Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự, chủ trì hội nghị theo hình thức trực tuyến. Dự hội nghị còn có các đồng chí: Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện, thị xã và thành phố Phủ Lý.
Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo dự thảo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, năm 2022, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; giá cả nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động, sức ép lạm phát cao, dịch bệnh Covid-19 tuy cơ bản đã được kiểm soát, song diễn biến vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trước những khó khăn đó, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) đạt 45.653,2 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế năm 2022: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,1%, Công nghiệp - xây dựng 67,7%, Dịch vụ 24,3%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 86,1 triệu đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ, bằng 100% kế hoạch. Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 13.130 tỷ đồng, bằng 90,6% so với cùng kỳ, đạt 107% dự toán Trung ương giao, đạt 106% dự toán địa phương, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn cả năm đạt 39.500 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, bằng 100% kế hoạch và chiếm 52,4% GRDP - giá hiện hành. Giải quyết việc làm mới cả năm đạt 23.000 người, trong đó 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 100% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,15%, giảm 0,54% so với đầu năm, vượt kế hoạch.
Phát huy những kết quả đạt được năm 2022, UBND tỉnh dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) đạt 50.492,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế đến cuối năm ước đạt: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 7,3%, Công nghiệp - xây dựng 69,4%, Dịch vụ 23,3%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 97,0 triệu đồng, tăng 12,2% so với năm 2022.Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 13.454 tỷ đồng, tăng 2,0% so với ước thực hiện năm 2022. Vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 42.186 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2022, chiếm 49,2% GRDP (theo giá hiện hành). Giải quyết việc làm mới cho 25.000 người, tăng 8,7% so với năm 2022; trong đó có 1.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, bằng kế hoạch năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2023, xác định là một năm khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực công nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động. Đối với lĩnh vực nông nghiệp tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là cơ chế chính sách, bởi người dân sống ở nông thôn nhiều. Ngoài ra, các ngành và địa phương cũng cần lưu ý tập trung cho thu cân đối ngân sách, xác định các nguồn thu cho phù hợp với dự toán được giao; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; xử lý ô nhiễm môi trường, nhất môi trường khu vực Tây Đáy; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tập trung giải quyết đơn thư từ cơ sở, giảm đơn thư vượt cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Trong năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 các ngành và địa phương tập trung nghiên cứu rà soát từng chỉ tiêu xây dựng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Về nhiệm vụ cụ thể, các ngành và địa phương cần tập trung giải phóng mặt bằng các KCN, các khu nhà ở, khu đô thị để thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các ngành chức năng cũng nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, nhất là vào dịp Tết. Tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động, không trả lương cho người lao động và lao động không có tiền về quê ăn Tết.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các ý kiến đóng góp của các ngành để hoàn tất dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền.
Ngày mai (8/11), hội nghị tiếp tục thảo luận một số vấn đề quan trọng trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Ngày 23/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Sáng 23/12, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chị Đỗ Thị Diện (tổ dân phố Ngũ Nội, phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên).
Chiều 23/12, Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.