Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của người dân; đặc biệt, đối với những trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi. Với thông điệp: Kết nối yêu thương, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của đại dịch Covid-19 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, cuối năm 2021, Hội LHPN Hà Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vì thế cũng đã đem lại những hiệu ứng tích cực.
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hiện Hà Nam có gần 1.200 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; trong đó, có 771 em mồ côi cha, 290 em mồ côi mẹ và 121 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỗi em một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng nhưng đều có chung một nỗi đau: mất cha, mất mẹ. Cuộc sống vốn đã khó khăn nhưng giờ lại thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ, hơi ấm của cha nên khó khăn, thiếu thốn của những đứa trẻ cứ thế nhân đôi, nhân ba.
Trong câu chuyện với những người mẹ đỡ đầu là cán bộ Hội LHPN tỉnh Hà Nam, chúng tôi biết đến hoàn cảnh của em Vũ Thị Phương Thảo, sinh năm 2007, ở Tiêu Hạ Nam, xã Tiêu Động (huyện Bình Lục), là con thứ ba trong gia đình có 4 chị em, sau Thảo là một người em sinh năm 2014, bị bệnh down bẩm sinh. Bố mẹ Thảo đều là lao động chân tay, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chỉ lo ăn, lo mặc cho 4 chị em cũng đã vất vả, chứ chưa nói đến chuyện học hành. Thế nhưng khó khăn vẫn chưa dừng ở đó, năm 2015, khi em út mới được một năm thì bố em mất do bị ngã từ trên giàn giáo xuống trong lúc đi làm thuê, để lại cho mẹ em 4 đứa con “trứng gà, trứng vịt” cộng một món nợ 100 triệu đồng vay mượn khi xây nhà. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng em đã thấm thía đủ những thiệt thòi, mất mát của những đứa trẻ mồ côi.
Nếu như Thảo mồ côi cha khi mới 7 tuổi thì em Nguyễn Quốc Bảo, sinh năm 2012 ở thôn Kiều Đan Thượng (Tiên Tân - Phủ Lý) lại mồ côi mẹ khi mới 3 tuổi. 10 tuổi nhưng đã 7 năm sống thiếu bàn tay nâng niu, chăm sóc của mẹ, Bảo sống cùng bố và ông bà nội. Bố Bảo làm nghề phụ xây, hoàn cảnh ông bà nội khó khăn lại đau ốm luôn nên cuộc sống gia đình cũng không dễ dàng gì. Nhìn căn nhà tạm bợ lợp bằng Fibro xi măng trên thửa đất thuộc phần ruộng của gia đình, đồ đạc trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá, bà con lối xóm ai cũng cảm thương cho gia cảnh gà trống nuôi con của anh Nguyễn Xuân Thắng (bố đẻ của Bảo).
Thảo và Bảo ít ra còn được ở cùng bố, hoặc mẹ còn em Vũ Văn Vượng, sinh năm 2011, ở thôn 2, xã Nhật Tân, Kim Bảng, lại mồ côi cả bố lẫn mẹ, hiện đang sinh sống cùng anh trai, sinh năm 2005, là học sinh Trường THPT C Kim Bảng và bà nội là Nguyễn Thị Út. Gia đình thuộc hộ nghèo nhiều năm nay của xã. Cuộc sống khó khăn, vất vả dường như khiến cho những đứa trẻ già dặn hơn, nụ cười cũng dè dặt, thiếu vắng hơn. Sau biến cố lớn của cuộc đời, những đứa trẻ đang dần học cách trưởng thành, trở thành trụ cột của gia đình, để mai này là chỗ dựa cho cha, mẹ, ông bà và những đứa em thơ. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai, các em không hề đơn độc. Bởi bên cạnh các em luôn có những người thân thương, đó là gia đình, thầy cô, cộng đồng và xã hội. Cuộc sống là sự nối tiếp, những mất mát của ngày hôm nay sẽ trở thành động lực để các em cố gắng cho ngày mai tốt đẹp hơn, hạnh phúc và may mắn hơn. Bước qua những khó khăn, giờ đây, những niềm hi vọng và những ước mơ đang lớn dần lên trong mỗi đứa trẻ. Như chia sẻ của bà Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam, mẹ đỡ đầu 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Thanh Liêm và 1 trẻ ở Kim Bảng: Khi có đủ yêu thương từ gia đình, cộng đồng và xã hội, các em sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Nước mắt rồi cũng sẽ được hong khô bởi nụ cười và tình yêu thương của những trái tim thiện lương...
Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu” và tinh thần lan tỏa yêu thương, bù đắp phần nào mất mát cho con trẻ, vào tháng 3/2022, được sự đồng ý của cấp ủy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát giao thông đã thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” em Phạm Thị Diệu Linh, sinh năm 2006, học sinh lớp 10A8, Trường THPT A Kim Bảng, trú tại Thôn 6, xã Phù Vân, TP Phủ Lý. Bố mẹ em đều mất do căn bệnh hiểm nghèo, Linh và em gái ở cùng với bà. Ba bà cháu nương tựa vào nhau để sống nhưng ở cái tuổi xưa nay hiếm, để lo ăn học cho hai đứa trẻ đang ở tuổi lớn thực sự là gánh nặng đối với bà. Với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau, đồng thời tạo điểm tựa vững chắc giúp em vượt qua khó khăn, mạnh mẽ bước tiếp trên con đường phía trước, Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Nam) đã nhận đỡ đầu Linh trong thời gian 3 năm học THPT với số tiền 1.000.000 đồng/tháng thực hiện liên tục trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 3/2022. Trong lần đến thăm Linh và gia đình, hội viên, hội phụ nữ của phòng cũng dành tặng cho ba bà cháu những món quà ý nghĩa như đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân phục vụ sinh hoạt hằng ngày... Tin rằng, với sự đỡ đầu đó, Linh sẽ có thêm chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần để em tiếp tục được đến trường học với các bạn cùng trang lứa tạo cho em thêm niềm tin vào tương lai phía trước.
Được biết, ngoài nhận đỡ đầu hằng tháng theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cán bộ, hội viên còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, quan tâm và luôn có mặt khi chị em Linh gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Bằng tình yêu, sự sẻ chia, các chị đã trở thành những người mẹ thứ hai luôn hỗ trợ chị em Linh về cả vật chất lẫn tinh thần để các em tự tin vượt qua khó khăn, yên tâm học tập, vững vàng trong cuộc sống. Có thể nói, những việc làm thiết thực của hội viên, Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát giao thông cùng với các nhà hảo tâm đã góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cùng các em viết tiếp những ước mơ ngày hôm qua.
Trao đổi về hiệu ứng của chương trình này, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện nay Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang thực sự lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Qua chương trình này và bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, giàu lòng nhân ái các “Mẹ đỡ đầu” đã truyền thông điệp mạnh mẽ về tình người, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, vì tương lai và hạnh phúc của trẻ thơ. Toàn tỉnh hiện có 146 trẻ em mồ côi đã được các đơn vị, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu. Trong đó, tổ chức hội các cấp nhận đỡ đầu, chăm sóc 64 cháu; riêng tỉnh hội là 27 cháu. Với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Đến thời điểm này, tỉnh hội đã chuyển tiền hỗ trợ cho các cháu thông qua tài khoản cá nhân của từng cháu được mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, gia đình, người giám hộ của các cháu sẽ lĩnh tiền hằng tháng qua trực bàn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Để bảo đảm nguồn lực ủng hộ của các nhà hảo tâm được sử dụng hiệu quả, đúng người, đúng mục đích, đúng thời điểm, Hội LHPN tỉnh đã rà soát, lập danh sách và thẩm định, xác minh thông tin về trẻ mồ côi trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức. Hội LHPN tỉnh sẽ gửi danh sách và phiếu thông tin cá nhân của trẻ có xác nhận của chính quyền địa phương tới các nhà hảo tâm. Cùng với đó, các cấp hội sẽ làm tốt vai trò kết nối giữa “Mẹ đỡ đầu” và các bé mồ côi; giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách và tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm công bằng và hỗ trợ các con được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Hà Nam cũng có thời điểm được xác định là tâm dịch nhưng chỉ có 01 trường hợp trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh đã mở rộng đối tượng được đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng là những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Sau 10 tháng phát động, chương trình “Mẹ đỡ đầu” dù chưa thể đánh giá được kết quả một cách toàn diện nhưng chương trình đã đem đến một thông điệp hết sức ý nghĩa và nhân văn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và được đánh giá cao. Tin rằng với những hiệu ứng tích cực từ chương trình, trẻ em sẽ được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương; sẽ mạnh mẽ, tự tin viết tiếp những ước mơ không chỉ cho riêng mình.
Ảnh: Khánh Chi, Xuân Tuân, Thanh Hà
Thiết kế: Quốc Khánh
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.