Nắng cuối đông chẳng vàng như mật, nhưng cũng đủ rắc một thứ ánh sáng lấp lánh trên những cánh đồng làng. Ông Đặng Khắc Vinh, chủ một vườn bưởi ở tổ dân phố Du Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: “Vườn bưởi này đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, một chương trình về phát triển kinh tế ở địa phương”. Ở Du Long có nhiều hộ trồng bưởi, họ thành lập tổ hợp tác để bảo nhau cùng làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.
Ông Đặng Khắc Vinh nói rằng, cuộc sống bây giờ khấm khá hơn xưa nhiều. Trước, người dân còn lo bị đói, nghèo, nay thì lo làm giàu và giữ sức khỏe, mở mang kiến thức và cho con em học hành đến nơi, đến chốn. Địa giới giáp với Du Long là ngoại thành Hà Nội, nối với Du Long bằng con đường bê tông phẳng sạch sẽ, rộng thênh thang. Ông Vinh vẫn hay nói đùa: “Chúng tôi vừa đi thủ đô ăn sáng trở về”. Làng trong phố, nói vậy là bởi người Du Long vẫn giữ nếp làng, vẫn có phên giậu ngăn cách những khu vườn trồng cây ăn quả. Hay ở chỗ, dù đô thị hóa “gõ cửa” từng nhà, nhưng nết ăn, nết ở vẫn được người dân gìn giữ, tình làng, nghĩa xóm vẫn được chắt chiu, thuần hậu. Ông Đặng Khắc Vinh vui lắm, vì phố hôm nay dựng lên trên làng hôm qua thì không thể đổi tính, đổi nết, có khác chỉ là nội lực lớn hơn, kinh tế khá giả.
Thu hàng tỷ đồng một năm nhờ bưởi quả là đáng để nghĩ lắm. Tôi đem câu chuyện ấy nói với Giám đốc HTXDVNN phường Châu Giang. Trong căn phòng nhỏ của trụ sở HTX, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc HTXDVNN phường Châu Giang chậm rãi pha trà mời khách, hương trà thoảng thoảng khắp phòng. Ông Trung nhớ lại thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM). Khi đó mấy ai hình dung được NTM sau này sẽ ra sao, hình dáng thế nào, chỉ biết đây là chủ trương lớn nên cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng quyết tâm thực hiện. Thế nên, chỉ trong vòng 4 tháng năm 2012, 13/16 thôn trong xã hoàn thành kế hoạch dồn ruộng. Khi đã có ô thửa lớn, người dân góp sức làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp và mở rộng đường trục chính nội đồng lên 5m, đường nhánh rộng trên 3,5m. HTXDVNN Châu Giang sắm máy làm đất, máy cấy để phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, thuận đường để cơ cấu lại sản xuất. Giám đốc HTX Lưu Văn Trung nhận mình là “người yêu máy móc”, chẳng thế mà Châu Giang có dịch vụ máy cấy và cả máy phun thuốc trừ sâu. Nông dân trồng lúa có thể thuê dịch vụ trọn gói.
Đi qua Du Long là tới xã Mộc Bắc. Mộc Bắc là xã duy nhất của thị xã Duy Tiên vừa được công nhận xã NTM kiểu mẫu. So với 10 năm trước, Mộc Bắc giờ đã “thay da, đổi thịt” rất nhiều. Nói vậy là bởi, nội lực phát triển kinh tế - xã hội của Mộc Bắc đang lớn dần. Mộc Bắc có đàn bò sữa bằng một nửa tổng đàn bò sữa của cả tỉnh, chưa kể khu nuôi trồng thủy sản, những mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi cá ứng dụng công nghệ cao. Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc Phạm Công Sứ không giấu được niềm vui khi nói về thành quả xây dựng NTM của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo ở Mộc Bắc giảm nhanh, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,3 triệu đồng/năm.
Điều khiến đồng chí Sứ mong mỏi nhất chính là xây dựng Mộc Bắc thành làng quê đáng sống, hưng thịnh, có kinh tế phát triển, văn hóa đổi mới, an ninh trật tự được giữ vững. Để làm được điều ấy, cùng với phát triển kinh tế, Mộc Bắc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, cải tạo đường hoa, trồng cây xanh, dọn vệ sinh môi trường. Mộc Bắc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” và mô hình “Xã không có tệ nạn về ma túy và mại dâm”. Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc Phạm Công Sứ nói, tôn tạo diện mạo làng quê không khó, khó ở chỗ vận động người dân giữ văn hóa ở làng. Việc này phải do dân thực hiện, chỉ có người dân mới làm được điều ấy và khi dân làm và dân hưởng thụ thì làng quê mới trở thành nơi đáng sống. Vì vậy, các thôn/xóm ở Mộc Bắc đã thành lập các tổ tự quản, xây dựng hương ước, nội quy của làng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc giám sát thực hiện việc cưới, việc tang, thăm hỏi gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Có thể thấy, Mộc Bắc đã và đang làm rất tốt công tác dân vận trong xây dựng NTM, vừa khơi nguồn lực, vừa neo bền sức dân, quyết tâm xây dựng một miền quê đáng sống. Câu chuyện về dân vận trong xây dựng NTM gợi nhớ cho tôi nhiều điều. Tôi nhớ lần về xã Thi Sơn (Kim Bảng) - một trong những xã làm điểm xây dựng
NTM thời kỳ đầu của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Thi Sơn Đinh Văn Sáng thẳng thắn nói, “nếu dân không thuận thì chủ trương xây dựng NTM không thể đi vào thực tiễn. Bởi, dân không hưởng ứng thì việc dễ cũng khó. Dân đã đồng thuận thì khó đến mấy cũng xong”. Thi Sơn cũng đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu. Kể từ khi xây dựng NTM đến nay, Thi Sơn đã huy động được gần 300 tỷ đồng dành cho chương trình xây dựng NTM- một con số đáng mơ ước với nhiều địa phương. Nhờ thế mà giờ đây, Thi Sơn có cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang. Hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc UBND xã, chợ, nhà văn hóa trung tâm, nhà văn hóa thôn xóm đều được nâng cấp hoặc xây mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chương trình xây dựng NTM lan tỏa không chỉ bởi cách làm hay, có nhiều sáng tạo của chính quyền cơ sở, mà còn bởi vì nội hàm ý nghĩa lớn lao từ mục tiêu của chương trình đã khơi dậy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân. Có những câu chuyện về tấm gương điển hình trong xây dựng NTM thật đẹp. Người dân tự nguyện tháo dỡ công trình phụ, dịch giậu, chặt cây hiến đất và ủng hộ kinh phí cho địa phương xây dựng hạ tầng. Nhiều hộ ủng hộ kinh phí cho chương trình, như gia đình bà Nguyễn Thị Thoa, xã Đinh Xá (TP Phủ Lý) đóng góp, ủng hộ gần 12 tỷ đồng; hộ bà Đào Thị Lơ, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) ủng hộ 900 triệu đồng; ông Trần Thế Tuấn xã Bồ Đề (Bình Lục) hiến 300m2 đất vườn; bà Nguyễn Thị Hà ở phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) hiến 540m2 đất vườn, ao... Cũng nhờ chương trình xã hội hóa mà nguồn lực đầu tư xây dựng NTM tăng thêm. Riêng về vốn, tổng nguồn vốn đã huy động trong giai đoạn 2010 – 2020 cho chương trình xây dựng NTM ở tỉnh ta khoảng 30.935 tỷ đồng, bình quân đạt trên 2.812 tỷ đồng/năm. 83/83 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 6/6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 19 tiêu chí, tăng bình quân 13,3 tiêu chí/xã so với năm 2010. Hiện nay, nhiều xã đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Nhà nước hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy phát triển. Khi kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khấm khá. Đó là nội lực NTM!
Có một NTM đã hình thành, người dân là chủ, được làm chủ và được hưởng những thành quả của chương trình xây dựng NTM mang lại - đồng chí Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lý Nhân đã nói như thế. Sau 10 năm xây dựng, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Lý Nhân ngày càng khang trang và đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững... Điều khiến đồng chí Trần Minh Ngọc cảm thấy tâm đắc nhất chính là sự thay đổi về nhận thức. Sự thay đổi ấy có thể đo bằng lượng, được đánh giá ở góc độ đa chiều. Đó là đổi mới trong tư duy lãnh đạo và phương pháp tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở. Người dân phát huy vai trò chủ thể, làm đường, trồng hoa, dọn vệ sinh môi trường...
Tôi thích cách ví von của đồng chí Trần Minh Ngọc. Sự hài lòng của người dân chính là thước đo chất lượng chương trình xây dựng NTM. Kết quả đó được thể hiện thông qua phiếu đánh giá 11 nội dung, với tỷ lệ hài lòng rất cao. Riêng nội dung 11 (sự hài lòng với kết quả xây dựng NTM), Lý Nhân nhận được 98,8% số phiếu của người dân hài lòng.
Đi, nghe và viết, tôi thấy rõ sự đổi thay trên khắp các nẻo đường. Xây dựng NTM làm cho cuộc sống của người dân sung túc hơn. Nhưng mặt trái của đô thị hóa đã len lỏi vào từng ngõ, từng nhà. Người ta sợ tệ nạn xã hội làm hư con em mình, làm mai một sự thân thiện, tắt lửa tối đèn, tình làng nghĩa xóm. Thế mới biết, sự giàu có về vật chất cũng cần được chuẩn bị, nếu không sẽ làm bợt bạt tâm hồn. Vẫn biết, đó là số ít, còn đa phần giá trị văn hóa ở làng vẫn được chăm chút, giữ gìn. Ấy là cách người dân giữ hồn quê ở lại. Hồn quê gắn với đạo đức, lối sống của con người. Môi trường lành mạnh sẽ bồi đắp nên văn hóa làng, với những con người nhân hậu, nết ăn, nết ở, tương thân, tương ái như bầu bí chung giàn.
Xây dựng NTM có thể coi như một cuộc cách mạng phát triển, với nhiều chặng đường tiếp nối nhau, cần nhiều nguồn lực đầu tư. Vậy nên, sức dân vẫn cần được bền. Lắng nghe cảm xúc của dân, khoan thư sức dân một cách hợp tình, hợp lý vẫn được xem là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị./.
Sáng ngày 03/12/2024, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, sự kiện ra mắt và trao quyết định thành lập BNI Flag Chapter – Chapter đầu tiên tại tỉnh Hà Nam, đã diễn ra thành công rực rỡ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho cộng đồng doanh nhân khu vực.
Chiều 3/12, tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc Cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025.
Chiều 3/12, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.