Theo PGS, TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, khi nói đến liên hoan là thường gắn với các hoạt động văn hóa phi vật thể, các phong tục tập quán, nhưng với Hà Nam, Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu đã gắn được các giá trị văn hóa phi vật thể với các giá trị văn hóa vật thể; đấy là các di tích đã được công nhận và xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, là các vật thể hữu hình cho các hoạt động văn hóa phi vật thể được thể hiện và lưu truyền.
Mục tiêu của Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ VII năm 2022 nhằm tiếp tục để các địa phương giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của các di tích ở địa phương mình. Đồng thời, qua đó góp phần tuyên truyền pháp luật về di sản văn hóa, đặc biệt là triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham gia Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ VII năm 2022 có 6 đội văn hóa dân gian tiêu biểu với 6 di tích đại diện cho 222 di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là các di tích: Đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên; Cụm di tích đình, đền Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; Chùa Bà Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng; Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục; Đền Mẫu Tổ 4, Phường Quang Trung, TP Phủ Lý; Đền Bà Vũ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân.
Tại Liên hoan, ngoài phần xây dựng 1 pa nô hình ảnh có bằng xếp hạng di tích, ban quản lý di tích, các mảng chạm khắc tiêu biểu, sinh hoạt cộng đồng…, phần giới thiệu di tích các đội đã giới thiệu sâu hơn về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, nhân vật thờ và kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Và phần sôi nổi nhất, thể hiện được rõ nhất các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các di tích là phần trình diễn các hoạt động dân gian truyền thống.
Với lịch sử thờ Mẫu và công đồng tam tứ phủ, đền Lảnh Giang và đền Bà Vũ, các đội đều mang đến các giá chầu đặc sắc, tiêu biểu tại di tích, như giá chầu Quan lớn đệ Tam, giá chầu Cô bé của đền Lảnh Giang và giá chầu Tích bà Vũ Nương của đền Bà Vũ. Điểm đặc biệt lời hát Chầu văn Tích bà Vũ Nương là một bản hát văn độc lập không nằm trong hệ thống các bài hát văn của 36 giá hầu đồng hiện có. Nội dung bài hát tỏ rõ được nỗi lòng mang nặng nỗi oan khuất của Vũ Nương khiến bà phải tìm đến cái chết để minh oan.
Đội văn hóa dân gian tiêu biểu Cụm di tích đình, đền Bồng Lạng, xã Thanh Nghị; đền Mẫu Tổ 4, Phường Quang Trung và chùa Bà Đanh, xã Ngọc Sơn đều là những ngôi đền, chùa thờ Mẫu nên các đội đều mang đến những nghi lễ truyền thống trong việc phụng thờ các vị phúc thần của quê hương, đó là các nghi lễ dâng rượu tế nữ chùa Bà Đanh, tế nam quan đền Mẫu Tổ 4, múa trống hội đền Bồng Lạng. Múa trống hội từ lâu đã là một nghi thức quan trọng, là đặc điểm của các di tích thờ tự các nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Còn Bình Lục là vùng đất nổi tiếng của chiếng chèo Nam, văn hóa dân gian tiêu biểu Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình diễn các bài hát chèo ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người với các làn điệu chèo cổ, như: hề mồi thắt lưng xanh, luyện năm cung, lới lơ…
Nhật xét về nội dung trình diễn của các đội, PGS, TS Phạm Lan Oanh cho biết: 6 tiết mục của 6 địa phương tham gia trình diễn tại liên hoan đều mang giá trị nổi bật và nét văn hóa riêng độc đáo. Điều đó thể hiện các đội đã rất có ý thức trong việc lựa chọn tiết mục trình diễn, chọn những giá trị văn hóa hay nhất gắn với di tích mang đến liên hoan. Đặc biệt, với các địa phương trình diễn các nghi lễ của các đội tế diễn ra trong lễ hội đã được thể hiện theo đúng chuẩn của nghi lễ cổ truyền. Và cái hay nữa của liên hoan là các đội đã không chuyên nghiệp hoá dân gian, không biến các tiết mục dân gian thành sản phẩm của đạo diễn chuyên nghiệp, các trang phục, đạo cụ, nhạc cụ bảo đảm được tính cổ truyền dân tộc.
Để tạo nên sự thành công của Liên hoan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh – đơn vị chuyên môn, phối hợp với phòng văn hóa và thông tin; trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các huyện, thành phố, thị xã làm việc với các xã, thị trấn chọn di tích tham gia liên hoan và trợ giúp các di tích trong việc chuẩn hóa các tiết mục theo đúng giá trị truyền thống.
Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Liên hoan về cơ bản đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo Luật Di sản văn hóa; giới thiệu quảng bá vốn văn hóa dân gian, dân tộc hàm chứa tại di tích, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn, bảo vệ, xã hội hoá tu bổ, tôn tạo di tích giữa các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị các nội dung tham gia liên hoan, nhất là luyện tập các tiết mục văn hóa dân gian để trình diễn không nhiều, lực lượng tham gia liên hoan lại đa phần là các nghệ nhân, các bậc cao niên nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật. Vì vậy, thông qua liên hoan đề nghị các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc truyền dạy vốn văn hóa dân gian truyền thống cho thế hệ trẻ để vốn văn hóa phi vật thể độc đáo mà cha ông ta đã sáng tạo ra được giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền mãi mãi.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.