Câu hỏi: Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, khi nào người dân cần khám, chữa bệnh hậu Covid-19?
Trả lời:
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành về việc khám, chữa bệnh hậu Covid-19.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, số lượng người mắc Covid-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.
Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19 (hậu Covid-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (Covid-19)...
Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu Covid-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Một số nội dung chính cần truyền thông gồm:
- Sau mắc Covid-19 một số người chậm hồi phục sức khỏe cần được theo dõi sức khỏe.
- Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác (theo Tổ chức Y tế thế giới và Viện NICE - Vương Quốc Anh).
- Các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng: có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi Covid-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…
- Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.
- Người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
Một số nội dung truyền thông khác phải dựa trên các khuyến cáo, hướng dẫn, bằng chứng khoa học tin cậy trong nước và quốc tế.
Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.
Đồng thời Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các vụ, cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.
Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.
Chiều 27/11, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (TECHFEST Việt Nam 2024), với tinh thần “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Các biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến đường của tỉnh nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho việc quan sát của người tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.