Tầm quan trọng và những ảnh hưởng của kênh đào Suez

Hồ sơ tư liệu 05:47 30/03/2021 Vietnam+
Khoảng 1/10 các chuyến vận tải thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez và những con tàu qua kênh đào Suez có thể phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kéo dài hàng tuần.

Tàu cứu hộ nỗ lực giải cứu tàu container Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez. (Nguồn: AFP)

Kể từ khi được hoàn thành vào năm 1869, kênh đào Suez vẫn luôn là một trong những vùng nước quan trọng nhất thế giới; một cánh cổng nối giữa phương Đông và phương Tây bị kiểm soát bởi nhiều quốc gia, có nguy cơ châm ngòi chiến tranh và trở thành nền tảng của nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng con tàu container khổng lồ đang chắn ngang con kênh lại đặt ra một vấn đề rất hiện đại: Khoảng 1/10 các chuyến vận tải thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez và những con tàu qua đây có thể phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kéo dài hàng tuần.

Các công nhân vẫn đang tiếp tục dọn cát và bùn khỏi Ever Given, con tàu nặng 224.000 tấn bị mắc cạn sau khi bị những cơn gió mạnh tới 40 hải lý/giờ và một trận bão cát làm giảm tầm nhìn dẫn đến việc điều hướng sai lầm.

Tiến độ lai dắt con tàu có chiều dài bằng chiều cao của tòa nhà Empire State có ý nghĩa hết sức quan trọng với thế giới - và cũng là một thách thức chưa từng thấy trong lịch sử đầy những sự kiện quan trọng của kênh Suez.

Tại sao kênh đào Suez lại quan trọng như vậy?

Tầm quan trọng của con kênh này trước hết bắt nguồn từ vị trí của nó; đây là con đường duy nhất kết nối trực tiếp vùng biển châu Âu với biển Arab, Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu không có Suez, các chuyến hàng di chuyển giữa những địa điểm này sẽ phải đi qua toàn bộ lục địa châu Phi, làm tăng thêm không ít chi phí và kéo dài đáng kể thời gian hành trình.

Suốt nhiều thế kỷ, gần như không có giải pháp cho vấn đề này, cho đến khi con đường thủy quý giá dài 120 dặm được xây dựng để đi tuột xuống Ai Cập và ra Biển Đỏ. Kênh đào Suez được xây dựng trong một thập kỷ vào giữa thế kỷ 19 - một kỳ tích được thực hiện nhờ việc Địa Trung Hải và Biển Đỏ có độ cao xấp xỉ nhau.

Một con tàu chở hàng di chuyển trong Kênh đào Suez, đi ngang qua tòa nhà chính quyền cảng Port Said, vào năm 2008. Con kênh này đón gần 19.000 lượt tàu qua lại mỗi năm. (Nguồn: CNN)

Thời gian tiết kiệm được bằng cách đi qua đây gần như là vô giá. Ngày nay, một con tàu đi từ một cảng ở Italy đến Ấn Độ chẳng hạn, sẽ phải vượt qua khoảng 4.400 hải lý nếu đi qua kênh đào Suez - một hành trình sẽ mất khoảng chín ngày với tốc độ 20 hải lý/giờ.

Cách nhanh thứ hai để hoàn thành cuộc hành trình tương tự đó là đi qua Mũi Hảo Vọng và vòng quanh châu Phi.Với tốc độ tương tự, sẽ mất ba tuần để đi hết tuyến đường dài 10.500 hải lý này.

Tầm quan trọng của Suez lại càng tăng thêm một bậc vì không có lựa chọn nào có thể thay thế cho nó: nếu Biển Đỏ không trải dài lên phía trên vùng Sừng châu Phi và dọc theo Sudan và Ai Cập, sẽ không có vùng đất nào đủ hẹp để đặt nền móng cho một tuyến đường thủy nhân tạo nối châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tạp chí chuyên ngành vận tải biển Lloyd's List, nhờ vị trí chiến lược quan trọng, có tới gần 19.000 con tàu đi qua kênh đào Suez mỗi năm.

Lịch sử của kênh đào Suez

Một con đường nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ đã được các quốc gia khao khát trong nhiều thế kỷ, và tầm quan trọng của con kênh đã được khẳng định từ rất lâu trước khi nó bắt đầu được xây dựng.

Được ấp ủ từ sự hứng thú và khám phá của người Pháp, Suez được xây dựng trong vòng 10 năm bởi những nông dân địa phương và những nhân công lao động cưỡng bức. Về sau, các công nhân châu Âu cũng góp sức vào công trình này.

