Dân ca Bình Lục

Chuyên đề 05:37 29/07/2022 Tam Mai
Nằm trong vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, Bình Lục có kho tàng âm nhạc dân gian phong phú, trong đó đặc biệt là các làn điệu dân ca, từ lâu đời đã sinh sôi phát triển, lan tỏa khắp các làng quê.

Dân ca Bình Lục là sự kết hợp chung, riêng được người dân đồng chiêm hội nhập, giao thoa và tiếp biến. Thời kỳ nở rộ của dân ca là những năm nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Các làn điệu dân ca Bắc Bộ đều hiện diện trên đất Bình Lục đó là hát cò lả, hát chèo, hát chầu văn, hát ngâm, hát ca trù cửa đình, hát ru (bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em), đồng dao của trẻ em gắn với trò chơi… Làn điệu là chung với các địa phương khác, song ca từ lại là sự vận dụng để phù hợp với hoàn cảnh của người Bình Lục. Đây là sự hội nhập, giao thoa song không cứng nhắc máy móc mà tiếp biến sáng tạo. Dưới đây là một số thể loại dân ca độc đáo, đặc sắc của âm nhạc dân gian Bình Lục.

Hát giao duyên Ngô Khê

Xã Ngô Khê cũ nằm phía Bắc huyện Bình Lục. Dòng sông Châu chảy theo hướng Bắc – Nam làm thành ranh giới giữa xã với huyện Lý Nhân, thị xã Duy Tiên. Trước Cách mạng Tháng Tám, xã Ngô Khê thuộc tổng Văn Mỹ, gồm 5 thôn: Ngò (Ngô), Cáng (Cương), Diễm, Đường Bãi, Sanh (Gòi). Đoạn sông Châu chảy qua xã có tên là sông Ngô, đối diện là thôn An Mông, tên nôm là Móng và dân làng này gọi khúc sông Châu chảy qua làng mình là sông Móng. Ngô Khê nằm trên điểm chia nhánh của sông Châu thành 3 ngả, một nhánh chảy từ Bắc xuống, một nhánh chảy về Nam, và một nhánh chảy về Đông. Người dân trong vùng lưu truyền câu ca: Một vùng sông rẽ ngã ba/ Tiếng con gà gáy nghe ba huyện cùng.

Một tiết mục văn nghệ hát về đồng chiêm được trình bày tại Hội thảo “Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - Truyền thống và hiện đại”. Ảnh: Chu Uyên

Xã Ngô Khê về sau được hợp nhất với xã Tiền Đình, Thịnh Kiến, Cát Lại thành xã Bình Nghĩa như hiện nay.

Ngô Khê xưa có bến đò Cánh Diễm, gần chợ Sông (thuộc xã Tràng An nay) là chợ trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Ngô Khê dân có nghề trồng mía, trồng dâu, kéo mật, đánh cá trên sông, có hội đền, hội đình, hội chùa. Nghề sông nước, không gian lễ hội là môi trường thuận lợi để ra đời hát giao duyên mà Ngô Khê là nơi phát xuất rồi lan tỏa trên các xã ở ngã ba sông Ngô, sông móng của Duy Tiên thành dân ca chung.

Hát giao duyên nơi đây thuộc nhóm dân ca sinh hoạt, khác với hát Dậm Quyển Sơn (Kim Bảng), hát Lải lèn (Bắc Lý, Lý Nhân) là dân ca nghi lễ. Làn điệu hát giao duyên khá phong phú: Hát Mụa, hát Mời, hát Ru, hát Giao cầu, hát Đèo, hát Theo, hát Chào, hát Ngược. Có nguồn gốc từ hát đối, nhưng trong hát giao duyên đối đáp là thứ yếu, mục đích đối ý về sau mờ nhạt dần, chất trữ tình trội lên. Hát giao duyên nơi dây thuộc thể hát đối ca một giọng, tức là cả hai bên nam, nữ hát chung một bài hát, có cùng một làn điệu, ví như trong hát Theo:

Nam hát: Cô hai cô ba ơi! Bến sông đất bồi Nữ hát: Bên làng Chanh Nam hát: Bên làng Nhôi ai hát nên đôi Nữ hát: Ai trao câu hát hội Nam hát: Ai trao duyên vui với hội mà ai nên lứa đôi. Tình ta như cây lúa sinh sôi ớ cô hai ơi anh gửi lời ca đi sông thương, ới cô ba ơi anh gửi lời ca đi sông thương.

Về phương diện âm nhạc, hát giao duyên theo khúc thức của âm nhạc ngũ cung với những cung bậc luyến láy mềm dẻo có sự biến đổi ở người hát, khó ký âm chính xác theo luật bình quân. Nếu ở chèo mỗi câu nhạc tiết nhạc đều có phần đệm như xuyên tâm và lưu không 4, 6, 8 hoặc 12. Nhưng nhạc đệm trong hát giao duyên là sự chuyển tiếp như câu nối để kịp thời gian cho bên kia xướng thì bên này họa lại vì hát giao duyên không có múa. Thời gian chuyển tiếp gọi là “lèo”. Thể thơ được sử dụng trong hát giao duyên có thể thơ lục bát 6/8 và cũng có thể thơ tự do, chẳng hạn: Đồng tiền Vạn Lịch/ Anh trích bốn chữ vàng/ Công anh dan díu với nàng đã lâu/ Bây giờ nàng lấy chồng đâu/ Để cho anh phúng trăm cau ngàn vàng (Hát Đèo).

Đất sống, nói khác đi, môi trường bảo lưu của phần lớn các làn điệu dân ca vùng ngã ba sông Ngô, sông Móng là lễ hội. Ăn Tết xong, ra Giêng ngày rộng, tháng dài, công việc nhà nông thư thả thì dân các làng mở hội. Đã mở hội thể nào cũng có hát xướng. Chủ thể các cuộc hát thường là trai thanh gái lịch, có khi diễn ra thâu đêm suốt sáng.

Như có một sự giao ước, chủ hội mở đầu bằng bài hát Mời: Trổ 1: Ba quan một chiếc thuyền nan Có về với hội, với gái ngoan tầm chồng có dậu tình rằng Nữ: Anh cả anh hai đấy ơi Nam: Cô cả cô hai đấy ơi Trổ 2: Ba quan một chiếc thuyền rồng Có về với hội, bõ công đi tìm Nữ: Anh cả, anh hai có biết không Nam: Cô cả, cô hai vẫn còn “không” Trổ 3: Ba quan một chiếc thuyền không Có về với hội, với bến sông đất bồi Nữ: Có dậu tình mời Anh cả, anh hai ở làng Nhôi Nam: Có dậu tình mời Cô cả, cô hai ở làng Chanh Trổ 4: Ba quan một chiếc thuyền mành Có về với hội, để danh với đời Nữ: Có dậu tình mời Anh cả, anh hai ra hát chơi Nam: Cô cả, cô hai ra hát chơi Trổ 5: Ba quan một chiếc thuyền không Có về hát hội, với bến sông con thuyền Nữ: Có dậu tình rằng Anh cả, anh hai nay có duyên Nam: Cô cả, cô hai cũng có duyên

Sau bài hát Mời không khí sôi nổi hẳn lên. Nam nữ các làng đáp lại bằng bài sở trường của mình. Đặc biệt, bài hát Mụa mang chủ đề “Con ngựa bạch” xuất xứ từ một chuyện tình éo le, trắc trở rất phổ biến trong các hội làng vùng này.

Chuyện kể rằng: Vào thời Tiền Lê có một viên tướng trẻ của Lê Hoàn từ căn cứ Động Cõi thường đi về qua bến sông Châu thuộc đất xã Đinh Xá (Bình Lục). Người chở đò là một cô gái đẹp người đẹp nết. Đò chở cả người và con ngựa bạch quý. Chẳng may một lần nước lũ kéo về, con đò bị đắm, chỉ cứu được vị tướng, còn con ngựa bị chết đuối. Con ngựa thiêng lắm, sau khi chết thường hiển linh. Dân làng bèn đặt tên bến đò là bến Câu (ngựa chết). Viên tướng sau này càng nặng lòng yêu thương cô lái đò, nhưng vị trí xã hội của họ cách biệt nhau nên đành lỡ dở. Cảm thương mối tình của đôi trai tài gái sắc, nghệ nhân xưa đã sáng tác nên làn điệu Mụa, mà trai gái các làng vùng ngã ba sông Châu rất thích hát đối đáp trong các hội làng. Mở đầu nữ hát: Trên trời (có mấy dậu tình rằng) Có đám mây xanh (có mấy dậu tình ơi) Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời (Có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi) Nam nữ cùng hát: Đôi ta muốn lấy nhau chơi (có mấy dậu tình ơi) Nhưng cái duyên không định thì trời không xe (có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi) Nữ hát: Những nơi chết rấp bờ tre Nhưng cái duyên cứ định trời xe em vào (có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi) Nam hát: Ba đồng một sợi chỉ đào Áo vóc không vá vá vào áo tơi (có mấy dậu tình ơi) Nữ hát: Cực lòng thiếp lắm chàng ơi Biết rằng lên ngược, xuống xuôi lỡ làng (có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi) Nam hát: Cực lòng ta lắm nàng ơi Biết rằng lên ngược xuống xuôi lỡ làng (có mấy dậu tình rằng, có mấy dậu tình ơi)

