Đến nay, trong các KCN của tỉnh có hơn 70 doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình "3 tại chỗ", ký cam kết bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp.
Giữ được việc làm nhờ “3 tại chỗ”
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đã tròn 1 tháng nay, Công ty TNHH Global Al Tec Vina (KCN Đồng Văn I) thực hiện phương án bố trí tạm trú tập trung cho 70 công nhân là người ngoài tỉnh ăn, nghỉ tại doanh nghiệp. Nơi ăn, nghỉ của công nhân được bố trí các khu dành riêng cho công nhân nam và công nhân nữ.
Ông Lee Young Min, Giám đốc Công ty TNHH Global Al Tec Vina nói: Thuận lợi của công ty là có khu ăn nghỉ cho đội ngũ chuyên gia đến làm việc, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có sự chỉ đạo của tỉnh Hà Nam về thực hiện “3 tại chỗ” trong sản xuất, chúng tôi đã dành toàn bộ khu nhà chuyên gia làm nơi lưu trú cho công nhân ngoại tỉnh và công nhân đến từ vùng có dịch. Khu tạm trú có nơi ăn nghỉ, phòng cách ly đúng quy định trong trường hợp nếu phát sinh F0 và F1.
Sau 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty TNHH Global Al Tec Vina bảo đảm duy trì việc làm cho 450 lao động, khắc phục được việc thiếu lao động.
- Chị hiểu gì về “3 tại chỗ” và thực hiện “3 tại chỗ” có phù hợp với chị không? Tôi hỏi nữ công nhân Phùng Thị An. - Được tuyên truyền, tôi hiểu “3 tại chỗ” là sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Tôi quê ở xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, từ nhà sang đây mất 10 cây số. Nếu không được bố trí nơi ăn, chốn ở thế này thì cứ 3 ngày lại phải test SARS-CoV-2 một lần, rất tốn kém.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung bố trí ăn, nghỉ tại doanh nghiệp (với điều kiện phải bảo đảm tốt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp), hiện nay, tại các KCN có trên 70 doanh nghiệp, với trên 2.000 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Đây đều là các doanh nghiệp có nhiều công nhân ngoại tỉnh, chủ yếu là ở thành phố Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ có “3 tại chỗ” mà nhiều công nhân đã giữ được việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân Công ty TNHH Global Al Tec Vina) phấn khởi nói: Công ty tổ chức nơi ăn, ở sạch sẽ, thuận tiện cho sinh hoạt. Được bố trí ăn, nghỉ tại doanh nghiệp trong lúc dịch bệnh phức tạp giúp tôi có việc làm, không bị mất thu nhập, gia đình cũng bớt khó khăn.
Tại Công ty TNHH Tachibana Việt Nam (KCN Đồng Văn II) chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Mặc dù trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng công ty vẫn bảo đảm sản xuất đủ 3 ca/ngày, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Có được kết quả này là do công ty triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả mô hình “3 tại chỗ”. Nhờ vậy mà hơn 60 công nhân có hộ khẩu Hà Nội có việc làm ổn định từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay.
Bảo đảm an toàn cho sản xuất
Khởi đầu từ tỉnh Bắc Giang, khi dịch Covid-19 lây lan mạnh trong KCN, mô hình doanh nghiệp “3 tại chỗ” khi đó được thực hiện rất hiệu quả, là giải pháp quan trọng để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tại Hà Nam, để triển khai “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện nhanh chóng, thuận lợi, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã xây dựng hướng dẫn (tạm thời) việc bố trí tạm trú tập trung tại doanh nghiệp trong KCN phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, nơi tạm trú phải được bố trí đúng mục đích, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết cho công tác phòng, chống dịch; tránh bố trí số lượng người quá đông tại một điểm; có phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; phải có sự tham khảo, góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp; phải có sự đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động…
Đối với khu vực tạm trú cần có biển báo, được thiết kế khu vực dành riêng cho công nhân nam và công nhân nữ, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 4 m2/người. Diện tích phòng tạm trú không được nhỏ hơn 10 m2. Ở từng khu có điểm khai báo y tế, quét mã QR, lắp đặt camera kiểm soát hoạt động ra vào và có hệ thống loa thông báo khi cần thiết; có khu vực khử khuẩn phương tiện, hàng hóa và dung dịch sát khuẩn tay cho người lao động. Đối với việc bố trí tạm trú tại khu vực văn phòng, nhà xưởng đang tạm dừng sản xuất phải bảo đảm quy định phòng cháy, chữa cháy và bố trí lối thoát hiểm thuận lợi… Bên cạnh đó, các khu vực tạm trú phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện về khu vực ăn uống, nơi phơi quần áo, vệ sinh chung và có khu vực tập kết rác thải rắn bảo đảm an toàn.
Ông Đỗ Văn Huynh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Khi có nhu cầu tổ chức tạm trú để phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải gửi hồ sơ có liên quan về Ban Quản lý các KCN tỉnh. Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xem xét điều kiện thực tế và đăng ký cho doanh nghiệp được bố trí tạm trú theo mô hình “3 tại chỗ”. Khi được chấp thuận, người lao động phải được xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi ở lại doanh nghiệp (trong vòng 72 giờ). Doanh nghiệp khai báo, đăng ký tạm trú cho người lao động tại công an xã, phường, nơi doanh nghiệp bố trí tạm trú.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp chỉ bố trí phương án tạm trú trong thời điểm nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này nữa.
Để bảo đảm an toàn việc bố trí ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường kiểm tra mô hình “3 tại chỗ”. Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ chuyên gia, người ngoại tỉnh và người lao động đến, về từ vùng có dịch theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm xác suất định kỳ hằng tuần đối với người lao động…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.