Chị Nguyễn Thị Kim Sinh, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xã Công Lý cho biết: Những ngày qua, người dân nghe đài, xem ti vi, đọc báo mạng nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lần này, quyết định hỗ trợ một khoản nhất định nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống, an toàn cho NLĐ, họ mừng lắm. Mặc dù kinh tế của người dân trước khi có dịch cũng khá ổn định, nhưng cả tháng trời phải nghỉ việc do thực hiện giãn cách xã hội, cách ly tập trung hoặc điều trị Covid-19, việc làm và thu nhập không có nên nảy sinh nhiều khó khăn trong cuộc sống…
Theo thống kê ban đầu, cả xã Công Lý có 28 trường hợp mắc Covid-19, 435 trường hợp được xác định F1, phải cách ly tập trung. Số hộ kinh doanh cá thể cả xã có 475 hộ. Kết quả rà soát bước đầu ghi nhận 720 lao động có ký kết hợp đồng phải ngừng việc do cách ly tập trung và cách ly tại nhà trong khu vực phong tỏa, trên 3.800 lao động tự do.
Chị Nguyễn Thị Kim Sinh cho biết thêm: “Hiện tại, xã đang khẩn trương triển khai rà soát đối tượng và lập danh sách ban đầu, vừa làm, vừa chờ hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH. Vì theo Nghị quyết 68, các địa phương phải chủ động trong triển khai thực hiện việc hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng chính sách. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để thống nhất tiêu chí cho phù hợp. Trước mắt xã sẽ vừa rà soát, vừa thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã về tinh thần NQ68, QĐ23 để nhân dân nắm được thông tin, chủ động đăng ký danh sách với địa phương”.
Còn ở xã Đạo Lý - địa phương đầu tiên của huyện Lý Nhân thực hiện giãn cách xã hội ngay từ ngày đầu tháng 5. Toàn xã có 11 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1 trẻ em, một phụ nữ mang thai, 315 trường hợp F1. Số người làm việc cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh cũng lên tới vài trăm người. Ngoài ra, hàng nghìn lao động tự do khác làm các nghề thợ xây, thợ mộc, cắt tóc, gội đầu, buôn bán nhỏ... đều phải nghỉ việc thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Vũ Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Lý cho biết: Triển khai thực hiện NQ68 và QĐ23, xã đang khẩn trương rà soát đối tượng, thu thập thông tin, tuyên truyền trên loa truyền thanh để nhân dân nắm được thông tin, phối hợp với chính quyền địa phương làm nhanh thủ tục để bà con được hỗ trợ sớm. Có nhiều đối tượng hiện giờ rất chờ đợi khoản hỗ trợ này, có thể là không nhiều so với mức thu nhập hằng tháng họ đi làm có lương, nhưng điều quan trọng nhân dân cảm thấu được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với họ trong lúc gặp khó khăn vì dịch bệnh, so với NQ42 trước đó, gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch lần này có thể dễ áp dụng hơn, dễ triển khai hơn. Các địa phương đang rất hy vọng sự đơn giản hóa trong thủ tục để việc triển khai NQ68 nhanh, gọn, hiệu quả, đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận hơn.
So với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Lý Nhân triển khai thực hiện NQ68 sớm hơn. Đến chiều 23/7, Phòng LĐ – TB&XH huyện đã có kết quả rà soát bước đầu, xác định toàn huyện có khoảng 2.000 đối tượng thuộc diện lao động bị chấm dứt hợp đồng không lương, 100 hộ kinh doanh cá thể có đăng ký đóng thuế bị tác động bởi dịch bệnh. Riêng đối tượng lao động tự do đang chờ các xã, thị trấn rà soát, thống kê, lên danh sách. Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai thực hiện NQ68 lúc này chính là chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ Sở LĐ – TB&XH nên “phía dưới” đành phải vừa làm, vừa nghe ngóng chờ đợi.
Ông Nguyễn Chín Hiệp, Trưởng phòng LĐ – TB&XH huyện Lý Nhân cho biết: “Rất nhiều khó khăn lúc này, dù địa phương rất muốn triển khai sớm, để người dân được nhận hỗ trợ đúng với tinh thần của NQ68. Chẳng hạn, việc xác định lao động tự do sẽ dựa vào tiêu chí nào để được nhận hỗ trợ? Thứ hai, trên địa bàn huyện có hơn chục nhóm trẻ gia đình và một trường mầm non tư thục, theo quy định, giáo viên ở những cơ sở này khi nghỉ việc do Covid-19 từ 27/4 trở đi sẽ được nhận hỗ trợ. Nhưng vì thời điểm này, dịch bùng phát tại Lý Nhân, tỉnh có công điện cho học sinh nghỉ học, trẻ em các trường mầm non kết thúc năm học sớm từ 3/5 nên khi xét cho giáo viên hợp đồng các trường tư thục này thì họ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ”.
Về phía chính quyền các xã, thị trấn, đặc biệt với những xã có dịch, có khu vực dân cư bị phong tỏa cho rằng, lao động tự do nếu chỉ xét ở khía cạnh không có giao kết hợp đồng lao động thì nơi nào cũng nhiều. Nhưng liệu tất cả các đối tượng đó có nằm trong tiêu chí được hỗ trợ hay không đến giờ địa phương nào cũng chưa rõ. Vì thế, việc rà soát, thống kê đối tượng trở nên lúng túng cho cán bộ cơ sở lúc này.
Thiết nghĩ, không riêng gì Lý Nhân, các huyện, thị xã, thành phố của Hà Nam đến thời điểm này đang rất lúng túng không biết triển khai thực hiện NQ68 như thế nào cho phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương nếu không có hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tâm lý sợ làm sai, vận dụng không đúng chính sách phải gánh hậu quả như ở nhiều địa phương khác khi thực hiện NQ42 đối với cán bộ cơ sở càng làm cho việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng này trở nên chậm trễ hơn, thận trọng hơn. Và càng chậm trễ ngày nào, đối tượng đáng được nhận hỗ trợ khổ thêm ngày đó...
Sáng ngày 03/12/2024, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, sự kiện ra mắt và trao quyết định thành lập BNI Flag Chapter – Chapter đầu tiên tại tỉnh Hà Nam, đã diễn ra thành công rực rỡ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho cộng đồng doanh nhân khu vực.
Chiều 3/12, tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc Cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025.
Chiều 3/12, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.