Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông - Chương 1 (Phần 1)

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 30 Bắc lên đến vĩ độ 260 Bắc và từ kinh độ 1000 Đông đến 1210 Đông.

 

Một góc đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: thanhnien.vn

 

 

LTS: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, đó là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam, nó cũng liên quan đến các quốc gia khác mà trước hết là các quốc gia láng giềng hoặc các quốc gia trong khu vực. Với những lý do đó, năm 2012, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã xuất bản cuốn sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông do TS. Trần Công Trục chủ biên. Cuốn sách góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là một cách khẳng định với các thế lực phản động về lập trường vững vàng cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước của nhân dân Việt Nam. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Chương 1

 

Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong Biển Đông

1. Vị trí các vùng biển, hải đảo Việt Nam

1.1. Điều kiện tự nhiên Biển Đông

1.1.1  Vị trí

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải dài từ vĩ độ 30 Bắc lên đến vĩ độ 260 Bắc và từ kinh độ 1000 Đông đến 1210 Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 9 nước và vùng lãnh thổ khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ.

Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển tươi đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu... Như vậy, cứ 100 km2 thì có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ của các nước ven biển trên thế giới (trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Không một nơi nào trên lục địa của Việt Nam lại cách xa biển hơn 500 km.

Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; giữa Biển Đông có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.

1.1.2  Địa hình đáy Biển Đông

Tại hầu hết các đại dương và biển trên thế giới đều tìm thấy 8 dạng địa hình đáy chủ yếu: thềm lục địa, sườn lục địa, chân lục địa, lòng chảo biển, các cung đảo, các rãnh sâu, các đồi ngầm và các dãy núi ngầm. Đáy Biển Đông cũng có những dạng địa hình tương tự.

+ Thềm lục địa Biển Đông chiếm hơn 50% diện tích, phân bố ở độ sâu nhỏ hơn 200m.

+ Sườn lục địa chiếm khoảng 25%, diện tích còn lại phân bố ở độ sâu lớn hơn 2.000m và thuộc lòng chảo trung tâm, các rãnh sâu, các bãi cạn, các cung đảo và các dãy núi ngầm.

+ Giữa phần trũng sâu phía Bắc và phía Nam Biển Đông được nối sâu với nhau bằng một máng sâu trung tâm, rìa các trũng sâu là các dãy núi ngầm.

 

Tuần tra bảo vệ chủ quyền trên đảo Trường Sa. Ảnh: thanhnien.vn

 

1.1.3. Chế độ nhiệt muối Biển Đông

Nhiệt độ và độ muối (độ mặn) là hai đặc trưng vật lý cơ bản nhất của nước biển chi phối mọi quá trình thủy nhiệt động lực biển, đồng thời đảm bảo tồn tại và phát triển đời sống sinh vật trong biển. Khác với nước trên lục địa, nước biển được đặc trưng bởi độ muối. Độ muối trung bình của nước đại dương thế giới là 3,5 phần nghìn (có 35 gam chất khoáng rắn hòa tan trong 01 kg nước biển). Sự biến đổi của độ muối phụ thuộc vào nhiệt độ nước, chế độ khí tượng trên biển, vị trí địa lý và các quá trình động lực biển. Độ muối của lớp nước mặt Biển Đông biến động từ 32 đến 34,5%0 (trừ vùng cửa sông). Khu vực độ muối có giá trị cao là Đông Bắc Biển Đông, nơi có sự giao lưu với khối nước Thái Bình Dương qua eo biển Basi và eo biển Đài Loan, ít chịu ảnh hưởng của nước lục địa và quá trình bốc hơi mặt biển mạnh. Tháng có độ muối cao là tháng 1 đến tháng 3. Khu vực độ muối thấp là vùng ven bờ do tác động mạnh của dòng nước lục địa. Thời kỳ độ muối giảm thấp nhất là mùa hè, tháng 7 - 8 do mưa nhiều trên mặt biển và nước lục địa đổ ra với khối lượng lớn.

Phân bố nhiệt - muối của nước biển phản ánh cấu trúc khối nước và chế độ động lực nước biển. Lớp nước mặt của Biển Đông tồn tại các khối nước là khối nước lạnh và nhạt ven bờ, khối nước ngoài khơi Đông Bắc và ngoài khơi Nam Biển Đông, khối nước trồi mùa hè. Giữa các khối nước là các front thủy văn với đặc trưng gradient ngang nhiệt, muối rất lớn. Các đàn cá thường tập trung gần các front thủy văn, sự biến động của front dẫn đến sự di cư của các đàn cá khai thác và các loại hải sản.

1.1.4. Dòng chảy Biển Đông

Dòng chảy lớp nước mặt Biển Đông là kết quả của quá trình tương tác biển - khí quyển. Dòng chảy quan trắc được trên mặt biển là tổng hợp của ba dòng chảy thành phần: dòng chảy gió, dòng chảy địa chuyển và dòng chảy thủy triều. Hai thành phần đầu rất khó xác định, có thể sử dụng các số liệu đo thực tế và mô hình toán học để định lượng chúng. Kết hợp cả hai phương pháp chúng ta đã xây dựng được bản đồ chế độ dòng chảy Biển Đông đặc trưng cho hai mùa (mùa đông và mùa hè), phản ánh những quy luật cơ bản của hoàn lưu lớp nước mặt dưới tác động của chế độ gió mùa. Tại Vịnh Bắc Bộ, một hoàn lưu xoáy thuận luôn luôn tồn tại và một dòng mạnh hướng về Nam dọc theo bờ biển (trong mùa đông dòng chảy này xâm nhập sâu xuống vùng biển Bình Thuận và xa hơn). Vào mùa hè, dưới tác động của gió mùa Tây Nam đã hình thành dòng chảy mạnh Tây Nam dọc theo bờ Biển Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ lên phía Bắc và gặp dòng chảy từ phía Bắc xuống ở khoảng 160 Nam, sau đó chúng lệch hướng về phía Đông ra vùng biển trung tâm tạo các xoáy quy mô lớn ở phần phía Bắc và phía Nam Biển Đông.

1.1.5. Thủy triều Biển Đông

Chế độ thủy triều Biển Đông là kết quả của sóng thủy triều truyền từ Thái Bình Dương và một phần từ Ấn Độ Dương qua các eo biển lớn và bị chi phối bởi các dạng địa hình phức tạp của biển. Thủy triều Thái Bình Dương có bản chất bán nhật triều, khi truyền vào Biển Đông trở thành nhật triều là chủ yếu và biên độ tăng lên đáng kể. Trên bản đồ tính chất triều Biển Đông do ông Nguyễn Ngọc Thụy biên vẽ, phần nhật triều choán hầu hết không gian Biển Đông. Nhật triều đều điển hình quan trắc thấy ở Hòn Dấu (Hải Phòng) và Hồng Gai (Quảng Ninh), đó là khu vực có biên độ triều lớn nhất Biển Đông (4 m). Chế độ thủy triều dọc bờ biển Việt Nam rất đa dạng và luôn biến động, ở đây có thể quan trắc thấy cả bốn dạng thủy triều: nhật triều đều, nhật triều không đều, bán nhật triều và bán nhật triều không đều. Tính chất thủy triều dọc bờ biển Việt Nam như sau:

+ Vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có chế độ nhật triều và nhật triều không đều chiếm ưu thế) độ cao triều biến động trong khoảng 3 - 4 m.

+ Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình có chế độ nhật triều không đều là chủ yếu, trong một tháng chỉ có khoảng 15 ngày quan trắc thấy một lần nước lên và một lần nước xuống, độ cao mực nước triều cường biến đổi trong khoảng 1,2 - 2,5 m.

+ Vùng biển Cửa Tùng - Thuận An - Quảng Nam - Đà Nẵng có chế độ thủy triều được xem là phức tạp nhất và thiên về bán nhật triều không đều, trong đó tại điểm Thuận An có chế độ bán nhật triều đều, hầu hết các ngày trong tháng có hai lần nước lên và hai lần nước xuống, nhưng độ cao triều chỉ đạt khoảng 0,5m. Trong khi đó độ cao triều cường ở hai phía Thuận An biến động từ 0,5 -1,2m.

+ Vùng biển từ Quy Nhơn đến Nha Trang, thủy triều lập lại tính chất nhật triều không đều, trong tháng có khoáng 18-22 ngày quan trắc thấy một lần nước lên và một lần nước xuống, mực nước triều cường tăng lên 1,2 - 2,0 m.

+ Vùng biển khu vực Hàm Tân - Vũng Tàu - Cà Mau, thủy triều lại có tính chất bán nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng quan trắc thấy hai lần nước lên và hai lần nước xuống nhưng không đều về biên độ và thời gian. Độ cao mực nước triều cường ở đây tăng lên 2,0 - 3,5m (gần giá trị của vịnh Bắc Bộ).

+ Vùng biển ven bờ Tây Nam Bộ (vịnh Thái Lan) có chế độ nhật triều không đều chiếm ưu thế, độ cao triều cường không lớn (<1,0 m).

1.2. Các khu vực biển, thềm lục địa Việt Nam trong Biển Đông

Biển, thềm lục địa và hải đảo nước ta nằm trong Biển Đông có nhiều khu vực khác nhau, nhưng nổi bật và có những đặc điểm cần chú ý hơn là Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo, quần đảo khác.

1.2.1. Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển và hải đảo của miền Bắc Viêt Nam ở phía Tây; bởi lục địa Trung Quốc ở phía Bắc; bởi bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam ở phía Đông. Vịnh Bắc Bộ trải rộng từ khoảng kinh tuyến 105036' Đông đến khoảng kinh tuyến 109055' Đông, trải dài từ vĩ tuyến 21055' Bắc đến vĩ tuyến 17010' Bắc. Diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310km và nơi hẹp nhất khoảng 220km.

Vịnh Bắc Bộ là vịnh tương đối nông, độ sâu trung bình khoảng từ 40 - 50m, nơi sâu nhất khoảng 100m; đáy biển tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ. Thềm lục địa thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam ra biển khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Bờ vịnh khúc khuỷu và ven bờ có nhiều đảo. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ, đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5 km2 cách đất liền Việt Nam 110km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130km. Có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn và tiềm năng dầu khí).

Vịnh Bắc Bộ có hai cửa thông với bên ngoài: Cửa phía Nam ra trung tâm Biển Đông, nơi hẹp nhất rộng khoảng 240km, cửa phía Đông qua eo biển Quỳnh Châu (nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam) ra phía Bắc Biển Đông, nơi hẹp nhất khoảng 18km.

1.2.2. Vịnh Thái Lan

Vịnh Thái Lan nằm ở phía Tây Nam của Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Vịnh Thái Lan có diện tích khoảng 293.000km2, chu vi khoảng 2.300km, chiều dài vịnh khoảng 628 km. Đây là một vịnh nông, nơi sâu nhất chỉ khoảng 80m. Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567km2.

Vịnh Thái Lan có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 51 vạn tấn) và có tiềm năng dầu khí lớn mà hiện nay các nước liên quan đang tiến hành thăm dò, khai thác.

1.2.3. Các đảo và quần đảo

Vùng biển ven bờ Việt Nam có khoảng 2.773 hòn đảo lớn, nhỏ chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, số còn lại phân bổ ở:

+ Khu vực biển Bắc Trung Bộ.

+ Khu vực giữa Biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

+ Khu vực biển Trung, Nam Trung Bộ.

+ Khu vực biển Tây Nam.

Căn cứ vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý, kinh tế, dân cư người ta có thể chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:

- Hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ...

- Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các đảo như Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.

- Các đảo ven bờ gần đất liền, có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ để bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...

* Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo san hô, phân bố rải rác trong một phạm vi từ khoảng kính tuyến 1110 đến 1130 Đông; từ vĩ tuyến 15045' Bắc đến 17015' Bắc, ngang với Huế và Đà Nẵng, phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, ở khu vực phía Bắc Biển Đông, trên con đường biển quốc tế từ châu Âu đến các nước ở phía Đông và Đông Bắc Á và giữa các nước châu Á với nhau.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 37 đảo, đá, bãi cạn nằm trong phạm vi biển rộng khoảng 30.000km2, chia làm hai nhóm: nhóm phía Đông có tên là nhóm An Vĩnh, gồm khoảng 12 đảo, đá, bãi cạn, trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5km2; nhóm phía Tây gồm nhiều đảo xếp vòng cung nên gọi là nhóm Lưỡi Liềm, trong đó có đảo Hoàng Sa (diện tích gần 1km2), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn...

Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam là quần đảo Trường Sa, bao gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm trải rộng trong một vùng biển khoảng 180.000km2, khoảng từ vĩ tuyến 6030' Bắc đến 120 Bắc và khoảng từ kinh tuyến 111030' Đông đến 117020' Đông, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 595 hải lý.

Quần đảo Trường Sa được chia làm tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao từ 4 đến 6m lúc triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km2).

Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng này rất khắc nghiệt: nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhiều đảo không có cây. Quần đảo Trường Sa không chỉ là vị trí quân sự chiến lược án ngữ phía Đông Nam nước ta mà còn là một vùng có trữ lượng tài nguyên khá lớn, có nhiều loại động thực vật phong phú, đa dạng.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí hết sức quan trọng đối với đất nước ta. Trước hết, hai quần đảo này nằm giữa Biển Đông, nơi có những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới đi qua. Ngoài ra, do vị trí nằm trải dài theo hướng bờ biển Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là những vị trí tiền tiêu bảo vệ sườn đông của đất nước, cũng như các vùng biển và bờ biển của Việt Nam. Về kinh tế, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu khí.

(Còn nữa)

 

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thành tựu bảo vệ, thực thi quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định nhân quyền là nội dung có tính pháp lý, nhất quán. Mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được bảo đảm, thụ hưởng một cách đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Những thành quả mà Việt Nam đã đạt được sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới chính là sự khẳng định cho tính đúng đắn và nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người.

Bế mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính trị  |  19:39 11/12/2024

Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Hội Nông dân huyện Kim Bảng tổng kết công tác năm 2024

Đoàn - Hội  |  17:13 11/12/2024

Chiều 11/12, Hội Nông dân (HND) huyện Kim Bảng tổ chức tổng kết công tác hội và phong trào nông dân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC