Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Trong những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp may mặc duy trì hoạt động khá ổn định với lượng đơn hàng lớn. Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc đạt xấp xỉ 265 triệu USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 9 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp may mặc đã phải giảm công suất hoạt động do không duy trì được sản lượng hàng xuất khẩu, không ký kết được đơn hàng mới.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu “nhảy múa” liên tục đã đẩy chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng không thực sự cần thiết khiến cho đối tác không bán được mặt hàng may mặc. Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của doanh nghiệp may mặc, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo nhận định của bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, trong quý IV/2022, sản lượng hàng hoá xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp may mặc giảm đến 30% so với thời điểm hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp có thể bị giảm tới 50% lượng đơn hàng. Tình hình khó khăn này dự báo sẽ có thể còn kéo dài sang năm 2023 nên các doanh nghiệp cần sớm xây dựng kế hoạch ứng phó dài hạn, có giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt là những khu vực còn ổn định, ít lạm phát.
Chẳng hạn như tại Công ty TNHH MTV Seang Corporation Việt Nam (Cụm Công nghiệp xã Nhật Tân, Kim Bảng), bắt đầu từ tháng 8/2022, công ty hầu như chỉ duy trì sản xuất những đơn hàng cũ mà không có thêm đơn hàng mới. Thậm chí nhiều đối tác còn báo hủy những đơn hàng đã đặt với lý do hàng hoá không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, giá bán bình quân các đơn hàng xuất khẩu cũng có xu hướng giảm khi khách hàng đang đàm phán để giảm đơn đặt hàng. Từ 2 tháng nay, Seang Corporation Việt Nam đã phải cho công nhân lao động giảm giờ làm, trong đó tháng 9/2022, phần lớn công nhân lao động của công ty đã phải nghỉ làm 5-6 ngày vì không có việc làm.
Nói rõ hơn về nội dung này, bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết: Do thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng nên khách hàng liên tục điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn hàng đột ngột khiến công ty bị động trong khâu tổ chức sản xuất. Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid -19 vẫn chưa được giải quyết; giá xăng dầu, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo. Lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp nên khó khăn đang chồng chất khó khăn. Hiện tại, công ty đang bị thiếu đơn hàng đến tận quý I năm 2023.
Tương tự, tại xưởng may Kim Bình của Công ty TNHH may Kim Bình (Cụm Công nghiệp Kim Bình, TP Phủ Lý), mặc dù lượng đơn hàng tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, công ty cũng không có đủ đơn hàng để bảo đảm 100% công suất hoạt động của nhà máy. Quy mô các đơn hàng cũng bị giảm sút đáng kể. Để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, Công ty TNHH may Kim Bình đã phải nỗ lực tìm kiếm, chủ động liên kết với các doanh nghiệp may mặc trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về may gia công.
Bà Lê Thị Phương Linh, Quản đốc xưởng may Kim Bình cho biết: May Kim Bình cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc khác trên địa bàn tỉnh hiện đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn, đó là câu chuyện về giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ cũng gặp khó và bị thu hẹp do những biến động từ thị trường thế giới, như xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá năng lượng và lạm phát tăng, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại nhiều quốc gia. Đơn đặt hàng từ phía đối tác, nhất là đối tác tại thị trường Mỹ, châu Âu từ cuối tháng 7 đã có dấu hiệu giảm mạnh.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, nếu như mọi năm, từ cuối quý III, đầu quý IV, nhiều đối tác đã tất bật đặt hàng cho năm tới, thì năm nay, việc đặt hàng cho năm tới còn rất hạn chế. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp may mặc sẽ phải tạm ngừng hoạt động do không bảo đảm về nguồn vốn. Trước khó khăn này, các doanh nghiệp may mặc mong muốn được các ngành chức năng quan tâm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU; tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia các hội nghị, hội thảo, các sự kiện xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước để nắm bắt thêm thông tin, có kế hoạch sản xuất phù hợp đối với từng dòng sản phẩm. Cùng với đó, tạo thuận lợi để doanh nghiệp được tiếp cận với các gói chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng nhằm duy trì hoạt động sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục về xuất nhập khẩu…
Ngày 15/1/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950-18/1/2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.
Năm 1972, bà Nguyễn Thị Kim Tiên, thôn Nha Xá, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) tạm biệt quê hương, xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và được biên chế vào Đội TNXP, Tổng đội 572 làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Với nhiều thành tích xuất sắc, năm 1974 bà được cấp trên cử đi học, sau về công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ, Trường trung cấp kinh tế Thái Nguyên, Xí nghiệp Gạch ngói Duy Tiên.
Tới Greenland, du khách có cơ hội được ngắm những "gã khổng lồ" trên biển hoặc những tảng băng hùng vĩ trôi lặng lẽ như những con tàu ma quanh vịnh Disko.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.