Bước chuyển 25 năm

Chính trị 06:24 01/01/2022 Thế Vĩnh
Xin mở đầu bài viết này bằng câu chuyện của một đồng nghiệp chuyên viết về giao thông, xây dựng liên quan đến chuyến đi thực tế tại khu kinh tế mới Ba Sao (Kim Bảng) năm 1997.

Chuyện rằng, thời điểm tái lập tỉnh cách đây tròn 25 năm, để ngược lên dốc Ba Chồm, dốc Bòng Bong, qua “ngoẹo Chữ Chi” và vào được những xóm núi kinh tế mới Ba Sao, anh bạn đồng nghiệp đã không ít lần phải dừng xe, thót tim trước những “ổ trâu”, những đám cuội lổng chổng trên mấy cung đường vừa dốc đứng, vừa nhỏ hẹp, quanh co...

Bây giờ kể lại chuyện ấy, chắc chẳng mấy ai tin, bởi nếu đến với Ba Sao hôm nay, người ta chỉ thấy rộng dài, phóng khoáng trước mắt những nét kiến tạo tuyệt đẹp của một khu du lịch tâm linh, sinh thái trọng điểm quốc gia với những ngôi chùa, pho tượng Phật đang giữ nhiều kỷ lục quốc tế. Và bao quanh “điểm lõi” tâm linh - sinh thái chùa Tam Chúc là những cung đường rộng, phẳng,  những vườn cây xanh mát xen cùng khu phố sáng bừng biển hiệu dịch vụ…, không ai còn thấy bóng dáng dốc Ba Chồm, Bòng Bong, “ngoẹo Chữ Chi” hãi hùng một thuở. Từ câu chuyện vui về phố núi nơi cực tây của tỉnh, nhìn bao quát suốt dải đất sông Châu - núi Đọi thân thiết quê mình mới càng thấy rõ hơn, phấn khởi hơn trước bước chuyển thần kỳ sau 25 năm tái lập tỉnh…

Bước chuyển thần kỳ trước hết là sự bứt phá ngoạn mục từ những con số thể hiện tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà qua 25 năm. Đó là quy mô tổng sản phẩm (GRDP) từ mức chưa đến 3 nghìn tỷ đồng (năm 1997) tăng lên mức hơn 41 nghìn tỷ đồng (giá so sánh) năm 2021 (gấp 13 lần). Đặc biệt, năm 2021 này, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng mức thu ngân sách của tỉnh vẫn có bước tăng trưởng khá, ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 190 lần so với năm 1997), những con số thật ấn tượng, thật đáng mừng.

Cùng với bước chuyển về quy mô, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của “xứ đồng chiêm” Hà Nam sau 25 năm tái lập cũng có sự thay đổi thần kỳ. Từ một tỉnh nông nghiệp, gần như không có khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đến nay Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với gần 3 nghìn ha (các khu, cụm công nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho 90 nghìn lao động).

Trước thềm dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đang có hơn 1 nghìn dự án đầu tư còn hiệu lực (333 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; 708 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đầu tư trên 4,4 tỷ USD và hơn 140 nghìn tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu tăng từ 3,7 triệu USD (năm 1997) lên hơn 4 tỷ USD (năm 2021) gấp hơn 100 lần. 

Một góc TP Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thế Trang

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, diện tích quy hoạch phát triển công nghiệp sẽ hướng đến con số trên 5 nghìn ha và toàn tỉnh có hơn 10 nghìn doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nói đến bước chuyển thần kỳ về phát triển kinh tế - xã hội không thể không nói đến sự cải thiện an sinh, nâng cao mức sống người dân. Trong báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh cuối năm 2021, mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nam đã vươn lên 77 triệu đồng/người/năm (tăng 38 lần so với năm 1997) và tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh theo tiêu chí mới giảm còn 1,71%.

Tiếp nối câu chuyện xoay quanh bước chuyển thần kỳ của tỉnh, anh bạn đồng nghiệp phụ trách mảng tuyên truyền về giao thông - xây dựng hào hứng đưa thêm một minh chứng so sánh rất thú vị về mạng lưới hạ tầng giao thông. Trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022 - mùa Xuân thứ 25 sau ngày tỉnh tái lập, hạ tầng giao thông đường bộ của dải đất núi Đọi - sông Châu đã có sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Kiên trì theo đuổi chủ trương không ngừng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế (trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…), Hà Nam đã tạo nên bước chuyển thần kỳ về hạ tầng giao thông đường bộ qua 25 năm tái lập tỉnh. Chỉ nói riêng về số lượng cầu đường bộ vượt sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ, sông Hồng cũng đủ thấy sự thay đổi mạnh mẽ về lĩnh vực này.

Nếu như 25 năm trước, cầu Hồng Phú (TP Phủ Lý) là cây cầu bê tông vĩnh cửu duy nhất vượt qua sông Đáy, thì nay chỉ tính riêng con sông này đã có 8 cầu bê tông kiên cố, 2 cầu treo dây văng, nối thông đôi bờ, mở lối cho dải đất tây Đáy cách trở chuyển mình vươn tới. Nhìn về phía đông, nếu như ở thời điểm tái lập tỉnh 1997, việc có một cây cầu vượt sông Hồng chỉ là mơ ước thì nay mơ ước ấy được hiện thực hóa bởi ba cây cầu lớn hiện đại (Yên Lệnh, Hưng Hà, Thái Hà) nối liền Hà Nam - Thái Bình, Hà Nam - Hưng Yên. Rồi còn, hơn chục cây cầu vượt sông Châu, sông Nhuệ, cầu vượt đường bộ, đường sắt, các tuyến đường nối 2 cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng), đường tránh đô thị (Phủ Lý, Hòa Mạc) tạo điều kiện giao thương thông thoáng hướng đến cảng biển Hải Phòng, sân bay Cát Bi, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Vân Đồn.

Và tới đây, dự án: Đường vành đai 5 Vùng Thủ đô gắn kết giao thông Hà Nam và các tỉnh đồng bằng sông Hồng với Hà Nội; cầu vượt nút giao đường sắt Bắc - Nam với QL21B và đặc biệt là dự án Cụm cảng thủy nội địa Yên Lệnh (tại Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên)… sẽ tiếp tục rộng mở hơn hướng kết nối Hà Nam với các tỉnh, thành phố, các trung tâm kinh tế trọng điểm trong khu vực.

Sản xuất tại Nhà máy Haast Việt Nam tại KCN Đồng Văn I, thị xã Duy Tiên. Ảnh: P.V

Cùng với hệ thống đường giao thông, tốc độ đô thị hóa của miền quê từng được coi là “thuần nông” Hà Nam cũng diễn ra nhanh chóng. Nếu như thời điểm tái lập tỉnh, Phủ Lý chỉ được biết đến là một thị xã nhỏ với vài tuyến phố cổ, thì nay, thành phố trung tâm tỉnh lỵ sáng bừng diện mạo của một đô thị loại II đang từng ngày khởi sắc. Cùng với TP Phủ Lý, Hà Nam đã có thêm thị xã Duy Tiên và hình thành 9 đô thị mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Thật vui với những chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX: Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa (từ 37%) lên 47%; thành lập thị xã Kim Bảng trước 2025; TP Phủ Lý được công nhận đô thị loại I trước 2030... Và càng vui hơn khi lưới điện quốc gia cùng sóng viễn thông, internet cũng đã phủ kín đến những “vùng lõm” xa trung tâm. Trong 2 năm (2020 - 2021) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, con em các gia đình ở những xóm núi khuất nẻo nhất của Ba Sao, Tân Sơn, Khả Phong (Kim Bảng); Tây Hải, Tây Nghị (Thanh Liêm)… cũng đều có tín hiệu   internet phục vụ cho học tập trực tuyến.

Nối tiếp câu chuyện vui về sự đổi thay của tỉnh, đảng viên Nguyễn Xuân Quý (Xóm Điện Biên, Chuyên Ngoại, Duy Tiên) phấn khởi tỏ bày: Hào hứng với dự án Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam - Cụm cảng dịch vụ logistics đầu tiên của tỉnh, nhân dân các thôn, xóm trong xã như: Lỗ Hà, Yên Lệnh, Yên Mỹ, Thị Nội đều đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Hy vọng Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam và Nhà máy sản xuất, rắp láp ô tô Hồng Đức (Châu Giang, Duy Tiên) sẽ tiếp tục là những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh trong tương lai gần. Vui bánh xe chạy trên mặt đê đại Hà đã được thảm nhựa rộng phẳng, người viết bài đến xóm đồng bãi sông Hồng - Vũ Điện (Chân Lý, Lý Nhân)- nơi hiện hữu hai cây cầu bê tông vĩnh cửu vượt dòng đại Hà sang tỉnh bạn Thái Bình, Hưng Yên.

Trong câu chuyện trước thềm Xuân mới, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chân Lý Trần Đình Tuấn trải lòng về sự thay đổi của quê hương bằng một hình ảnh trực quan rất sinh động: Vùng quê Chân Lý xưa có hai bến đò ngang Nhật Tảo (sang Thái Bình), Vũ Điện (sang Hưng Yên) nay đã được thay thế bằng hai cây cầu lớn Thái Hà, Hưng Hà. Chưa hết, tại nút giao thông vượt sông thông thoáng, hằng ngày nườm nượp những dòng xe cộ nối đuôi nhau qua sông đi các tỉnh vùng đông bắc Tổ quốc, khu đô thị, KCN Thái Hà cũng đang từng ngày hiện hữu, hy vọng sẽ là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư giàu tiềm năng tiếp tục đến với quê hương Hà Nam.

Phấn khởi, tự hào nhìn lại bức tranh toàn cảnh sau 25 năm tái lập, nhân dân Hà Nam càng thêm tự tin, thêm kỳ vọng và quyết tâm bước vào giai đoạn phát triển mới. Phát huy lợi thế của địa phương trong vùng quy hoạch Thủ đô, cửa ngõ phía nam Hà Nội, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã xác định rõ hướng đi của tỉnh: Chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.         

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương các nội dung kinh tế - xã hội theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  17:30 22/11/2024

Chiều 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tiếp tục nội dung chương trình làm việc cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung kinh tế - xã hội theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

Chính trị  |  14:03 22/11/2024

Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến các nội dung theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:20 22/11/2024

Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC