Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của việc áp đặt suy nghĩ chủ quan lên ước mơ của con trẻ trong cuộc sống hằng ngày chính là việc bố mẹ luôn hướng lái, yêu cầu con học tập những môn học được coi là thiết thực, hữu ích để đạt các giải cao trong các kỳ thi giúp con vào những trường lớp tốt nhất cho tương lai. Em Nguyễn Tuấn M. (Phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý) cho biết: Bố mẹ em luôn mong muốn em được vào Trường THPT chuyên Biên Hòa. Để đạt được ước muốn đó, bố mẹ cho em ôn thi những môn học mà em không hề yêu thích. Em cảm thấy rất áp lực khi phải học những môn học mà mình không yêu thích nhưng vì bố mẹ em nói rằng vào đó em có cơ hội học tập tốt để trở thành kỹ sư theo mong ước bấy lâu của bố mẹ... nên em đành phải chấp nhận.
Em Trần Thanh L. (ở Liêm Chính, TP Phủ Lý) có bố mẹ đều là cán bộ, công chức. Trước đây, mẹ em từng ước mơ trở thành bác sĩ nhưng đã không thực hiện được, do vậy mẹ em luôn mong ước sau này em sẽ làm được điều đó. Chính vì vậy, mẹ L. không bắt em làm bất cứ việc gì ngoài học. Lao động vất vả đến mấy bố mẹ cũng cố gắng, miễn con phải chăm chỉ trong học tập để đỗ vào trường đại học y. Không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của bố mẹ, L. luôn là một trong những học sinh dẫn đầu lớp ở các cấp học. Hằng ngày, ngoài 2 buổi tới trường em còn học thêm cả hai ca 5-7 giờ chiều và 7-9 giờ tối. Ngày lễ, Tết hầu như em cũng tập trung cho việc học. Đi đâu, bố mẹ em cũng rất tự hào về con mình, nhất là khi về quê có hội họp, giỗ chạp… Tiếc là khi thi tốt nghiệp, em không đủ điểm vào trường đại học y mà bố mẹ em kỳ vọng. Chính vì vậy, bố mẹ L. thất vọng, thường xuyên chì chiết, so sánh: Công lao, mong ước bấy lâu nay của bố mẹ đổ sông, đổ biển. Bố mẹ thấy xấu hổ khi về quê có cháu không được đầu tư tiền của, thời gian như con mà vẫn vào được trường đại học y… Nghe bố mẹ phàn nàn, L. chỉ biết khóc.
Em tâm sự: “Thật sự em đăng ký thi đại học y là để bố mẹ vui lòng chứ em không thích và nhận thấy mình không có khả năng làm bác sỹ. Em có ước muốn trở thành một họa sỹ nhưng bố mẹ cho rằng làm họa sỹ viển vông, không kiếm được nhiều tiền và khi học xong sẽ khó có việc làm ổn định. Giờ em vào học tạm tại một trường đại học và ôn thi để sang năm thi tiếp theo ước nguyện của bố mẹ”.
Cùng tình cảnh như L., Trần Huy B. (Yên Bắc, Duy Tiên) ước mơ trở thành một đầu bếp, tuy nhiên bố mẹ em cho rằng phải học kế toán, tài chính… thì mới có nhiều cơ hội việc làm tốt, lương cao, do vậy, bằng mọi giá bố mẹ bắt em học trung cấp kế toán. Học được một thời gian, B. bỏ học và đi làm lái xe. B. cho biết: Ước muốn của em không thực hiện được, giờ làm công việc này em cảm thấy đỡ áp lực và yêu thích hơn việc phải học và làm kế toán.
Với Đỗ Tiến H. (Thanh Châu, TP Phủ Lý) hiện đang là một công chức nhà nước thì việc chịu sự áp đặt từ bố mẹ trong lập thân, lập nghiệp lại ở một cấp độ khác. H. cho biết: Hằng ngày em đến cơ quan và hoàn thành công việc được giao. Hết giờ làm việc thì chơi thể thao, em thấy như vậy là được và không có mơ ước gì lớn. H. chia sẻ: Em đã học và thi vào trường mà bố mẹ mong ước. Đến khi ra trường em về địa phương thi tuyển vào một cơ quan mà bố mẹ định hướng. Giờ em chẳng phải suy tính gì vì đã có bố mẹ lo liệu hết, kể cả việc lấy vợ cũng được bố mẹ sắp xếp.
Quan sát từ thực tế đời sống hằng ngày cho thấy, phần lớn các bậc cha mẹ có xu hướng áp đặt con học tập, làm việc và nuôi dưỡng ước mơ theo suy nghĩ chủ quan của mình mà không để con có sự lựa chọn. Trong học tập, nhiều bố mẹ cho rằng cần phải đầu tư thời gian, công sức để học giỏi văn, toán, ngoại ngữ trong khi các môn hội họa, âm nhạc, giáo dục công dân, thể dục… rất cần cho sự phát triển tư duy, trí tưởng tượng, làm giàu tâm trí của con trẻ lại không được xem trọng.
Đặc biệt, việc giáo dục về nhân cách sống, tình thương yêu, chia sẻ với cộng đồng, nuôi dưỡng ước mơ thông qua các hoạt động như: Làm việc nhà, tham gia tình nguyện vì cộng đồng… cho con trẻ không được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, nhiều trẻ không được sống với ước mơ của mình hoặc sống bằng sự “vay mượn” ước mơ của bố mẹ và những người xung quanh. Không ít trẻ khi còn nhỏ có rất nhiều ước mơ nhưng theo thời gian, những ước mơ đó bị thu hẹp lại hoặc bị mất đi do môi trường sống và do những áp đặt chủ quan từ bố mẹ.
Có một hoặc nhiều ước mơ để con trẻ theo đuổi và phấn đấu sẽ giúp chúng tìm thấy được giá trị của bản thân. Dám mơ ước và theo đuổi niềm đam mê của mình sẽ thôi thúc con trẻ thể hiện khả năng của mình để chạm đến thành công. Nghề nghiệp là một phần trong cuộc đời mỗi người, nhiều bậc cha mẹ do muốn con có tương lai tốt đẹp nên bắt ép con phục tùng ý kiến chủ quan của mình, chỉ trích ước mơ của con với những đánh giá cảm tính, cực đoan mà không xét đến sở thích, hứng thú, năng khiếu... của con trẻ. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái có thể khiến bố mẹ vô tình trở thành người đánh mất ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ mà mình chưa thực hiện được.
Đừng bắt con phải thay đổi ước mơ chỉ vì mơ ước đó không phù hợp với mong muốn của bố mẹ. Không ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác. Sự gần gũi, lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm với con sẽ giúp bố mẹ có cách nhìn toàn diện, đồng hành cùng con để xây nên những ước mơ thật sự đúng đắn, phù hợp và khả thi.
Sáng 2/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cấp tỉnh năm 2024. Dự hội thi có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
Sáng 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 2/12, Trường THPT A Phủ Lý tổ chức sinh hoạt ngoại khóa Giáo dục truyền thống cách mạng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.