Theo lời kể của bác Long, ngày 21/8/1967, tròn 18 tuổi, vừa học xong lớp 8, bác xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Thạch Thành (Thanh Hóa), bác cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Nam Quảng Trị, Bắc Thừa Thiên. Ngày 15/4/1969, trong lần đi trinh sát chống càn tại một khu đồi thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bác bị địch bắt khi đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng.
“Ngày 15/4/1969 bị bắt, tháng 3/1973 được trao trả tại bến sông Thạch Hãn, hơn ba năm bị giam cầm, tra tấn dã man tại các trại giam, đến giờ đã qua gần 50 năm nhưng có nhiều kỷ niệm tôi không thể nào quên” – bác Hoàng Văn Long xúc động chia sẻ về những năm tháng gian khó trong nhà lao Phú Quốc.
Do có nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, ngày 26/3/1969 tôi vinh dự được kết nạp đảng tại mặt trận huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - bác Long chậm rãi nhớ lại. Buổi tối ngày 26/3/1969, trong chiếc lán xe ô tô chống đạn pháo, dưới cờ Đảng, trước ảnh Bác, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tôi đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó... Với tôi, đó là thời khắc hết sức trang trọng và thiêng liêng, cảm giác vinh dự, tự hào trào dâng trong lòng. Kết nạp đảng chưa được 1 tháng, ngày 15/4/1969 tôi bị địch bắt tại Hướng Hóa, chúng đưa về trại giam Đông Hà (Quảng Trị). Sau đó chúng chuyển tôi tới nhà lao Mang Cá (Huế); tiếp đến là nhà lao ở Đà Nẵng. Sau nửa năm giam cầm tại nhà lao Đà Nẵng, tháng 10/1969 chúng đưa tôi cùng anh em tù binh khác ra nhà lao Phú Quốc. Trong thời gian bị bắt, bị địch tra tấn hết sức dã man nhưng tôi chỉ khai tôi là Nguyễn Đức Lập, vừa mới vào chiến trường thì bị bắt. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản: Mình là người lính, là đảng viên cộng sản, trong hoàn cảnh nào cũng không để ảnh hưởng tới đơn vị, không để ảnh hưởng tới gia đình.
Thời gian ở trại giam Đà Nẵng, qua trò chuyện, tâm tình, biết bác Long được kết nạp đảng tại chiến trường, anh em đồng chí trong nhà lao giúp đỡ tận tình, nhanh chóng đưa vào tổ chức. Ra Phú Quốc ít ngày, nhờ có những mật khẩu bí mật anh em truyền cho từ nhà lao Đà Nẵng bác Long sớm bắt được liên lạc với tổ chức. Ở nhà lao Phú Quốc, bác Long tích cực tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ theo quy ước quốc tế về tù binh chiến tranh; động viên anh em giữ vững khí tiết người chiến sỹ cách mạng; kiên định, không dao động trước mọi thủ đoạn của kẻ thù...
Với nỗ lực, hoạt động tích cực trong nhà lao, tháng 8/1970 tôi được tổ chức chuyển Đảng chính thức. Đó là kỷ niệm sâu sắc không phai mờ trong tâm trí tôi – bác Long nói. Để bảo đảm bí mật, hoạt động trong nhà lao là hoạt động đơn tuyến, vì vậy buổi chuyển đảng chính thức hôm đó cũng chỉ có hai người. Đồng chí phụ trách Đảng ủy đọc quyết định chuyển đảng chính thức cho tôi, quyết định được truyền đạt qua lời nói, trong thời gian có vài phút, nhưng với tôi những giây phút ấy cực kỳ quan trọng. Từ nay, tôi chính thức là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, lòng tôi càng thêm quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đấu tranh, không khuất phục trước mọi đòn roi, mọi thủ đoạn của kẻ thù.
Kỷ niệm sâu sắc thứ hai đó là chuyện dạy và học trong nhà lao đế quốc – bác Long tiếp tục câu chuyện. Ở trong tù, ngoài tuyên truyền, động viên anh em giữ vững phẩm chất, khí tiết người chiến sĩ cách mạng, tổ chức chủ trương khuyến khích anh em tích cực học tập để sau này nếu được tự do sẽ tiếp tục cống hiến phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Dù thiếu thốn đủ bề, bị quản lý hết sức chặt chẽ nhưng anh em trong tù đều chủ động, kiên trì học văn hóa, học nghề cơ khí, học nhạc, học y... Cách làm là người biết bảo người không. Hình thức dạy học là lấy dây thép viết trên cát (ở ngoài sân); lấy kem đánh răng bôi lên bạt, sau đó lấy lõi pin viết lên; lấy than (hoặc mảnh gạch) viết lên nền xi măng trong nhà lao... Có thể nói, suốt những năm tháng bị giam cầm đầy khổ cực trong nhà lao Phú Quốc, vượt lên mọi khó khăn gian khổ nhiều anh em đã học được nghề, hiểu biết về âm nhạc, nâng cao kiến thức văn hóa... Bản thân tôi, trước khi đi bộ đội mới học xong lớp 8. Thời gian trong tù tôi học hết kiến thức lớp 10. Giờ trong lý lịch tôi vẫn khai, lớp 8 học phổ thông, lớp 10 học trong tù.
Ngoài hai kỷ niệm sâu sắc trên, kỷ niệm luôn đậm sâu trong trái tim, trí óc của tôi, đó là kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ, chăm sóc, động viên, an ủi nhau vào thời khắc khó khăn nhất – nói đến đây bác Long nghẹn lời. Trong những năm tháng bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc, là thành viên tích cực tham gia các cuộc đấu tranh, nhiều lần địch mua chuộc tôi không được, chúng tra tấn, đánh đập rất dã man, nhốt tôi vào chuồng cọp. Tôi nhớ, hôm từ chuồng cọp về phòng, người yếu, phồng rộp, quần áo tả tơi... Anh em thương lắm, người cho manh áo, người cho chiếc quần, người cho thuốc, người làm thơ động viên... Mọi người hỏi han, chăm sóc ân cần, chu đáo, đầy tình yêu thương... Đặc biệt, tôi còn nhớ rõ, thời khắc chúng tôi được trao trả tại bến sông Thạch Hãn ngày 21/3/1973, lúc ngồi trên thuyền máy, dù còn xa bờ nhưng anh em đã nhảy ào xuống nước; trong bờ, anh em bên mình cũng lội ào ra đón. Thời khắc ấy, niềm vui, niềm xúc động vỡ òa, nghẹn ngào đến trào nước mắt; tình đồng chí, đồng đội bình dị mà cao quý, thiêng liêng vô cùng.
Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm. Trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người đảng viên gương mẫu, bác Long tích cực tham gia hoạt động tại địa phương. Hơn chục năm làm Bí thư chi bộ, bác luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm cao từ cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Bác Long bộc bạch, tôi giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mỗi khi có dịp gặp mặt, chúng tôi - những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày đều vui mừng, phấn khởi, tự hào cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong những năm tháng gian khó xưa; động viên nhau tiếp tục giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, nêu gương trong cuộc sống đời thường.
Chia tay tôi, bác Long nhắn nhủ, khi viết bài, chị nhớ cho tôi gửi lời hỏi thăm tới các hội viên Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy của huyện Bình Lục nói riêng, của tỉnh Hà Nam nói chung. Chúc anh em khỏe mạnh, sống vui, sống hạnh phúc bên gia đình, làng xóm, quê hương.
Ngay từ đầu năm, những thông điệp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho quyết tâm đổi mới, nỗ lực hành động quyết liệt, tạo điểm tựa thể chế để có thể đẩy mạnh thế và lực của cả đất nước.
Chiều 9/1, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị bàn giao chức danh Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố. Dự, chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Đại tá Trịnh Hồng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Đào Đình Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự thành phố; lãnh đạo UBND thành phố.
Chiều 9/1, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tiếp tục chương trình hội nghị cho ý kiến, chủ trương các nội dung theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; bí thư, phó bí thư các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI...
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.