Những vấn đề về tài chính đã buộc thống đốc người Ottoman của Ai Cập phải bán cổ phần kiểm soát con đường thủy này cho Anh vào năm 1875.

13 năm sau, một hội nghị thượng đỉnh đa quốc gia đã đi đến một thỏa thuận rằng tất cả các nước sẽ được sử dụng miễn phí con kênh này, cả khi hòa bình lẫn lúc chiến tranh.

Vị trí của kênh đào Suez đã biến nó trở thành một điểm nóng trong cả hai cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20: Thế chiến thứ nhất, khi quân Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng tấn công kênh đào từ phía đông, và Thế chiến thứ hai khi đội quân Afrika Korps của Đức Quốc xã tìm cách làm điều tương tự từ phía tây.

Tuy nhiên, con kênh vẫn thuộc sự kiểm soát của Anh cho đến khi được Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa vào năm 1956, châm ngòi cho Cuộc khủng hoảng Suez kéo theo các mối đe dọa xâm lược từ Israel, Pháp và Anh.

Diễn biến này đe dọa làm nổ ra chiến tranh, cho đến khi áp lực từ Mỹ và các nỗ lực ngoại giao từ Liên hợp quốc non trẻ bắt buộc một giải pháp phải được đưa ra.

Trước đây Suez đã từng bị đóng cửa trong 8 năm kể từ năm 1967, nó đã trở thành biên giới giữa Ai Cập và Israel khi hai nước này có chiến tranh, một cuộc xung đột khiến hơn một chục con tàu - được gọi là Hạm đội Vàng - bị mắc kẹt tại kênh trong suốt thời gian đó.

Chuyện gì đang xảy ra?

Việc lai dắt tàu Ever Given hiện đang vắt ngang con kênh có thể mất "vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào tình hình," theo giám đốc điều hành của Boskalis, người anh em của công ty SMIT hiện đang thực hiện công tác giải cứu con tàu.

Tối thứ Tư vừa rồi, Peter Berdowski đã chia sẻ trên sóng truyền hình Hà Lan rằng công ty của ông xác định rằng việc giải phóng con tàu trong tình trạng hiện tại là bất khả thi. "Không thể kéo được con tàu với sức nặng như bây giờ," ông nói."Mọi người có thể quên chuyện đó đi."

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thương mại thế giới đang gặp rắc rối. Công ty bảo hiểm hàng hải hàng đầu Allianz cho biết các con tàu "sẽ phải đối mặt với những sự thay đổi lộ trình tốn kém và kéo dài nếu kênh đào không sớm được khai thông." Việc chuyển hướng các tàu đi qua cực nam của châu Phi sẽ khiến hành trình của chúng kéo dài thêm hai tuần.

Các tàu không thể đi qua Kênh đào Suez, phải chờ đợi ở Hồ Great Bitter hôm thứ Năm vừa rồi. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, theo báo cáo từ các trang web giám sát giao thông hàng hải và các công ty thông tin dữ liệu vận chuyển, một số tàu không thể tránh được việc phải lựa chọn đi vòng qua con kênh bị chặn.

Ngay cả trước khi tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đã phải căng mình ra vận hành, khiến việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới trở nên đắt đỏ hơn nhiều và gây ra tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ xe đạp tập thể dục đến pho mát tại thời điểm nhu cầu tăng cao chưa từng có.

Hơn 80% khối lượng thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và những sự gián đoạn này đang làm tăng thêm hàng tỷ USD vào chi phí chuỗi cung ứng.

Theo S&P Global Platts, trên toàn cầu, chi phí trung bình để vận chuyển một container 40 feet đã tăng từ 1.040 USD vào tháng 6 năm ngoái lên 4.570 USD vào ngày 1/3.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc tắc nghẽn kênh Suez sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới người tiêu dùng. Nhưng trong một lưu ý với khách hàng được đưa ra hôm thứ Sáu tuần này, các nhà phân tích của Commerzbank cho biết sự cố này có thể khiến dầu trở nên đắt hơn với người tiêu dùng do chi phí cho tàu chở dầu tăng lên./.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Trung Quốc trang bị những 'vũ khí' gì cho cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ?

Quốc tế  |  06:06 24/11/2024

Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu 10 yếu tố hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học

Giáo dục  |  05:45 24/11/2024

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".

Đổi mới công tác nữ công theo hướng thiết thực, hiệu quả

Đoàn - Hội  |  05:43 24/11/2024

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC