Phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm cân đối năng lượng điện

Công nghiệp 18:09 03/04/2022 Thanh Giang
Sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh Trần Hải

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I, EVN đã bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch, trong đó: tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống quý I/2022 đạt 62,85 tỷ kW giờ, tăng 7,5% so cùng kỳ 2021 và cao hơn 1,8 tỷ kW giờ so kế hoạch. Nhu cầu công suất phụ tải cực đại toàn quốc (Pmax) đạt 40.144MW, tăng 5,94% so cùng kỳ năm 2021.

Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện: do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kW giờ, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17/1,01 tỷ kW giờ. Đối với các nguồn điện còn lại được huy động căn cứ theo kế hoạch năm đã được phê duyệt.

EVN tính toán cân đối cung cầu điện năm 2022 theo 2 phương án phụ tải, theo đó, phương án phụ tải cơ sở: căn cứ thực tế nhu cầu điện quý I, EVN dự báo nhu cầu phụ tải các tháng còn lại và cả năm 2022. Theo đó sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 dự kiến là 277,29 tỷ kW giờ, tăng trưởng 8,73% so năm 2021 (kế hoạch là 275,5 tỷ kW giờ, tăng trưởng 7,3%). Phương án phụ tải cao: để dự phòng cho kịch bản nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, EVN cũng tính toán kiểm tra với phương án nhu cầu phụ tải các tháng cuối năm tăng trưởng ở mức cao (tăng trưởng xấp xỉ 12%).

Qua tính toán cân đối cho thấy, trong trường hợp bảo đảm cung cấp đủ than cho phát điện, cơ bản bảo đảm cung ứng điện toàn quốc, kể cả trường hợp nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao. Với trường hợp không cấp đủ than cho sản xuất điện, để đáp ứng nhu cầu điện sẽ phải huy động các nguồn điện chạy dầu tương ứng khoảng 535 triệu kW giờ đối với phương án phụ tải cơ sở và khoảng 2,5 tỷ kW giờ đối với phương án phụ tải cao.

Tuy nhiên, đối với khu vực miền bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng tại miền bắc với công suất thiếu hụt khoảng 1.300 MW đối với phương án cơ sở và có thể lên đến 2.500 MW đối với phương án phụ tải cao.

Về khả năng cung ứng điện giai đoạn đến năm 2025, EVN đã tính toán cung cầu điện đến năm 2025 và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tại văn bản 1479/BC-EVN ngày 27/3/2022. Theo đó, khu vực miền nam và miền trung cơ bản bảo đảm cung ứng điện.

Đối với miền bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng, đồng thời do là cuối mùa khô nên công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền trung, miền nam ra miền bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc-Trung.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc bảo đảm điện năng năm 2021 và quý I/2022 đã được thực hiện tốt. Chúng ta khẳng định không thiếu điện trên bình diện tổng thể nhưng có thể thiếu điện cục bộ. Nếu khắc phục được hạn chế bất cập, cùng với tổ chức thực hiện hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan cung ứng điện tốt hơn thì chúng ta sẽ không thiếu điện cục bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Trần Hải

Thủ tướng chỉ đạo cần có các biện pháp bảo đảm trước mắt và lâu dài, bền vững. Việc này sẽ góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tiềm lực, điều kiện, nền tảng bảo đảm cân đối lớn năng lượng điện là chúng ta bảo đảm được. Vấn đề là điều hành, phối hợp thế nào, điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả như thế nào, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, sự phối hợp, điều hành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc điều hành, phối hợp các chủ thể liên quan, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc dự báo tình hình, xây dựng tiến độ, sản lượng, nhu cầu chưa thực sự sát tình hình; chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi, nhất là về sản lượng, giá than, khí, điện.

Các doanh nghiệp lớn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ, vẫn còn tình trạng cục bộ. Các doanh nghiệp phối hợp với nhau chưa tốt, chưa nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung; vấn đề mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào với giá điện đầu ra còn có vấn đề cơ chế, chính sách, vướng mắc mà chưa kịp thời điều chỉnh đúng với quy luật thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi đó, tình hình đất nước đòi hỏi phải phục hồi nhanh, phát triển bền vững, do đó bảo đảm cân đối lớn về năng lượng hết sức quan trọng, tác động đến tăng trưởng, ổn định chính trị, sản xuất, tiêu dùng.

Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm bám sát tình hình, dự báo tốt tình hình, đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp. Phải phối hợp tốt, nâng cao tính chủ động, khắc phục những tồn tại hạn chế với mục tiêu phải bảo đảm cân đối lớn về điện cho sản xuất, tiêu dùng, kiểm soát giá thành, không tác động chỉ số lạm phát, xuất nhập khẩu. Phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường của ngành điện, giảm phụ thuộc; vừa phải có giải pháp tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài, có tính căn cơ.

Về ngắn hạn, tập trung khai thác hết hiệu suất mà có khả năng sản xuất như dầu, khí, than. Tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp tình hình, điều kiện, chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh tiết kiệm điện nhiều hơn nữa. Khuyến khích sản xuất trong nước, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra, thực hiện nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; nghiên cứu tác động của việc tăng giá; bám sát thị trường để điều tiết giá cả, không để lạm phát, tác động xấu nền kinh tế.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện hợp đồng cung ứng than cho sản xuất điện đã ký. Phải có kế hoạch dài hạn, ổn định trong việc cung ứng than cho sản xuất điện. Chính sách phải ổn định, kế hoạch phải lâu dài, sát thực tiễn, hạn chế tối đa việc điều chỉnh ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lớn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước không được thả nổi việc này; nếu thấy vấn đề chưa được, vướng mắc, tác động xấu thì phải can thiệp ngay; phải lành mạnh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phải phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan sản xuất điện, than, khí, nguồn năng lượng tái tạo...

Thủ tướng yêu cầu tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch; khai thác tối đa nguồn điện hiện có trên tinh thần phát huy chủ động, trách nhiệm vì đất nước, vì công việc chung; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các ngành sản xuất than, điện, dầu khí; chống cơ chế xin-cho, ban hành các “giấy phép con”; tất cả phải vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển đất nước, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng điện, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Triển khai nhiệm vụ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2025

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:26 16/01/2025

Sáng 16/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh; lãnh đạo Cục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Bộ Công an); lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thị xã Kim Bảng gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân mới

Xã hội  |  08:52 16/01/2025

Chiều 15/1, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Kim Bảng tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp Xuân mới Ất Tỵ 2025.

Đào, quất, bưởi ngập tràn đường phố, giá tăng không đáng kể

Đời sống  |  08:50 16/01/2025

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, không khí xuân tràn ngập khắp các con phố với sự rực rỡ sắc vàng, đỏ của đào, quất, bưởi cảnh và đa dạng các loại hoa.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC