Phòng chống, ngăn chặn “bệnh trở cờ”

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 05:38 15/04/2022 Thiên Phương
Đã có hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một số cán bộ, đảng viên rồi đến mức quay sang phủ định lý tưởng phấn đấu mà mình đã theo đuổi, phủ nhận sạch trơn toàn bộ sự nghiệp, thành quả cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ họa với những thế lực phản động và có hành vi gây hại cho đất nước. Hiện tượng đó gây nhiều tác hại. Dân gian hiện đại vẫn nôm na gọi hiện tượng này là “trở cờ”. Nhận diện, cảnh báo và đấu tranh với hiện tượng đó là điều cần thiết.

Hiện tượng không thể coi thường

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, chống phá luôn thực hiện ý đồ làm lung lay tiến tới tạo ra sự sụp đổ từ bên trong đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đó là nguyên nhân tác động từ bên ngoài hình thành nguy cơ đối với Đảng, với chế độ. Nguyên nhân bên trong nguy hiểm và khó chống hơn là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ trong nội bộ. Đây là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Hiện tượng rõ nhất, phổ biến nhất hiện nay là cố tình nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói không đi đôi với làm, nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu… Không ít người đã từng có uy tín trong xã hội trở thành những phần tử chống đối, tiêu cực. Tận dụng sự quan tâm của dư luận, những người này  sử dụng mạng xã hội để viết, đăng tải những thông tin lệch lạc, xuyên tạc về tình hình tại Việt Nam, cung cấp các thông tin tiêu cực, sai sự thật để chống phá. Những đối tượng “tự chuyển hóa” đã lợi dụng quyền tự do, dân chủ đưa những bài viết lên mạng xã hội, trả lời đài báo nước ngoài… với nội dung phủ nhận vị trí lãnh đạo của Đảng với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, phê phán, suy diễn, nhìn nhận sai lệch về tình hình đất nước. Nhiều kẻ quá khích còn công khai công kích, chống phá Đảng, Nhà nước. Điều nguy hại là trong số họ có cả những người từng là cán bộ cấp cao, là trí thức có tên tuổi... Họ có ảnh hưởng trong xã hội nên những nhận thức và hành động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của họ dễ lây lan, phát tán. 

Mặc dù các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá ngày càng ráo riết, nhưng lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của chúng ta vẫn phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Ảnh: tuyengiao.vn

Nhìn nhận những nguyên nhân và tác hại 

“Tự diễn biến” là quá trình yếu tố tiêu cực, sai lầm tăng dần; yếu tố tích cực, cách mạng phai nhạt dần. “Tự chuyển hoá” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”. Đây là quá trình biến đổi suy nghĩ từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ thể hiện ra thành hành động của chủ thể. 

Nguy cơ trước hết và nguy hiểm nhất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trong lĩnh vực tư tưởng chính trị. Khi tư tưởng chính trị bị chệch hướng, bộ máy Đảng và Nhà nước bị chia rẽ thì nguy cơ đe dọa thể chế chính trị đã hiện hữu ở gần. Từ sự bất ổn trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... sẽ không ổn định phát triển lành mạnh.

Khi sự biến đổi về suy nghĩ làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ dễ dẫn đến hành vi chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt dần dần trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá làm chệch hướng con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Theo quy luật phát triển tâm lý và hành vi, con đường “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" thường diễn ra qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Giai đoạn tiếp theo, đối tượng chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, những lý luận phản động, thích nghe, thích kể, thích mọi người nói về tiêu cực. Về hành động, đối tượng có thể có các hoạt động liên kết với các “người đồng quan điểm” ở bên ngoài. Giai đoạn cuối cùng ở mức độ cao của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đối tượng đã hoàn toàn bộc lộ tư tưởng chống đối, thể hiện rõ tư tưởng chính trị trái chiều. Thậm chí, họ sẵn sàng hành động để làm thay đổi hệ thống chính trị. 

Thực tiễn xã hội thời gian qua đã có một số người có diễn tiến tâm lý và hành vi như vậy. Ban đầu, họ là những cán bộ, đảng viên “cấp tiến”, dám nghi ngờ, dám chỉ ra những điều chưa hợp lý trong nền tảng tư tưởng, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước và dám phản biện. Khi cảm thấy chưa được giải đáp thỏa đáng, họ viết “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”… phát tán ra cộng đồng… Những người “tự chuyển hóa” luôn thường tự cho mình là người có đạo đức và luôn thể hiện sự cuồng tín về mục tiêu khi đấu tranh phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ đưa ra luận điểm mặc định rằng nếu không thay đổi chế độ thì đất nước sẽ không phát triển được, thậm chí loạn lạc, bị diệt vong. Họ ngộ nhận là đang chiến đấu vì dân, vì nước, tìm đường đi mới đúng đắn hơn cho dân tộc (!), thậm chí, ở mức cao hơn, sẵn sàng thực hiện các hành động cực đoan.

Tuy ngụy trang bằng những ngôn từ hiện đại, nhưng những nội dung các quan điểm của họ vẫn là những luận điệu phủ nhận thành tựu của cách mạng, thổi phồng khuyết điểm, bất cập, "bôi đen" hiện thực, gieo rắc hoài nghi vào đường lối, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán, đổ lỗi cho Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng, kích động chia rẽ nội bộ, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, tìm mọi cách "hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh"... Điều nguy hại là nhiều người dùng ảnh hưởng về tên tuổi của mình để lồng vào những quan điểm, bài viết dễ gây nguy hại. Một trong những cách dễ thấy theo xu hướng này chính là “viết lại lịch sử” bằng cách “nói lại”, “sự thật”, “tiết lộ”… đánh vào tâm lý ưa tò mò của công chúng. Mạng xã hội với “tâm lý đám đông” khá phổ biến hiện nay trở thành phương tiện tốt và là nơi phát tán lôi kéo, lây lan những quan điểm xấu.

Một số điều cần kiên quyết

Trong Quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng, không thực hiện trách nhiệm nêu gương và sa vào chủ nghĩa cá nhân đang xuất hiện và lây lan ở một số cán bộ, đảng viên.

Để nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện, đối tượng “trở cờ” phải kiên trì và tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của công tác tư tưởng chính trị hiện nay. Trước hết, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tìm hiểu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc phát sinh ngay từ khi mới manh nha. Cùng với vạch trần, tẩy chay các loại chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, xét lại và những biểu hiện mơ hồ, dao động về tư tưởng chính trị, cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục, nâng cao niềm tin cho / của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vào những giá trị tốt đẹp của Đảng và chế độ mà chúng ta đang xây dựng. Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo và chính quyền cần xử lý đúng đắn những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình và các “điểm nóng” về an ninh trật tự trong xã hội để các thế lực chống phá có điều kiện xuyên tạc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại...” (1). Theo Người: "Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân... Dân chủ và chuyên chính là quan hệ mật thiết với nhau” (2). Thực hiện những quan điểm đó của Người, tổ chức Đảng các cấp, các cơ quan, đơn vị phải chú trọng công tác quản lý nội bộ, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được tự ý phát ngôn, bày tỏ ý kiến hay phát tán các tài liệu trên mạng xã hội có nội dung trái quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Yêu cầu đặt ra là tích cực hơn nữa trong phòng và chống bệnh “trở cờ”. Trong cuộc đấu tranh này, cần bắt đầu từ sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi đảng viên, nhất là từ những người đứng đầu. Sự tự giác, tu dưỡng, rèn luyện này sẽ là nền tảng vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “trở cờ”.  ________________________ 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr. 457 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11 tr. 247.

TIN MỚI CẬP NHẬT

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Quốc tế  |  06:11 23/11/2024

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.

Ghi nhận ở HTXDVNN Đồn Xá

Nông nghiệp  |  05:30 23/11/2024

Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam xây dựng trường học không khói thuốc

Xã hội  |  05:28 23/11/2024

Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC