Âm hưởng “Cách mạng Tháng Tám” trong những tác phẩm âm nhạc

Âm nhạc 06:10 02/09/2022 Thế Vĩnh
Hằng năm, cứ mỗi lần đến dịp mừng kỷ niệm Ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công và Ngày Quốc khánh thiêng liêng của dân tộc, hầu như ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng đều dễ dàng bắt gặp khí thế cách mạng mê say, cuốn hút lòng người vang lên từ giai điệu đầy chất hào sảng, hùng tráng của những ca khúc bất hủ “đi cùng năm tháng”.

Không chỉ với những người đã từng trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc cách đây gần tám thập kỷ mà ngay cả những người thuộc thế hệ sau, sinh ra khi đất nước đã hòa bình, độc lập nhưng mỗi lần bắt gặp âm hưởng của những ca khúc ấy cũng dường như đều dễ dàng cảm hòa chung một tâm trạng náo nức, hân hoan…

Khí thế của phong trào đấu tranh cách mạng cũng như những khoảnh khắc lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945 đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc nổi tiếng cùng thời. Nhắc đến các sáng tác âm nhạc mang đậm hào khí tinh thần yêu nước và phong trào đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức, tập hợp đoàn kết lực lượng quần chúng cách mạng tiến bước theo cờ Đảng, không thể không nhắc đến ca khúc “Cùng nhau đi Hồng binh” (nhạc sĩ  Đinh Nhu).

Được coi như một trong những sáng tác “khai mở” cho dòng nhạc cách mạng, mang âm hưởng hào hùng của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. “Cùng nhau đi Hồng binh” dường như càng được dịp bùng nổ vào thời điểm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945: “Cùng nhau đi Hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh"; “Nào anh em nghèo đâu/Liều thân cho đời sống/Mong thế giới đại đồng/Tiến lên quân Hồng”. 

Ảnh minh họa

Với ca khúc “Tiến quân ca” (nhạc sĩ Văn Cao), mỗi giai điệu, ca từ dường như là lời kêu gọi, thúc giục, là sự cổ vũ, ngợi ca những đoàn quân cách mạng đang thực hiện sứ mệnh lịch sử - đấu tranh giải phóng dân tộc: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/Đường vinh quang xây xác quân thù/Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/Tiến mau ra sa trường/Tiến lên, cùng tiến lên/Nước non Việt Nam vững bền”. Với âm hưởng hào hùng, đầy khí thế cách mạng ấy, ngay từ khi ra đời “Tiến quân ca” đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975) được chọn làm Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Hòa chung khí thế hừng hực của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới quyết chống lại đế quốc, thực dân, ca khúc “Diệt phát xít” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi) mang đậm tinh thần đoàn kết, kêu gọi mọi tầng lớp lao khổ cùng nhất tề đứng lên chống kẻ thù chung: “Đồng bào tuốt gươm vùng lên/Đã đến ngày trả mối thù chung”; “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa/Giành lại áo cơm, tự do/Dưới ánh cờ đỏ ánh vàng sao mau mau mau vai kề vai/Không phân biệt già trẻ trai hay gái, vác súng lên, ta đi lên, ta tiến lên ta tiêu diệt quân thù/Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam/Ôi đất Việt yêu dấu nghìn năm/Việt Nam, Việt Nam muôn năm” (*) . Một ca khúc cùng thời nổi tiếng nữa cũng luôn được quần chúng cách mạng hát vang trong những Ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đó là ca khúc “Du kích ca” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận): “Anh em trong đoàn quân du kích/Cùng vác súng lên nào/Đi lên/Xung phong/Xuyên qua rừng qua núi/Qua mây mờ đêm tối/Vượt suối băng ngàn…”.

Trong số những ca khúc mang âm hưởng hào hùng của cao trào đấu tranh cách mạng hướng tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền phải kể đến “Lên Đàng” (*) và “Tiếng gọi thanh niên” (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Không chỉ là lời thúc giục sục sôi, đầy nhiệt huyết đối với thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ, mà ngày nay “Lên Đàng”, “Tiếng gọi thanh niên” vẫn luôn là ca khúc bất hủ, thôi thúc tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng xung kích, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp: “Này thanh niên ơi/Tiến lên đến ngày giải phóng/Đồng lòng cùng nhau/Ta đi sá gì thân sống” (Tiếng gọi thanh niên); “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên Đàng/Kiếm nguồn tươi sáng/Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông/Từ nay ra sức anh tài…” (Lên Đàng). 

Bên cạnh đó, ca khúc “Đoàn Vệ quốc quân” (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) cho đến tận hôm nay vẫn vẹn nguyên vẻ thanh tân cùng khí thế hừng hực, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành chính quyền từ tay đế quốc, thực dân: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/Nào có sá chi đâu ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui”;“Cờ bay phấp phới ngời màu Lạc Hồng/Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng/Cùng Vệ quốc quân/Ra đi ra đi theo hồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui”...

Khác với những ca khúc được sáng tác trước thời điểm diễn ra Tổng khởi nghĩa, “Mười chín Tháng Tám” (nhạc sĩ Xuân Oanh) (**) ra đời ngay trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng tại Thủ đô Hà Nội. Nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác bài hát này khi ông đang cùng những đoàn quần chúng cách mạng cuồn cuộn từ mọi ngả hăm hở tiến về Bắc Bộ Phủ (Hà Nội) trong ngày 19/8/1945. Vừa đi, vừa viết lời hát lên vỏ bao thuốc lá, viết được dòng nào, nhạc sĩ hát lên cho mọi người cùng hát theo, đến chiều cùng ngày thì bài hát được hoàn thành, in lại và phổ biến rộng rãi. 

Đến nay, ca khúc “Mười chín Tháng Tám” vẫn được xem là “dấu mốc bằng âm nhạc” về Ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín Tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô: mau diệt tan hết quân thù chung”. Ngay khổ nhạc đầu tiên của ca khúc, nhịp điệu, tiết tấu âm nhạc đã như một hồi kèn hiệu lệnh bất ngờ vang xa vừa dõng dạc, trang nghiêm, vừa rạo rực hào khí cách mạng, thức tỉnh mọi người cùng nhất tề đứng lên: "Mười chín Tháng Tám ánh sao tự do đưa tới/Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/Máu tươi pha hồng tươi trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn"... 

Hòa theo nét nhạc mê say, cuồn cuộn của ca khúc, ta như thấy hiện lên trước mắt những đoàn quân cách mạng trùng trùng, điệp điệp cùng cờ đỏ sao vàng tiến thẳng đến dinh lũy kẻ thù, giành lấy chính quyền, giành lấy độc lập, tự do, cơm áo. Để rồi trong sâu thẳm trái tim mình, ai cũng dường như bừng tỉnh ngộ một niềm tin chân lý, một quyết tâm không thể gì lay chuyển: "Người dân Việt Nam đều thống nhất thét vang lời thề/Mười chín Tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phúc sáng tỏ non sông Việt Nam”. Phải chăng thời khắc thiêng liêng của bước ngoặt lịch sử cách mạng, thời khắc thiêng liêng về cơ hội "ngàn năm có một" quyết định vận mệnh đất nước, dân tộc đã cho nhạc sĩ Xuân Oanh nguồn cảm xúc tuyệt vời cùng những ngẫu hứng thăng hoa thần diệu để viết nên một ca khúc bất hủ, để đời mang tên “Mười chín Tháng Tám”. 

Hòa chung niềm cảm xúc thiêng liêng ấy, “Ba Đình nắng” (nhạc Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch) lại tạo được dấu ấn thành công đặc biệt khi đưa trọn vẹn vào tác phẩm âm nhạc câu nói nổi tiếng, rất hào sảng mà cũng rất đỗi thân thương, gần gũi của Bác Hồ kính yêu trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói ấy được lồng vào giai điệu của ca khúc với 7 nốt nhạc một cách nhuần nhị, tự nhiên mà cũng thật lắng đọng, tình cảm. Đã hơn bảy thập kỷ đi qua, nhưng “Ba Đình nắng” vẫn đem đến cho người nghe những xúc cảm tuyệt vời về Ngày Độc lập: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh…”.

Có thể nói, nét chung nhất về sự thành công của những bản “ký sự bằng âm nhạc” “đi cùng năm tháng” trên đây là nắm bắt trọn vẹn khí thế hừng hực của phong trào đấu tranh cách mạng cũng như thời khắc lịch sử thiêng liêng của sự kiện vĩ đại “Cách mạng Tháng Tám” và Tết Độc lập đầu tiên 2/9/1945. Gần tám thập kỷ đã đi qua, nhưng cứ mỗi lần âm hưởng những bài hát ấy bất chợt vang lên đâu đó cùng với “cờ bay nơi nơi”,  thì dường như trong tâm thức của “Toàn dân Việt Nam” như lại được thêm một lần “đứng đều lên thống nhất thét vang lời thề”, nguyện cùng chung sức giữ gìn thành quả cách mạng, giữ vẹn toàn giang sơn gấm vóc và xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ý nguyện mà Bác Hồ kính yêu vẫn hằng thiết tha mong mỏi. ________________________________             

(*) “Diệt phát xít” - một trong ba ca khúc được đề cử là ca khúc chính thức của Mặt trận Việt Minh tại Đại hội Quốc dân, sau đó trở thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam; “Lên Đàng” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

(**) Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923- 2010) quê Quảng Ninh; tác phẩm tiêu biểu: "Mười chín Tháng Tám", "Hồ Chí Minh - Người là muôn ánh sao", "Mừng chế độ ta tươi đẹp", "Quê hương anh bộ đội", "Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt", “Ngôi sao thế kỷ”, "Trời sẽ lại trong xanh"; được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2009.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng

An ninh  |  20:31 23/12/2024

Ngày 23/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Hội Doanh nhân trẻ Hà Nam khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa

Đoàn - Hội  |  20:04 23/12/2024

Sáng 23/12, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chị Đỗ Thị Diện (tổ dân phố Ngũ Nội, phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên). 

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  18:06 23/12/2024

Chiều 23/12, Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC