Những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục có thể tiếp tục có những triệu chứng như đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Hầu hết các triệu chứng hậu Covid-19 sẽ tự biến mất nhưng có một số triệu chứng đặc biệt cần được theo dõi. Ví dụ, đau nhức khớp và tê cứng cơ thể vào sáng sớm là những dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị viêm khớp phản ứng.
Các triệu chứng thường xuất hiện một tuần sau khi nhiễm Covid-19. Nghiên cứu cho thấy những người mang gen HLA-B27 có nhiều khả năng bị viêm khớp phản ứng hơn và nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới.
"Đau nhức khớp xảy ra chủ yếu ở đầu gối, mắt cá chân và bàn chân, dù đôi khi cũng có thể đau ở cổ tay và vai. Cường độ cơn đau do viêm khớp có xu hướng từ trung bình đến dữ dội, kết hợp sưng khớp, tê cứng vào sáng sớm kéo dài hơn nửa tiếng", bác sĩ Puneet Mashru, Chuyên gia tư vấn bệnh Thấp khớp tại Bệnh viện Sir H N Reliance Foundation, thành phố Mumbai, Ấn Độ, cho hay.
Mối liên hệ giữa Covid-19 và viêm khớp
Bệnh viêm khớp phản ứng xảy ra sau quá trình nhiễm trùng do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiêu hoá hoặc tiết niệu. Hệ thống miễn dịch của cơ thể dường như phản ứng quá mức với nhiễm trùng và bắt đầu tấn công các mô khỏe mạnh, dẫn đến sưng viêm. Tuy nhiên, lý do chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ.
Tại Anh, Mỹ và Hàn Quốc đã có những nghiên cứu cho thấy có sự trùng hợp giữa những ca nhiễm Covid-19 với tỷ lệ viêm khớp phản ứng. Theo các bác sĩ xương khớp tại Nagpur, thành phố lớn thứ 3 ở bang Maharashtra, Ấn Độ, sau khi khỏi Covid-19, nếu cơn đau khớp kéo dài trên một tháng thì đó có thể là viêm khớp.
"Khi mắc Covid-19, hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc điều trị thấp khớp nên nhiều người, trong đó có cả các bác sĩ, nghĩ rằng bệnh nhân sau khi hồi phục sẽ không bị viêm khớp. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân bắt đầu bị viêm khớp trong giai đoạn hậu Covid-19", bác sĩ Parikshit Sagdeo, cho hay.
Những thay đổi do Covid-19 gây ra trong hệ miễn dịch được xem là yếu tố gây ra viêm khớp phản ứng.
"Không phải do thuốc điều trị Covid-19 mà những thay đổi trong hệ miễn dịch của chúng ta là nguyên nhân dẫn tới những vấn đề này. Nếu bạn bị đau đầu gối hoặc khớp hơn 4 tuần sau khi hồi phục Covid-19, bạn nên đi khám", ông Sagdeo nói.
Các bác sĩ từng chứng kiến sự gia tăng các ca viêm khớp ở những bệnh nhân mắc chikungunya, một căn bệnh do loại virus Chikunguny gây ra.
"Virus này đã gây rối loạn khớp ở nhiều bệnh nhân. Do đó, không nên bỏ qua khả năng tương tự viêm khớp hậu Covid-19", bác sĩ Saurabh Chahande, chuyên gia tư vấn về bệnh thấp khớp cho biết. "Tôi từng gặp một bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng viêm khớp sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tình trạng đó chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc trị viêm khớp nên tham khảo bác sĩ và sắp xếp lại liệu trình uống trong một tuần trước khi tiêm".
Theo bác sĩ Mashru, chẩn đoán viêm khớp phản ứng là một chẩn đoán lâm sàng. Các bác sĩ thường làm xét nghiệm máu để xác định tình trạng viêm nhiễm, kháng thể liên quan đến các loại viêm khớp khác và dấu hiệu di truyền liên quan đến viêm khớp phản ứng (gen HLA-B27).
Cách trị viêm khớp phản ứng
Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau khi bị viêm khớp và tình trạng đau sẽ tự thuyên giảm trong vài tuần. Chườm đá lạnh cũng có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
"Nếu các giải pháp trên không đủ thì có thể cần phải tiêm thuốc hoặc dùng thuốc trị viêm khớp như sulfasalazine hoặc có khi là một đợt uống steroid ngắn hạn", bác sĩ Mashru cho biết.
Sau khi tình trạng viêm cấp tính bắt đầu giảm, hãy gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập cho khớp và cơ. Các bài tập tăng cường sức mạnh sẽ giúp phát triển cơ xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Các bài tập có nhiều động tác chuyển động giúp tăng tính linh hoạt và giảm độ cứng khớp.
Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.
Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.
Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.