Hát giao duyên Ngô Khê như trên đã nêu bao gồm nhiều làn điệu rất cần một công trình nghiên cứu chuyên sâu về nhiều mặt như ca từ, nội dung, khúc thức, giai điệu, tiết tấu…

Hát trống quân Thanh Nghĩa

Loại dân ca này tục truyền có từ thời Trần, trước đây khá phổ biến ở huyện Bình Lục nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Những câu hát Trống quân đều là những câu lục bát, cứ sau tiếng thứ hai ở mỗi câu, người hát thường đệm chữ “thời” vào và sau tiếng thứ tư ở câu sáu chữ, người hát lại thêm vào những tiếng đưa hơi “í a”. Về nội dung, những câu hát Trống quân là những câu tình tứ, những câu ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên, ca tụng giang sơn đất nước, cảnh làm ăn của nhà nông… Có hai hình thức: hát trên cạn và hát dưới thuyền, cả hai hình thức này xưa kia ở Bình Lục đều có. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hát Trống quân trên địa bàn đã dần dần mai một. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu hát Trống quân ở làng Thanh Nghĩa (xã Đồn Xá) còn lưu lại trong trí nhớ của nhiều người cao tuổi trong làng.

Theo các cụ cao niên, tục hát Trống quân làng Thanh Nghĩa có từ lâu đời và trở thành sinh hoạt văn hóa, văn nghệ không thể thiếu trong các ngày hội làng. Hát Trống quân thường được tổ chức vào độ “xuân, thu nhị kỳ”, nở rộ trong những ngày lễ hội làng và dịp con nước tháng tám. Dân làng chỉ quen hát Trống quân trên cạn. Địa điểm thường được tổ chức ở sân đình. Ở đó làng cho đào một cái hố hàm ếch, miệng hố đậy một tấm ván gỗ. Chính giữa tấm ván có néo một thanh tre vào một sợi dây đã buộc căng ở hai đầu vào hai cái cọc, gọi là dây trống. Dây trống thường được bện bằng da trâu hoặc bằng tre. Khi gõ dùi trống vào, độ dài ngắn tùy theo trên sợi dây thì sẽ phát ra âm thanh với trường độ khác nhau.

Làng Thanh Nghĩa có 8 giáp, mỗi giáp cử ra một đội tham gia. Khi vào hát, các đội chia làm hai bên đối mặt nhau: Một nam – một nữ, bên nam – bên nữ, hoặc có khi mỗi bên có cả nam nữ. Khi người hát ở bên này gõ nhịp thì người bên kia lắng nghe rồi tìm câu hát đối lại.

Bà Đỗ Thị Ngôn đã cung cấp cho chúng tôi một số bài hát Trống quân của làng Thanh Nghĩa còn lưu truyền đến ngày nay, trong đó có bài hát đối đáp, hình thức đố dưới đây:

Nam: Cái gì anh rải em ngồi Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào Cái gì mà sắc hơn dao Cái gì phân phất lòng đào như son Cái gì trong trắng ngoài xanh Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng Cái gì xanh đỏ trắng vàng Cái gì ăn phải dạ càng tương tư Cái gì năm đợi tháng chờ Cái gì em đội phất phơ trên đầu Cái gì em hãy còn màu Cái gì trên đầu em hãy còn xanh Cái gì trên cành tươi tốt ngổn ngang Cái gì mà mọc đằng đông Cái gì sáng tỏ ở trong nhà thờ.

Nữ: Cái chiếu em rải anh ngồi Con người tha thẩn ra chơi vườn đào Cái mắt mà sắc như dao Trứng gà phân phất lòng đào Tre non trong trắng ngoài xanh Gương tàu soi tỏ mặt anh mặt nàng Chỉ ngũ sắc xanh đỏ tím vàng Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư Tương tư năm đợi tháng chờ Cái khăn em đội phất phơ trên đầu Răng đen em hãy còn màu Búi tóc trên đầu em hãy còn xanh Cái hoa trên đầu tươi tốt ngổn ngang Mặt trời thời mọc đằng đông Ngọn đèn sáng tỏ ở trong nhà thờ.

Dân ca Bình Lục, dân ca đồng chiêm, đôi nét phác họa, đã góp phần ánh xạ văn hóa của vùng đất này rất cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

hat giao duyen dan ca binh luc hat trong quan

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL

Quốc tế  |  10:29 22/11/2024

Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana

Kinh tế  |  06:20 22/11/2024

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Y tế  |  05:33 22/11/2024

Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC