Chuẩn bị gì khi con 5-11 tuổi tiêm vaccine Covid?

Hỏi đáp về dịch Covid-19 03:58 08/04/2022 VNE
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, khuyên cha mẹ cần tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi tiêm và theo dõi thật sát sau tiêm chủng.

Bác sĩ Thái cho biết trẻ 5-11 tuổi không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiêm chủng. Cha mẹ nên kể chuyện về vaccine cho trẻ, nói rõ về lợi ích của việc tiêm vaccine, giữ cho trẻ có tâm lý thoải mái, tự nguyện tiêm và sinh hoạt như bình thường. Vào buổi tiêm chủng, trẻ nên ăn nhẹ trước khi đi tiêm, uống đủ nước, mặc quần áo thoải mái để tiêm chủng thuận lợi.

Theo bác sĩ Thái, thời gian qua, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng ghi nhận nhiều học sinh bị phản ứng sau khi tiêm phải nhập viện. Nguyên nhân phần nhiều đến từ vấn đề tâm lý của trẻ và phản ứng lo lắng dây chuyền. Vì vậy, tâm lý thoải mái của cha mẹ đối với tiêm chủng cũng rất quan trọng vì tâm lý lo sợ có thể lan truyền đến trẻ.

"Tốt nhất, cha mẹ nên trao đổi với trẻ về quá trình tiêm, các phản ứng phụ có thể gặp, thời gian theo dõi... Tại điểm tiêm, nếu được ở cạnh các cháu, cha mẹ nên trấn an để trẻ không có phản ứng lo lắng quá mức khi tiêm", bác sĩ Thái nói.

Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng khi theo dõi trẻ tại nhà sau tiêm, theo bác sĩ Thái. Trẻ 5-11 tuổi đa phần hiếu động, chưa biết bày tỏ sự khó chịu hay các bất thường của cơ thể. Trong khi đó, các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi cả nhà đã đi ngủ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, để ý, động viên trẻ sau tiêm.

Các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Phản ứng đa dạng và có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Do đó, khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.

Ảnh minh họa

Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ...) nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh. Trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng vẫn cần thiết tiêm chủng để được bảo vệ tốt hơn, tuy nhiên thời điểm tiêm cách thời gian mắc khoảng 3 tháng. Trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng thì không cần chờ đợi, có thể tiêm chủng ngay khi âm tính.

Bác sĩ Thái khuyến cáo trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, mắc hội chứng tăng động giảm chú ý... cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để tiêm chủng.

Bộ Y tế hôm 31/3 đồng ý tiêm vaccine Moderna cho trẻ 6-11 tuổi. Đầu tháng Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi. Các động thái này nhằm phục vụ kế hoạch tiêm cho trẻ em dự kiến triển khai vào đầu tháng 4. Trẻ em ở nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi (tức học lớp 6) sẽ tiêm trước, sau đó hạ thấp dần.

Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Trẻ được tiêm miễn phí, theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Cha mẹ, người giám hộ sẽ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.

Theo thống kê từ Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đợt này. Bộ Y tế dự kiến sử dụng khoảng 4,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna để tiêm chủng. Số vaccine này do chính phủ Australia tài trợ, Bộ Y tế sẽ mua thêm vaccine nếu thiếu.

Trước đó, Viện Dư luận xã hội (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) khảo sát ý kiến người dân về tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em, sau đó lấy mẫu ngẫu nhiên hơn 18.000 người. Kết quả, 76% phụ huynh có con 5-11 tuổi thấy "rất cần thiết" tiêm cho trẻ; 80% cho biết "sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine"; 13% do dự hoặc chưa muốn tiêm cho con, 4% không sẵn sàng và 4% khác khó trả lời.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chưa sáp nhập tỉnh, thành phố ngay

Chính trị  |  21:00 27/11/2024

Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.

Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Khoa học - Công nghệ  |  18:16 27/11/2024

Chiều 27/11, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (TECHFEST Việt Nam 2024), với tinh thần “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho người tham gia giao thông

Thư viện ảnh  |  14:36 27/11/2024

Các biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến đường của tỉnh nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho việc quan sát của người tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC