Khi nào nên kiểm tra phổi hậu Covid-19?

Hỏi đáp về dịch Covid-19 06:12 23/03/2022 VNE
Người bệnh nên thăm khám sớm nếu cảm thấy khó thở, hụt hơi, suy giảm chức năng phổi..., theo Ths.Bs Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103.

Bác sĩ Tuấn, cho biết sau khi mắc Covid-19, hầu hết mọi người trở về bình thường trong vòng vài tuần từ khi nhiễm bệnh. Nhưng một số trường hợp gặp tình trạng hậu Covid-19 (xảy ra ở F0 đã khỏi bệnh từ 4 đến 12 tuần và có triệu chứng bệnh kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế), tthường là các vấn đề liên quan tới hệ hô hấp, đặc biệt là phổi.

Tuy nhiên, không giống như một số bệnh khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, những triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai mắc Covid-19, ngay cả khi nhiễm bệnh nhẹ, hoặc không có triệu chứng ban đầu. Do đó, nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hụt hơi, ho kéo dài, đau tức ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực sau khi âm tính, với mức độ từ nhẹ đến nặng, không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ quan hô hấp, đặc biệt là phổi đang bị tổn thương.

Một số hình ảnh tổn thương phổi hậu Covid-19. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Tuấn khuyên dù triệu chứng nhẹ, trong 4-12 tuần đầu khỏi bệnh, người nhiễm nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại. Việc thăm khám sớm giai đoạn hậu Covid-19 sẽ giúp phát hiện và xử lý kịp thời những di chứng ở phổi; điều trị sớm các di chứng khiến người bệnh trở nặng. Đối với các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền (ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) và các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng (phải thở oxy, thở máy), sau khi khỏi bệnh, nếu có các triệu chứng ho nhiều, tức ngực, khó thở thì cần thăm khám sớm nhất để đánh giá mức độ và có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp tránh bệnh diễn biến nặng hơn, thậm chí tử vong.

Các bước kiểm tra để phát hiện chính xác tổn thương phổi và điều trị kịp thời gồm: X-quang số hóa phổi thẳng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực nhằm đánh giá bất thường lồng ngực và tổn thương thường gặp ở phổi như: hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng...; đo chức năng hô hấp, trao đổi khí ra vào phổi, phát hiện sớm các nguy cơ rối loạn không khí (tắc nghẽn, hạn chế).

Các bệnh nhân xơ phổi do hậu Covid-19 mức độ nặng cần nhập viện để điều trị. Các biện pháp điều trị hiện tại bao gồm: tập thở, thở oxy, glucocorticosteroid, thuốc kháng xơ phổi (Nintedanib, Pirfenidone), truyền tế bào gốc và ghép phổi. Tùy mức độ tổn thương phổi, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân các biện pháp điều trị phù hợp nhất.

"Theo nghiên cứu theo dõi người bệnh sau nhiễm Covid-19, khoảng 33-76% người bệnh gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh; 20% người phải tái nhập viện, 80% người bệnh cần theo dõi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng từ khi xuất viện", bác sĩ Tuấn nói.

Để khắc phục biến chứng hậu Covid-19 mức độ nhẹ như: mệt mỏi, hơi khó thở, người bệnh nên tập thở, đi bộ nhẹ nhàng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Theo đó, những bài tập thở giúp phục hồi chức năng phổi. Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn các bài tập thở đơn giản hoặc với dụng cụ như: bóng cao su, bình nước hoặc phế dung kế. Sau khi khỏi bệnh, mọi người nên đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian đi bộ, ngoài ra, có thể tập thêm những bài thể dục khác tăng độ phục hồi cho phổi như: yoga, bơi lội... Ngoài ra, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể phục hồi là một cách đơn giản giúp chữa lành hội chứng hậu Covid-19. Người bệnh cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như: cá, thịt nạc, trái cây tươi, các rau có màu xanh đậm, trứng, sữa...

Để ngăn ngừa di chứng hậu Covid-19, tốt nhất là phòng tránh mắc bệnh bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, nên tăng cường vệ sinh, khẩu trang, sát khuẩn: virus corona gây bệnh Covid-19 qua tiếp xúc giọt bắn, vì thế, mọi người cần tuân thủ vệ sinh, đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách nhằm hạn chế lây bệnh. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng, tiêm vaccine Covid-19 ngay khi có thể. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh Covid-19 và cũng có thể giúp những người xung quanh giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc Covid-19, mọi người cần báo cơ sở y tế địa phương hoặc các bác sĩ để được hướng dẫn xét nghiệm, theo dõi và điều trị đúng nhất với mức độ bệnh. Điều này sẽ giảm đáng kể các di chứng hậu Covid-19.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Chưa sáp nhập tỉnh, thành phố ngay

Chính trị  |  21:00 27/11/2024

Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.

Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Khoa học - Công nghệ  |  18:16 27/11/2024

Chiều 27/11, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (TECHFEST Việt Nam 2024), với tinh thần “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho người tham gia giao thông

Thư viện ảnh  |  14:36 27/11/2024

Các biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến đường của tỉnh nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho việc quan sát của người tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC