Bác sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam

Chính trị 09:27 19/05/2021 Đỗ Hồng
Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành được độc lập, đánh đuổi những đế quốc sừng sỏ nhất, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn dân. Mỗi người Việt Nam đều yêu quý, kính trọng và đời đời nhớ ơn Bác. Bác đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. 

 

Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (20/02/1961). Ảnh: hochiminh.vn

Đã từ hàng chục năm nay, có hai ngày không phải ngày rằm, mùng một, cũng không phải giỗ ai trong gia đình, nhưng bàn thờ nhà bà Nguyễn Thị Thanh ở Thanh Tân, Thanh Liêm luôn đỏ hương khói. Đó là ngày 19/5 - sinh nhật Hồ Chủ tịch và ngày 2/9, ngày Bác mất.  Mùa nào thức nấy, bà Thanh mua hoặc hái từ vườn nhà những hoa quả đầu mùa tươi tắn nhất thắp hương dâng lên Bác. Mùng 2/9 thường bà dâng nải chuối tiêu chín vàng ươm, thơm nức, một đĩa hồng quả chín đỏ, thêm trái bưởi đầu mùa. Cũng có năm, nếu lúa sớm đã kịp gặt bà nấu đĩa xôi nếp mới, cơm mới, thêm bát canh cua đồng dâng lên cúng Bác. Ngày 19/5 sinh nhật Bác, ngoài hoa quả luôn có một thứ không thể thiếu: đó là hoa sen. Bà Thanh nói hoa sen tượng trưng cho những gì thanh tao cao quý, đúng với con người Bác. Dịp 19/5 cũng là dịp sen đầu mùa bắt đầu nở. Vì thế năm nào trong mâm lễ tưởng nhớ Bác nhân sinh nhật của Người, bà luôn dâng hoa sen. Bây giờ bà tuổi đã cao, con cháu bà vẫn theo lệ, cứ đến ngày 19/5, mùng 2/9 lại sắm sửa lễ dâng lên tưởng nhớ Bác Hồ. 

Bà Thanh kể, bà sinh ra dưới chế độ phong kiến thực dân, cuộc sống vô cùng cực khổ. Bố mẹ bà từ nhỏ đã phải đi làm thuê cho nhà địa chủ, và đến bản thân bà, các anh chị em của bà cũng thế. Làm quần quật suốt ngày, cơm trắng chẳng mấy khi có, toàn ăn độn nhưng cũng chẳng được no, bị chủ đối xử hà khắc, quần áo thì rách rưới, nhà như túp lều... Các anh em của bà mấy người mất từ nhỏ vì ăn uống quá thiếu thốn, vì không có thuốc thang. Từ năm 1945, khi Hồ Chủ tịch lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân, chia ruộng cho dân nghèo, cuộc đời bà và mọi người trong gia đình bước sang một trang mới… 

Bà Thanh chưa bao giờ được gặp Hồ Chủ tịch mà chỉ được nhìn Bác qua ảnh. Nhưng bà luôn biết ơn Hồ Chủ tịch, mãi mãi tôn kính, yêu quý Người. Bà luôn nói với con cháu, có được cuộc sống no ấm, hạnh phúc bình yên như bây giờ là nhờ Hồ Chủ tịch. Người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được độc lập, đánh đuổi hết lũ xâm lược, giữ yên bờ cõi. Vì thế, đã là người Việt Nam thì mãi mãi, không bao giờ được quên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Sinh năm 1960, cũng chưa bao giờ được gặp Hồ Chủ tịch, nhưng trong tâm trí bà Hoàng Thị Hiếu ở thành phố Phủ Lý luôn tôn kính vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bà Hiếu cho biết, ngay từ nhỏ, khi chưa biết chữ bà đã được nghe kể nhiều câu chuyện về Bác, thấy được tình cảm của những người xung quanh đối với Bác. Lớn hơn, được học tập và hiểu biết hơn bà càng hiểu về công lao vĩ đại của Bác; sự nhân ái, hiền từ, tình yêu thương bao la Người dành cho người dân Việt Nam. Suốt thời đi học, bà cũng như các bạn trong lớp, trong trường luôn lấy những lời dạy của Bác đối với thiếu niên nhi đồng, lên lớp lớn là lời dạy của Bác đối với thanh niên làm kim chỉ nam trong học hành, tu dưỡng và các hoạt động khác của cuộc sống. 

Phẩm chất đạo đức sáng ngời của Bác, những lời dạy của Bác luôn theo bà suốt cuộc đời. Trong cuộc sống, dù chỉ là một người nông dân bình thường nhưng bà luôn chịu khó làm ăn, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn theo khả năng của mình, thật thà, lương thiện. Bà cũng dạy con cháu của mình đúng như thế. Các con của bà đều đã trưởng thành, chí thú làm ăn, trở thành những công dân tốt. Các cháu ngoan ngoãn học hành, chịu khó tu dưỡng. Bà Hiếu cho biết, có dịp bà cùng con cháu lên thăm lăng Bác. Nhìn Bác bình thản trong giấc ngủ nghìn năm ở trong lăng lần nào bà cũng ứa nước mắt khóc, như nhìn thấy người thân của mình vậy. Bà cũng đã vào làng Sen quê Bác và càng hiểu hơn về một con người vĩ đại, một nhân cách vĩ đại...

Hỏi bất kỳ một người Việt Nam nào, dù trẻ hay già, dù ở thành thị hay nông thôn, hầu như đều có chung một suy nghĩ: Yêu quý, kính trọng, biết ơn Hồ Chủ tịch. Người Việt Nam, hầu hết đều đã coi Bác như người thân của gia đình, đúng như câu thơ của Tố Hữu "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ". Hay như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi "Người không con mà có triệu con/Nhân dân ta gọi Người là Bác/Cả đời Người là của nước non". Biết bao ca khúc, bài thơ viết về Bác đã ra đời làm lay động lòng người. Các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, đoàn thể, từ thành thị cho tới nông thôn, từ mỗi trí thức cho đến mỗi người nông dân đều gắn với việc học tập và làm theo Bác.

Cứ mỗi khi có dịp người dân lại về lăng viếng Bác, thăm quê Bác ở làng Sen. Và cứ mỗi dịp 19/5 sinh nhật Người, hay 2/9-ngày Bác mãi mãi đi xa, người dân Việt Nam lại nghẹn ngào xúc động thương nhớ Bác, thương nhớ người cha già của dân tộc, người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ vinh quang no ấm hôm nay. “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...” (Tố Hữu). 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC