Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở

Đời sống 05:11 03/07/2022 Thanh Vân
Hiện nay, ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có tổ hòa giải, góp phần giảm thiểu tranh chấp, mâu thuẫn, hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

Toàn tỉnh hiện có 683 tổ hòa giải với 4.850 hòa giải viên. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình hay, tiêu biểu trong công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể như: mô hình “tổ hòa giải điểm”, “nhóm nòng cốt” trong tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý… 

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Lục cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 34 vụ việc, trong đó 24 vụ việc đã hòa giải thành, còn 7 việc hòa giải không thành công chủ yếu từ những vụ tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, 3 việc chưa giải quyết xong.

Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ hằng năm rà soát, kiện toàn và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Qua rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên, từ đó chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để củng cố, kiện toàn, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Cán bộ Công an Phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) tuyên truyền pháp luật cho người dân sống tại khu trọ trên địa bàn phường.

Có hơn 5 năm tham gia công tác hòa giải, chị Đào Thị Hà, thành viên tổ hòa giải ở cơ sở phường Tiên Nội (Duy Tiên) chia sẻ: Do số lượng thành viên trong tổ hòa giải có hạn, các thành viên đã tích cực kết hợp với các hội đoàn thể khác như hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội nông dân, một số đảng viên có uy tín tại địa phương, tạo thành mạng lưới thông tin phủ kín cụm dân cư nhằm kịp thời phát hiện, hòa giải những mâu thuẫn mới phát sinh mà không cần phải đợi có đơn yêu cầu. Bản thân chị dù bận rộn do phải kiêm nhiều vị trí công tác nhưng khi có vụ việc phát sinh chị luôn dành thời gian tới từng nhà động viên, chia sẻ, giúp người dân hiểu và chấp hành pháp luật, chủ động bỏ qua mâu thuẫn hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Thực tế ở cơ sở không thiếu những hòa giải viên nhiệt tình, sẵn lòng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Tuy vậy, từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hòa giải thành của tỉnh vẫn giảm dần theo từng năm, năm 2018 đạt 86% đến thời điểm hiện tại giảm còn 67,9%. Kết quả này cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, nhất là một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; chưa quan tâm chỉ đạo, có giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn. Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác hòa giải ở cơ sở đôi lúc chưa chặt chẽ.

Theo ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp), công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa được UBND cấp huyện quan tâm tổ chức thực hiện mà chủ yếu trông chờ vào Sở Tư pháp. Trong khi theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đây là nhiệm vụ của UBND cấp huyện. Chưa kể, công tác sơ kết, tổng kết, xét khen thưởng hằng năm của UBND cấp huyện, cấp xã, ngành tư pháp đối với các tổ hòa giải và hòa giải viên chưa được quan tâm thực hiện nên chưa khuyến khích, động viên các hòa giải viên. Việc quản lý, sử dụng, ghi chép sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở của các tổ hòa giải còn sơ sài, chưa thể hiện nội dung của vụ việc hòa giải. Đội ngũ hòa giải viên chủ yếu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, năng lực không đồng đều và thường xuyên biến động nên ảnh hưởng đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Còn theo đánh giá của Thượng úy Nguyễn Văn Giáp, Trưởng Công an xã Hoàng Tây (Kim Bảng), trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn dân cư. Hoạt động của tổ hòa giải ở một số cơ sở không hiệu quả dẫn đến việc người dân khi xảy ra tranh chấp đều muốn trực tiếp gặp cán bộ công an cấp xã để giải quyết mà không qua hòa giải. Việc hòa giải ở cơ sở chỉ được thực hiện theo yêu cầu của các bên, nếu các bên không đồng ý, hòa giải viên không thể thực hiện hòa giải.

Để có giải pháp khắc phục, ngành tư pháp tỉnh đã đề ra phương hướng kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác này, nhất là trong thực tiễn, để từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, nhất là sự quan tâm của chính quyền cấp huyện.

Ngoài ra, có các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa bàn, nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số mô hình hay và cách làm có hiệu quả; khuyến khích các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các xã, phường, thị trấn để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên hằng năm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. 

Với các giải pháp cụ thể, hy vọng thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở từng bước đi vào chiều sâu, góp phần tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC