Tuổi học trò của em tôi là nắng gió, là những kỷ niệm khó quên bên nồi cơm độn khoai và những bữa ăn rau dại luộc thay cơm mà vẫn rộn tiếng cười. Em tôi đi qua tuổi học trò bằng những khó khăn mà có lẽ nếu nói ra ít người tin. Chính vì thế tôi cảm thấy thương em, cảm thấy phục em hơn ai hết.
Em tôi, một đứa em nhỏ, có nước da ngăm đen khắc khổ mà ham học. Em ham học, em là điểm sáng của gia đình, là niềm tự hào của ba mẹ và của tôi. Gia đình tôi rất nghèo, cái nghèo làm cho em bị thiếu thốn đủ điều. Em đi học mà không có cặp, sách vở là đi xin trong xóm, quần áo lúc nào cũng chằng chịt những miếng vá và mỗi ngày đi bộ gần mười cây số đến trường.
Những năm đầu thập niên 1990, khi cả gia đình chuyển vào miền Nam từ quê nghèo Thanh Hóa, ước muốn của ba mẹ tôi là các con được ăn học nên người, tìm kiếm cơ hội thoát nghèo. Mọi cố gắng kiếm cái ăn ngày đó thật không đơn giản với dân di cư như gia đình tôi.
Vì vậy, tôi đành bỏ dở việc học để phụ ba mẹ kiếm miếng cơm manh áo mưu sinh, được cắp sách đến trường đi học trở nên quá xa xỉ, xa vời. Còn lại em vẫn cố gắng đeo đuổi cái chữ như một hi vọng cuối cùng có một ngày nào đó cơm no áo ấm.
Mười hai năm trời em đi học là mười hai năm em đạt được những thành tích tuyệt vời. Tôi cảm thấy mắt cay xè mỗi cuối học kỳ em mang phần thưởng, giấy khen về khoe với ba mẹ. Em là đứa học sinh nghèo xơ xác, luôn luôn đói khát một bữa cơm thịt ăn cho no dạ nhưng học hành không hề thua kém ai.
Ngày em tốt nghiệp cấp III, gia đình tôi có một quyết định khó khăn là có hay không cho em học tiếp. Với hoàn cảnh của gia đình, tôi biết nuôi em ăn học bốn năm nữa là một điều ngoài khả năng.
Em đã tâm sự với tôi: xin anh giúp em đi thi, thi đậu em sẽ cố gắng đi làm thêm để có tiền đi học, mỗi tháng ba mẹ chỉ cần cho em một trăm ngàn là được rồi. Nghe em nói mà tôi không giấu được niềm xúc động, tôi biết mình cần làm gì.
Em đăng ký thi vào Đại học Sư phạm TP.HCM vì không phải đóng học phí và mong muốn sau này mang cái chữ đến những hoàn cảnh nghèo khó như em.
Trước ngày thi hai ngày tôi chuẩn bị một can nước mười lít, sáu đòn bánh tét và bộ đồ nghề sửa xe đạp. Tôi đạp xe chở em đi thi đại học, đây là kỷ niệm mà sau này mỗi khi nhắc lại hai anh em lại thấy cảm xúc như ùa về.
Nhà quá nghèo, tiền lại không có, tôi đạp xe chở em qua quãng đường hơn một trăm cây số từ Định Quán, Đồng Nai về quận 5, TP.HCM để dự thi. Trước buổi thi hai ngày, anh em tôi dậy từ 3h sáng, hành trang mang theo là hai bộ quần áo cũ, dụng cụ sửa xe và thức ăn.
Ngày đó làm gì đã có bản đồ, hai anh em vừa đi vừa hỏi. Chiếc xe đạp cũ kỹ chở hai anh em nhìn thật thê lương. Thế mà em vẫn cười, nụ cười vẫn thật tươi, em không cảm thấy xấu hổ vì đi xe đạp đi thi đại học. Với em, được đi thi là vui lắm rồi.
Tôi đạp xe từ 3h sáng đến gần 10h đêm mới xuống đến nơi. Hơn mười bảy tiếng đạp xe làm tôi mệt lả người. Nhưng cũng may là đã đi được đến điểm thi. Tối hôm đó hai anh em xin ngồi nhờ một chốt dân phòng ăn bánh tét, tôi đốt nến trông cho em học và quạt cho em ngủ. Lần đầu bước chân xuống đất Sài Gòn hoa lệ, tôi thức trắng đêm mà lòng thấy vui lạ.
Có lẽ ngày nay chẳng có mấy ai nghĩ rằng để có cái ăn, để được đi học lại khó khăn như vậy. Em tôi thi đậu với số điểm cao và như lời đã hứa, mỗi tháng ba mẹ gửi cho em một trăm ngàn. Một trăm ngàn chỉ đủ em trả tiền phòng trọ, còn lại em phải tự bươn chải để kiếm sống.
Vì vậy, cuối mỗi tháng tôi vẫn lặng lẽ đạp xe hơn trăm cây số mang cho em mười ký gạo, một chục trứng và động viên em cố gắng mà học. Tôi đặt vào em tất cả hi vọng của cuộc đời mình, hi vọng của ngày mai tươi sáng.
Trong hoàn cảnh đó em đã nỗ lực học hết mình, em đã không phụ lòng tôi và ba mẹ để thành tài. Viết đến đây tôi lại thấy nước mắt lưng tròng, tôi xúc động nhớ về thuở hàn vi nghèo khó. Em tôi, một đứa em tuyệt vời đối với tôi và ba mẹ, đã ăn học nên người. Lớn lên từ gian khổ nên nghị lực sống của con người ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tuổi thơ của anh em tôi gắn liền với chiếc xe đạp cũ, nó là minh chứng cho một thời nghèo đói và cũng là tri kỷ của gia đình tôi. Em tôi vẫn thường dành thời gian lau chùi chiếc xe cũ kỹ đó, em dành riêng một góc phòng giữ nó, để cảm ơn nó và để răn dạy bản thân biết quý trọng những gì đang có.
Cuộc đời là rất nhiều khoảnh khắc, là rất nhiều những điều chúng ta phải học hỏi, trân quý. Tôi cũng như em trân quý những khó khăn để mình trưởng thành, trân quý chiếc xe vô tri vô giác nhưng mỗi lần nhìn nó trái tim nghẹn ngào vì cảm xúc!
Theo Tuổi trẻ
Từ chiều tối 25/11, không khí lạnh mạnh sẽ tràn đến miền Bắc, kéo nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi tuần tới xuống dưới 10 độ, Hà Nội 14 độ C.
Đội tuyển Việt Nam tập trung rèn đấu pháp trong khuôn khổ chuyến tập huấn Hàn Quốc để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ASEAN Cup 2024.
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 06/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Liêm đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản Bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020) đưa vào giảng dạy trong các trường học và trung tâm chính trị trên địa bàn.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.