Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính, làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng thoái hóa khớp tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 85 tuổi gặp vấn đề về khớp.
Thoái hóa khớp gối và cân nặng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tình trạng thừa cân béo phì sẽ làm bệnh lý thoái hóa khớp phát triển nhanh chóng. Đồng thời, khi thoái hóa khớp ngày càng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh, làm tích tụ mỡ và tăng cân.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, ở trạng thái bình thường, trọng lượng cơ thể sẽ chia đều cho hai khớp gối. Tuy nhiên khi di chuyển, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ chuyển sang và hoàn toàn đè ép lên chân trụ. Theo các nghiên cứu, khi một người đi cầu thang, khớp gối ở chân trụ (chân gập lại) sẽ chịu áp lực gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể. Nguyên nhân là do cơ tứ đầu đùi ở phía trước khớp gối phải co lại và ép chặt vào hai mặt khớp để kéo cơ thể đi lên. Tư thế cúi người về phía trước nhằm giữ thăng bằng cũng làm trọng tâm cơ thể rơi vào chân trụ, từ đó tăng áp lực lên khớp gối.
Trong trường hợp không có những tác động từ bên ngoài, khớp gối chủ yếu bị tổn thương do trọng lượng và lão hóa. Cụ thể, khi một người gặp phải tình trạng thừa cân béo phì sẽ làm tăng áp lực lên khớp gối, gây chèn ép, làm nứt hoặc rách sụn; cân nặng càng tăng, áp lực càng lớn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp; thúc đẩy quá trình thoái hóa, tổn thương sụn khớp ở người đã mắc bệnh diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, theo thời gian, khớp gối sẽ suy yếu dần và bề mặt sụn bị hao mòn, hậu quả là bệnh lý thoái hóa khớp.
Ngoài ra, ở người béo phì thường xuất hiện tình trạng rối loạn chuyển hóa, với hàm lượng cholesterol trong máu và các chất béo có hại tăng cao. Tình trạng này làm các tế bào sụn chết đi nhanh hơn, tổn thương xương dưới sụn. Đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như xơ vữa mạch vành, hẹp mạch vành, tiểu đường... Những bệnh lý tim mạch và tiểu đường này là yếu tố làm nặng thêm và thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp gối diễn ra nhanh hơn.
Để điều trị thoái hóa khớp hiệu quả, bên cạnh các chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp với duy trì cân nặng lành mạnh. Khi cân nặng giảm xuống, áp lực lên khớp gối giảm, điều này đồng nghĩa với việc lượng thuốc người bệnh phải uống cũng giảm theo.
Tiến sĩ Nam Anh nhấn mạnh, việc giảm cân phải được thực hiện một cách khoa học, giảm từ 1 - 2 kg mỗi tháng. Giảm cân quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi, suy sụp. Chương trình giảm cân nên được kết hợp giữa dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đủ chất, tăng cường các loại thực phẩm giàu axit béo omega 3, vitamin D và chất xơ. Hạn chế các loại thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn, hạn chế rượu bia...
Trước khi bắt đầu việc tập luyện, người bệnh nên kiểm tra chức năng tim mạch và khớp gối, từ đó lựa chọn những môn thể thao phù hợp, vừa sức. Quá trình tập luyện nên được thực hiện thường xuyên theo nguyên tắc 357, tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày, tập 5 ngày mỗi tuần.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, sáng 10/1, tại Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Sáng 10/1, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào thi đua năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam vừa tổ chức ngày hội ra quân năm 2025 với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ, vững vàng vị thế’’.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.