Nhận biết và xử trí khi trẻ tăng động giảm chú ý

Tư vấn 05:28 31/08/2022 VNE
Trẻ hiếu động thái quá, hay chạy nhảy, nói nhiều, khó tập trung… là những dấu hiệu tăng động giảm chú ý và cần thăm khám bác sĩ.

Tăng động, giảm chú ý không chỉ ảnh hưởng đến trẻ mà còn gia đình. Chị Hoàng Anh (TP HCM) cho biết, cô giáo thường nhận xét con trai của chị (4 tuổi) hay quậy phá các bạn trong lớp. Bé thường chạy nhảy, leo trèo, la hét khắp phòng, có khi cả trong giờ học. Ở nhà cũng vậy, con liên tục chạy nhảy như không biết mệt mỏi. Khi ba mẹ nói chuyện hay bảo làm gì, bé không đủ kiên nhẫn để lắng nghe hết hay hoàn thành công việc..

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, con trai của chị Hoàng Anh có biểu hiện của chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Đây là một rối loạn phát triển về tâm thần kinh ở trẻ em, đặc trưng bởi sự giảm tập trung chú ý kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3-11 tuổi, bé trai nhiều hơn gái.

Dấu hiệu nhận biết

Để nhận diện trẻ tăng động, giảm chú ý, ba mẹ cần theo dõi những biểu hiện của trẻ dưới đây.

Giảm chú ý: Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không chú ý thầy cô hay cha mẹ hướng dẫn thực hiện công việc hay học tập. Trẻ không thích tham gia trò chơi cần duy trì sự tập trung chú ý, dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, quên đi công việc đang làm. Trẻ cũng có thể làm thất lạc đồ chơi và đồ dùng học tập.

Tính hấp tấp, bốc đồng: Trẻ có các hành động vội vàng có khả năng dẫn đến kết quả tiêu cực. Ví dụ, trẻ có thể đột ngột chạy qua đường mà không quan sát.

Tăng động: Tình trạng này bao gồm các hoạt động vận động quá mức. Trẻ em, nhất là những trẻ bé, có thể gặp khó khăn khi ngồi yên (ví dụ như ở trường học, công viên...). Biểu hiện tăng động của trẻ có thể bao gồm: thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối; bỏ vị trí trong lớp học hoặc ở những nơi khác; chạy hoặc leo trèo quá mức khi hoạt động, kể cả ở những nơi không cho phép. Trẻ còn gặp khó khăn khi phải chơi mà giữ yên lặng; thường xuyên di chuyển, hoạt động; nói nhiều, hay buột miệng trả lời mà không chờ hết câu hỏi; khó khăn khi chờ đến lượt vui chơi hay mua hàng; làm gián đoạn hoặc xen ngang vào người khác.

Trẻ tăng động giảm chú ý thường hiếu động quá mức. Ảnh: Shutterstock

Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài mà không được phát hiện và chữa trị thì có thể gặp biểu hiện rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói ngọng, khả năng hiểu và diễn đạt kém. Trẻ cũng có thể nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, mộng mị, tỉnh giấc giữa đêm. Ba mẹ cũng có thể thấy con thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Trẻ không kém thông minh so với các bạn nhưng gặp khó khăn để lắng nghe nên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của bài tập.

Cách xử trí

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, theo bác sĩ Minh Đức, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm thần kinh. Bác sĩ cần khám về tâm thần kinh, nội khoa, đánh giá triệu chứng theo các tiêu chuẩn chẩn đoán chuyên sâu. Trẻ cũng cần thực hiện một số trắc nghiệm tâm lý nhằm tránh sai lầm trong chẩn đoán.

Tùy theo tình trạng của trẻ, bác sĩ điều trị theo mức độ thay đổi hành vi hoặc kết hợp dùng thuốc. Dùng thuốc giúp trẻ tăng cường và cân bằng mức độ các chất hóa học trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Những loại thuốc này giúp cải thiện triệu chứng, đôi khi có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần hỗ trợ trẻ khắc phục tình trạng này.

Thay đổi hành vi: Phụ huynh có thể phối hợp với giáo viên nhà trường tác động để điều chỉnh hành vi của trẻ theo hướng tích cực hơn. Cha mẹ nên dành những lời khen ngợi, tặng thưởng bằng những món quà nhỏ... khi trẻ làm được việc tốt, giúp con có thêm động lực. Thiết lập thời gian biểu cho từng công việc hàng ngày từ lúc trẻ thức giấc đến lúc đi ngủ và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện. Điều này giúp con cải thiện khả năng tập trung, tổ chức, sắp xếp công việc.

Ba mẹ dành thời gian để trò chuyện và chơi cùng trẻ nhiều hơn nhằm gắn kết tình cảm gia đình. Con nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hay các môn nghệ thuật, thể thao mang tính đồng đội để có cơ hội tiếp xúc nhiều người, cải thiện tính kỷ luật, kiên nhẫn, kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.

Trẻ tăng động giảm chú ý cần được sự quan tâm, phối hợp giữa ba mẹ và thầy cô. Ảnh: Shutterstock

Tâm lý trị liệu: Cách này giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi... Trẻ không nên chơi những trò chơi kích thích như chơi game ngoài tầm kiểm soát. Các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi... không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm.

Chăm sóc của gia đình: Mọi người nên thể hiện tình yêu thương, động viên trẻ khi làm đúng, phân tích việc làm chưa đúng và đưa ra hình phạt ngay khi trẻ mắc lỗi. Các thành viên cần cố gắng giữ một lịch trình đều đặn cho bữa ăn, giấc ngủ trưa và giờ đi ngủ... Trẻ nên sắp xếp và ghi chép các hoạt động và bài tập hàng ngày ở một nơi yên tĩnh.

Bữa ăn của bé cần chọn thực phẩm lành mạnh, tăng cường rau xanh; hạn chế thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, bột ngọt, bánh kẹo, pizza, xúc xích, lạp xưởng, nước ngọt... Cha mẹ có thể bổ sung omega 3 cho con với cá hồi, cá ngừ, cá thu, quả óc chó, hạt điều, dầu ô liu... Trẻ cũng cần bổ sung kẽm, sắt, magie thông qua thịt bò, thịt gà, tôm, cua, các loại hải sản, đậu hà lan, rau chân vịt, quả bơ...

TIN MỚI CẬP NHẬT

Quyết tâm lớn thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Lào theo hướng đột phá, có trọng tâm, trọng điểm

Chính trị  |  13:32 10/01/2025

Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, sáng 10/1, tại Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025

Đoàn - Hội  |  13:09 10/01/2025

Sáng 10/1, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào thi đua năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. 

Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam tổ chức ngày hội ra quân năm 2025

Kinh tế  |  11:56 10/01/2025

Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam vừa tổ chức ngày hội ra quân năm 2025 với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ, vững vàng vị thế’’.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC