Dấu hiệu trẻ mắc cúm B cần nhập viện

Tư vấn 09:43 31/10/2022 Theo Vnexpress.net
Trẻ sốt cao dùng thuốc không đáp ứng, ăn uống kém, mất nước, thở nhanh... là những dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần đưa đi bệnh viện.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp gia tăng, trong đó có cúm B.

PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) - thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng là B/Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người.

Ở các nước nhiệt đới, bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng chủ yếu gặp vào mùa đông, có thể gây thành dịch không theo quy luật thông thường.

Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm, hoặc chạm vào bề mặt có chứa virus. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày, trẻ em và người miễn dịch kém có thể ủ bệnh lâu hơn.

Các triệu chứng thường gặp gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, kiệt sức, nôn, tiêu chảy...

Theo bác sĩ Tuấn, phần lớn bệnh cúm B tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan... nhưng rất hiếm.

Nhóm có nguy cơ biến chứng nặng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ có các bệnh mãn tính như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì,...

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm, tùy thuộc vào lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Một em bé khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Về điều trị, dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4-6h.

Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn mềm, uống thêm nhiều dịch như nước quả, dung dịch orezol. Thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi bằng bấc bông tự cuốn...

Trẻ mắc cúm B cần đến các cơ sở y tế gồm: sốt cao trên 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt nhưng không được. Hoặc trẻ sốt cao trên 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm. Ngoài ra, trẻ thở nhanh, thở bất thường như thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp; mạch nhanh. Trẻ có biểu hiện mất nước như môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít. Trẻ thay đổi ý thức như trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật. Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều...

"Cha mẹ không tự ý gọi xét nghiệm chẩn đoán cúm B cũng như các xét nghiệm khác, không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus mà nên theo tư vấn, chỉ định bác sĩ", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Tùy thuộc tình trạng của trẻ khi thăm khám, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, để từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp. Ví dụ, trẻ có nguy cơ cao/trẻ có các biến chứng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus (chỉ dùng cho những trường hợp sốt dưới 48h). Nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh phù hợp. Nếu có suy hô hấp sẽ được hỗ trợ thở ôxy hoặc thở máy, bù nước điện giải, điều trị suy tim nếu có...

Phòng bệnh cúm B, mọi người cần giữ khoảng cách xa tối thiểu một mét với những người có các triệu chứng cúm. Trẻ có dấu hiệu cúm nên để ở nhà, không đi học. Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng. Sử dụng khăn giấy hoặc mặt trong cánh tay khi bạn ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định, rửa tay. Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống, thìa, bình sữa, đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì tiếp xúc với miệng hoặc mũi. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Môi trường - Đô Thị  |  05:57 28/04/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch

Sức khỏe  |  05:51 28/04/2024

Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Xây dựng đời sống văn hóa ở Bồ Đề

Đời sống  |  05:33 28/04/2024

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, những năm qua, xã Bồ Đề (Bình Lục) đã cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC