Trong Công văn 3542/UBND-KGVX của UBND tỉnh về “Tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới”, nêu rõ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố lân cận; trên địa bàn tỉnh gần đây ghi nhận một số ca bệnh đến/về từ vùng có dịch; sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron đã tạo nên những nguy cơ lây nhiễm nhanh… UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ người đến/về địa bàn từ các địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội, các tỉnh phía Nam; yêu cầu cung cấp đầy đủ số điện thoại liên hệ. Nêu cao vai trò trách nhiệm của người dân trong việc thông tin cho người nhà, người thân khai báo y tế kịp thời; chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác của người dân trước nguy cơ dịch bệnh…
Tính từ 15/12/2021 đến 15/1/2022, số lượng người đi về từ địa phương có dịch tương đối đông, nhất là những xã, thị trấn có lượng người đi làm ăn xa nhiều. Đồng chí Trần Văn Tâm, Bí thư xã Bình Nghĩa (Bình Lục) cho biết: Xã có hàng nghìn người dân đi làm tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội. Trong một tháng qua, xã đã tiếp nhận gần 50 người từ các nơi về, trong đó có hai trường hợp đi từ Gia Lai về được phát hiện mắc Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp trên, xã đã nhanh chóng triển khai các biện pháp quản lý người từ vùng dịch về một cách bài bản, hiệu quả. Thông qua việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, người dân cơ bản nắm bắt được những quy định về cách ly, khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Vì thế, những trường hợp mắc Covid-19 về địa phương đã được kiểm soát ngay, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Tại xã Nguyên Lý (Lý Nhân), theo thống kê có tới gần 2.000 người đi làm ở các tỉnh, thành trong cả nước và đã có gần 150 người trở về quê đón Tết. Ông Trần Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu không có biện pháp quản lý tốt lượng người này, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao. Bởi, trong số 17 trường hợp mắc Covid-19 ở xã, đa số là những người đi từ vùng có dịch về. Nguồn lây nhiễm dịch trên địa bàn cũng từ những người địa phương đi/đến từ vùng có dịch mang về. Nguyên Lý là xã đa nghề, người dân buôn bán khắp nơi, người từ các nơi khác đến địa phương giao thương hàng hoá cũng nhiều. Để phòng, chống dịch hiệu quả ngoài việc giám sát cộng đồng, tăng cường vai trò của tổ Covid cộng đồng, Nguyên Lý còn yêu cầu các hộ dân tham gia với chính quyền địa phương thực hiện tốt quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng, chống dịch.
Ông Chúc cho biết thêm: Người dân Nguyên Lý khi có người thân từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các tỉnh đang có dịch muốn về quê ăn Tết đều thông báo với chính quyền địa phương, tham vấn lực lượng chức năng cách thức đi lại, bảo đảm an toàn cho công dân và cộng đồng. Họ sẽ cung cấp số điện thoại của cán bộ xã cho người thân trực tiếp gọi về, thông báo cụ thể ngày, giờ có mặt ở địa phương để bố trí lực lượng hướng dẫn cách ly, khai báo y tế và xét nghiệm sàng lọc.
Đối với Kim Bảng hay Thanh Liêm, nơi số công dân từ vùng có dịch về quê ăn Tết được dự báo tăng trong thời gian tới cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, các địa phương luôn khuyến cáo công dân thiết lập các đường dây liên lạc với gia đình, người thân và chính quyền địa phương trước khi hành hương. Làm thế, công dân sẽ biết được chính xác quy định cụ thể với bản thân, gia đình ở mức nào để quyết định về hay ở lại. Người dân cũng có thể truy cập vào các diễn đàn, trang fanpage, cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để nắm bắt thông tin cụ thể, cách thức khai báo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thế nào khi về địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo của nhiều địa phương, lượng người hành hương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ không quá đông, nhất là với những bà con từ các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân chính là do thời gian công dân về Tết cận kề, trong khi họ rất lo ngại phải thực hiện cách ly hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định đối với người đi từ vùng có dịch về địa phương. Một số địa phương cho biết, công dân ở các tỉnh đang trong “vùng đỏ” sẽ không về quê ăn Tết nữa. Một năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, việc làm và thu nhập của nhiều gia đình bị ảnh hưởng, giảm sút cũng là nguyên nhân khiến họ quyết định ở lại để tiết kiệm và lo toan cuộc sống trong thời gian tới.
Anh Đặng Duy Liêm, ở xã Trung Lương (Bình Lục), hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Hai năm qua, dịch bệnh đã làm cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn. Với những người làm kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí như chúng tôi, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng vô cùng. Mọi chi tiêu trong gia đình đều phải nhờ từ nguồn tiết kiệm, dự phòng suốt thời gian qua. Ai cũng muốn về quê ăn Tết với người thân, họ hàng như mọi năm, nhưng năm nay, những ảnh hưởng của dịch bệnh đã cản trở bước chân của mọi người. Về hay ở lại đều phải tính toán kỹ. Quan trọng, nếu chúng tôi về quê, trong quá trình di chuyển bị lây nhiễm SARS-CoV-2, Tết sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Rõ ràng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống dịch thời điểm này thực sự quan trọng. Để công tác kiểm soát công dân từ các tỉnh, thành có dịch về địa phương ăn Tết đạt hiệu quả ngoài sự nỗ lực của các cấp ngành, mỗi người dân cũng cần tự ý thức được nguy cơ dịch bệnh để có quyết định phù hợp và tuân thủ nghiêm những quy định phòng, chống dịch.
2 ngày sau chiến thắng vô cùng ấn tượng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, phóng viên Báo Hà Nam có mặt tại nhà tuyển thủ quốc gia Phạm Tuấn Hải (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý) để trò chuyện và chia vui cùng gia đình Tuấn Hải-cầu thủ đã ghi 1 bàn thắng và kiến tạo 1 bàn khiến cầu thủ Thái Lan phản lưới nhà trong trận chung kết.
Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo đó, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới.
Chiều 7/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) thông năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.