Theo thống kê mới đây của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; còn lại 16% là lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay... Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng internet. Trung bình người Việt Nam dùng internet từ 6-7 tiếng/ngày. Tuy vậy, nhận thức về an toàn thông tin của người dân còn hạn chế; nhiều người ham trúng thưởng, khuyến mại, dẫn đến mắc bẫy lừa đảo trực tuyến.
Năm 2022, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn đã ghi nhận hơn 12.930 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, 2 loại hình lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng thường là khâu chuẩn bị cho các kịch bản lừa đảo tài chính. Mục tiêu cuối cùng của các đối tượng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, lòng tham của nhiều người.
Ngoài ra, phải kể đến một số hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Đó là các trường hợp giả mạo thương hiệu của các tổ chức như ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán… gửi tin nhắn SMS lừa đảo cho nạn nhân; giả mạo các trang web/blog chính thống để tạo uy tín, lừa và thu thập thông tin cá nhân của người dân; chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… sau đó gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng "đen" xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội và nạn nhân sẽ biến thành những "con nợ" mà bản thân họ không hay biết.
Còn có tình trạng đối tượng xấu dùng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không biết hoặc giả mạo doanh nghiệp, trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên.
Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS; lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu view, câu like và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook, cụ thể như bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm; giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Có thể kể đến tình trạng lừa chiếm đoạt tài sản bằng cách chờ trực trên các Fanpage có tích xanh, Fanpage của người nổi tiếng trên mạng xã hội để nhắn riêng với nạn nhân đóng giả là nhân viên, trợ lý. Người dân cũng cần cảnh giác với hiện tượng bẫy tình, lợi dụng tình cảm, lòng tin, sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram; lừa đảo cài cắm mã độc qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại; thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.
Thậm chí, kẻ xấu còn có thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản; giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân; lập sàn đầu tư tiền ảo, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: Để bảo đảm an toàn cho người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai còn chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, trong đó nòng cốt chính là lực lượng công an phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Sáng 23/12, tại Nhà Văn hóa thị xã Duy Tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Khai mạc Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Hà Nam, năm học 2024-2025.
Sáng 23/12, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác mặt trận và nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở cơ sở.
Sáng 23/12, Huyện ủy Kim Bảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và kỷ luật của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.