Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em hậu Covid-19

Tư vấn 06:06 16/03/2022 VNE
2-6 tuần sau khi mắc Covid-19, trẻ sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban... có thể là dấu hiệu hội chứng viêm đa hệ thống - di chứng gặp ở khoảng 0,03% trẻ nhiễm nCoV.

Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em liên quan Covid-19 là gì?

Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em liên quan Covid-19, viết tắt là MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Bệnh gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tiến triển nặng nhanh, cần nhập viện.

Biểu hiện MIS-C khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong thấp.

Bệnh có thường gặp?

Tỷ lệ mắc khá thấp. Ở Mỹ, khoảng 3.000-4.000 trẻ nhiễm nCoV thì có một trẻ bị MIS-C. Tại Việt Nam cũng như nước các nước châu Á, hiện chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống. Ghi nhận ban đầu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, đến nay khoảng hơn 90 trẻ được ghi nhận mắc hội chứng này, một số trường hợp rất nặng.

Bộ Y tế vào tháng 2 đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị hậu Covid, do tính chất nguy hiểm của nó với trẻ em.

Người nào dễ mắc MIS-C?

Hội chứng này được ghi nhận xảy ra chủ yếu với trẻ em, một số trẻ sơ sinh (MIS-N) và ở người trưởng thành (MIS-A). Tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8-9, hơn 50% các em ở lứa tuổi trên 5.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine Covid-19 thì nguy cơ MIS-C sẽ cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine.

MIS-C nguy hiểm không?

Điều này tùy mức độ bệnh. MIS-C có nhiều mức độ; nhẹ thì có thể chỉ sốt, rối loạn tiêu hóa, phát ban trên da; mức độ nặng là sốc, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan, song hầu hết bệnh nhân hồi phục nhanh khi được điều trị thích hợp. Một số ít, khoảng 1-1,5%, có thể tiến triển nặng và tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây MIS-C chưa rõ. Các bác sĩ giả thuyết có thể đây là hậu quả tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nCoV. MIS-C chỉ xảy ra ở một số ít trẻ mắc Covid-19. Do đó, các chuyên gia cũng đưa ra giả thuyết nữa là yếu tố gene có liên quan tới MIS-C.

Dấu hiệu

Phụ huynh cần nghĩ tới nguy cơ con mình bị MIS-C khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, kèm theo rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ. Dấu hiệu bệnh nặng như thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

MIS-C xảy ra sau mắc Covid 19, song đa phần trong giai đoạn cấp tính trẻ không có triệu chứng hoặc nhẹ. Trong tình hình số ca nhiễm tăng cao như hiện nay, người nhà cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ như trên, kể cả khi chưa rõ bé đã mắc Covid-19 trước đó hay không.

Khám, xét nghiệm thế nào

Khi bé nhập viện, bác sĩ khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh khác như Kawasaki, sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc...

Tùy mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp. Ví dụ, xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông máu, phản ứng viêm của cơ thể; tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan, thận. Bệnh nhân có thể được cấy máu để loại trừ nhiễm trùng huyết; siêu âm tim đánh giá suy tim, giãn động mạch vành. Xét nghiệm PCR để ghi nhận kháng thể nCoV trong cơ thể bệnh nhân, khẳng định từng mắc Covid-19 chưa.

MIS-C được chẩn đoán dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng (sốt cao, dấu hiệu tổn thương các cơ quan như tim, hệ tiêu hóa..) và kết quả xét nghiệm tình trạng tăng phản ứng viêm của cơ thể. Trẻ cũng cần có bằng chứng mắc Covid-19. Tới nay, chưa có một triệu chứng hay một xét nghiệm đơn độc nào đủ để chẩn đoán xác định MIS-C.

Điều trị

Khi xác định MIS-C, bác sĩ đánh giá mức độ bệnh của bệnh nhân, hội chẩn chuyên khoa hồi sức, truyền nhiễm, miễn dịch để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân trong tình trạng nặng, nguy kịch, được điều trị hồi sức, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc điều hòa miễn dịch như corticoids, immunoglobuline đường tĩnh mạch để làm giảm quá trình viêm ở mạch máu, tim... tùy bệnh lý. Trẻ cũng có thể được điều trị với thuốc Aspirin liều thấp hoặc thuốc chống đông để giảm nguy cơ đông máu và tắc mạch.

Theo dõi sau xuất viện

Tùy tình trạng của bé tại thời điểm ra viện, các bác sĩ kê đơn thuốc tiếp tục điều trị tại nhà, hẹn khám lại. Tần suất tái khám tùy từng trường hợp cụ thể. Mỗi lần tái khám, bé cần được khám tổng quát, làm lại các xét nghiệm nếu cần, siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim và mạch vành.

Cách phòng tránh

Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc Covid 19. Cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như 5K, cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch. Trẻ đang mắc hoặc sau mắc Covid-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa nên nghĩ tới hội chứng viêm đa hệ thống và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thế giới đối mặt với nguy cơ vượt ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris

Quốc tế  |  19:45 10/01/2025

Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong công tác chuyển đổi số

Chuyển đổi số  |  19:27 10/01/2025

Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.

Bộ CHQS tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị năm 2025

Quốc phòng  |  18:37 10/01/2025

Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC