diện mạo nông thôn. Dũng Liêm vốn đã không giàu có như nhiều vùng quê khác, nếu cứ giữ nguyên bình diện này thì không biết bao giờ dân mới sướng được. Phải bắt tay làm, bắt đầu từ đảng viên…".
Ông Kiên phát động tinh thần tự giác, tự nguyện của đảng viên trong chi bộ, mỗi người đóng góp 1 triệu đồng để làm đường giao thông. Những người đầu tiên mà ông Kiên hướng tới là những đảng viên cao tuổi có uy tín, sau đó, đến đảng viên là người Dũng Liêm xa quê. Gặp ông Hoan nói chuyện góp tiền xây dựng nông thôn mới, ông Hoan thể hiện rõ sự nghi ngại, mặc dù ông nói ông rất hy vọng ông Kiên làm bí thư sẽ thay đổi được xóm Dũng Liêm. Câu chuyện giữa hai người rồi cũng thấu tình đạt lý, ông Hoan sẵn lòng chi một trăm triệu để làm đường, không cần ký giấy. Sau đó, ông Hoan còn gọi điện cho con cháu ở các nơi, động viên họ đóng góp thêm cho xóm làng. Sự tham gia nhiệt tình của gia đình ông Nguyễn Công Hoan đã tác động tích cực tới tinh thần của bà con xóm, làng.
Theo ông Đào Đình Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tràng An, cách làm của ông Kiên khác với lãnh đạo các xóm, thôn khác. Phương châm xây dựng nông thôn mới rõ ràng không được ỉ lại vào nguồn kinh phí của Nhà nước, phải huy động nhân dân chủ động tham gia, không được nợ đọng. Trên cơ sở phát huy tinh thần tự nguyện của nhân dân, công khai và dân chủ trong mọi việc làm, gương mẫu đi dầu trong mọi đóng góp, ông Kiên đã tạo được niềm tin với dân. Ông không trực tiếp quản lý tiền, để nhân dân tự quản lý tiền, cán bộ thôn chỉ đạo và giám sát, nghiệm thu công trình. Ai có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, không bắt buộc. Ban đầu cứ nghĩ không làm được, nhưng rồi bà con Dũng Liêm đã hoàn thành hơn 3,5km đường xóm rộng từ 3 đến 5m, xây dựng hơn 1.500m kè đường chỉ trong 2 năm (2013 - 2015). Rất nhiều hộ dân ở xóm đã sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất ở, 2.400m2 đất 2 lúa, phá 260m2 tường giậu để làm đường xóm, đường giao thông nội đồng.
Để củng cố nét đẹp truyền thống quê hương, ông Kiên và các cán bộ xóm tiếp tục vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công, xây bờ bao xung quanh gốc đa cổ, kè 4 giếng nước của ông cha để lại, sửa sân nhà văn hoá, đổ bê tông sân thể thao rộng 300m2, làm rãnh thoát nước có nắp đậy 500m, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Riêng con em Dũng Liêm xa quê đóng góp ủng hộ gần 260 triệu đồng. Gặp những người dân trong xóm, khi hỏi chuyện họ mộc mạc, chân thật nói: Chúng tôi bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới và cử ra một đại diện trong số những người dân giữ tiền để chi phí mua vật tư xây dựng… Tuy nhiên, trụ cột gắn kết tất cả mọi việc chúng tôi làm là ông Kiên! Ông ấy cho chúng tôi thấy được vai trò làm chủ của chúng tôi, những việc chúng tôi làm để cho con cháu mình sau này...
Xã Tràng An đã và đang triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập thôn xóm, Dũng Liêm với gần 200 hộ dân sẽ phải sáp nhập với xóm khác. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tràng An Nguyễn Viết Phượng, 19 xóm của xã sau khi sáp nhập còn 7 xóm. Cũng giống như xây dựng nông thôn mới, nếu có những cán bộ như ông Kiên thì không có việc nào là khó thực hiện. Người ta gọi ông ấy là cán bộ của dân. Xã phát triển được như hôm nay cũng nhờ những cán bộ như thế! Trong khi việc phát triển đảng viên ở các thôn xóm khác gặp khó khăn, ở Dũng Liêm làm rất tốt, chi bộ xóm có 27 đảng viên.
Chu Uyên
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.