Trò chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Xuân Thủy, Trưởng thôn, Trưởng ban quản lý di tích đình Yên Trạch cho biết: Đình làng Yên Trạch thờ Triệu Việt Vương (Phục Công, Triệu Quang Phục). Tương truyền, xưa kia, Triệu Việt Vương đã từng đi qua và nghỉ chân tại làng Yên Trạch. Để tưởng nhớ công ơn của ông, từ khi ông hóa, người dân đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng, tuần tiết hương nhang thờ phụng. Ngoài ra, trong dân gian còn tương truyền, người dân Yên Trạch gốc từ đầm Dạ Trạch lưu lạc về nơi đây sinh sống. Sau khi lập làng, lập ấp người dân Yên Trạch đã về đầm Dạ Trạch xin chân nhang Triệu Việt Vương về thờ phụng.
Theo những tư liệu lịch sử được lưu giữ tại đình: Phục Công (Triệu Quang Phục) là con trai của Triệu Túc (người ở huyện Chu Diên, sinh cơ lập nghiệp ở Thái Bình), vợ họ Nguyễn. Nhờ chăm chỉ học hành, từ nhỏ Phục Công là người hiểu biết sâu rộng, giỏi cung tên, võ nghệ. Năm 23 tuổi, Phục Công theo giúp Lý Bôn đêm ngày bàn mưu, tính kế đối phó với quân Lương. Thấy Phục Công có tài văn võ nên Lý Bôn rất tin dùng. Đánh thắng quân Lương, Lý Bôn lên ngôi Hoàng đế, lấy Vương hiệu là Lý Nam Đế, Quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên, phong Phục Công là Tả tướng quân, sau lấy tên là Triệu Quang Phục. Khi vua nhà Lương cử Dương Phiêu cùng Trần Bá Tiên đem 30 vạn binh mã sang đánh Lý Nam Đế để trả mối thù bị thua, thế giặc mạnh, đánh một trận Lý Nam Đế phải rút về cửa sông Tô Lịch. Quân Lương tiếp tục đuổi theo, Lý Nam Đế rút vào động Khuất Lạo – Phú Thọ, Hựu Linh để củng cố lực lượng. Ở động Khuất Lạo, không may Lý Nam Đế bị ốm, họ Lý lại không có người đi theo phù tá nên Lý Nam Đế phong Triệu Quang Phục làm Đại tướng quân, giao mọi quyền hành cho Triệu Quang Phục. Lý Nam Đế mất, khi đó nhuệ khí quân Lương đang mạnh, Triệu Quang Phục không cự nổi phải thu quân về Sơn Nam, phủ Khoái Châu, huyện Đông An, chọn đầm Dạ Trạch là nơi hiểm địa, ngựa và người đi lại rất khó khăn... làm căn cứ để phát triển lực lượng, chiến đấu với quân Lương.
Năm Kỷ Tỵ, lực lượng quân Lương còn rất mạnh, lực lượng của Triệu Quang Phục mỏng nên ông đã đi các nơi để chiêu dụ anh hùng hào kiệt đồng tập, hiệp lực trừ giặc, cứu nước. Khi cùng các anh hùng hào kiệt ứng mộ được hơn 7 vạn người, ông thiết lập đàn tràng ở đầm Dạ Trạch để cầu tế bách thần phù hộ giúp nước. Sau 3 ngày, bỗng thấy mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm, có một ông già cưỡi một con rồng vàng từ trên trời đi thẳng xuống trút móng và vây rồng, báo rằng: Vận nước thịnh hay suy số trời đã định, ta cho cái Long Trảo (móng rồng) này để chế tạo thành Long Trảo thần cung, nếu có giặc đến thì đem ra ứng chiến. Từ khi có Long Trảo thần cung, giao chiến với quân Lương, Triệu Quang Phục đánh thắng hàng chục trận, chém được tướng giặc, quét sạch ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Đất nước sạch bóng quân thù, Triệu Quang Phục thu quân đóng đô ở thành Long Biên, tự xưng là Triệu Việt Vương.
Tháng giêng, mùa Xuân năm Tân Mão, Lý Phật Tử (có họ với Lý Nam Đế) cùng con trai là Nhã Lang bí mật đem 10 vạn hùng binh tấn công Triệu Việt Vương. Mất cảnh giác (do không biết Long Trảo thần cung đã bị Nhã Lang đánh cắp), ngày 25 tháng giêng vua mới khao quân sĩ, chuẩn bị voi, ngựa đợi quân của Lý Phật Tử đến để chiến đấu. Do bị mất Long Trảo thần cung, trong khi quân của Lý Phật Tử đông, thấy không cự nổi vua bèn đem theo 3 vị cung phi và con gái chạy về phía Nam, chọn nơi hiểm địa để tạm trú và cự chiến. Nhưng quân của Lý Phật Tử quá mạnh, vua và 3 vị cung phi chạy đến cửa bể Đại Nha (nay là ngã ba Tam Tòa) tự hóa tại đó.
Nói về Lễ hội Chạy ngựa của làng, ông Đỗ Đức Định, Bí thư Chi bộ thôn Yên Trạch cho biết: Theo các cụ truyền lại, Lễ hội Chạy ngựa mô phỏng lại hình ảnh đầy khí phách của Triệu Việt Vương trước khi trẫm mình tại cửa biển Đại Nha. Hội làng có từ lâu đời, nhưng do chiến tranh loạn lạc nên bị gián đoạn, từ năm 1988 được khôi phục lại và duy trì cho đến ngày nay.
Năm nào cũng vậy, để bảo đảm hội làng diễn ra trang trọng, đông vui, từ trước Tết Nguyên đán, Ban quản lý di tích đình tổ chức họp phân công nhiệm vụ cụ thể. Ngày 18, 19 tháng giêng, người dân trong thôn tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Từ ngày 20-22, Ban quản lý di tích tổ chức gói bánh cốm tại đình, ngày 23 tổ chức giã bánh giầy, mỗi loại làm khoảng trên 1.000 chiếc để cúng Thành hoàng và làm lộc cho mọi người lên đình tế lễ, công đức. Theo tương truyền, đây là hai loại bánh được Triệu Việt Vương dùng làm lương và khao quân trong trận đánh với Lý Phật Tử ngày 25 tháng giêng thuở trước.
Khi các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 24, làng Yên Trạch tưng bừng tổ chức rước 3 cỗ kiệu: Long Đình, Bát Cống và Kiệu Võng ra xóm Cống (trước kia thuộc làng Yên Trạch, nay thuộc thôn Chợ Cầu, được giao nhiệm vụ chuẩn bị ngựa) rước ngựa về chầu tại cửa đình (mỗi ngựa đầu cao khoảng 1,2m, thân dài từ 6-8m, đuôi là ngọn tre). Theo đúng lệ xưa, ngựa đỏ đi trước (tượng trưng cho ngựa quan võ), ngựa vàng đi giữa (tượng trưng cho ngựa của vua), ngựa trắng đi cuối (tượng trưng cho ngựa quan văn). Mỗi ngựa làng chọn 6 thanh niên khỏe mạnh để khiêng. Đi theo 3 ngựa là 3 cụ cao niên có sức khỏe, có uy tín, đức độ, gia đình vẹn toàn, cháu con thành đạt để phù ngựa (chạm tay và đi theo ngựa). Ngoài ra, mỗi ngựa còn có 3 người gánh cỏ, 3 người gánh mía đi theo... Không khí lễ rước hết sức đông vui, tưng bừng, phấn khởi...
Khi ngựa được rước về chầu tại đình làng, lúc ấy các cụ ông mới tổ chức tế cáo yết xin mở hội. Chiều ngày 24 tổ chức tế nữ quan. Từ 16 giờ ngày 24, dân làng bắt đầu ra lễ ở đình, ở phủ rất đông; buổi tối làng tổ chức liên hoan văn nghệ. Sáng ngày 25 - ngày chính hội, làng tổ chức dâng hương, đại diện thôn có diễn văn khai hội. Trong diễn văn có thông báo nhanh kết quả thôn đạt được trong một năm; phương hướng, nhiệm vụ trong năm tới. Tiếp đến là đại diện con em ở xa phát biểu cảm tưởng về lễ hội, về sự đổi thay của quê nhà. Sau phần khai hội là phần lễ tế chính của các cụ ông. 11giờ các cụ ông tế khao, 11h30 phát lệnh "tẩu mã". Khi lệnh "tẩu mã" được phát ra, các cỗ ngựa bắt đầu chạy 3 vòng quanh đình, sau đó chạy 3 vòng quanh hồ của làng, đến cuối vòng thứ 3 ngựa lao xuống hồ.
Ông Đỗ Xuân Thái, Trưởng ban các cụ lão ông thôn Yên Trạch chia sẻ thân tình: Tết Nguyên đán đã vui, nhưng với người dân Yên Trạch lễ hội làng còn vui hơn rất nhiều. Hội làng mở dịp đầu xuân, người dân làm ăn, sinh sống xa quê về dự rất đông. Nhiều người con xa quê có thể Tết Nguyên đán không về được nhưng luôn chủ động sắp xếp thời gian về dự hội làng đông đủ. Ngoài phần hội đông vui, người dân còn thành kính dâng lễ tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng; cầu may, cầu an cho gia đình trong năm mới. Nhà nào cũng làm bánh cốm, giã bánh giầy để lễ Thành hoàng, lễ tổ tiên và làm quà cho những người ở xa. Không chỉ người Yên Trạch, du khách thập phương khi về dự hội, cầu an và công đức tại đình đều được nhận lộc là những chiếc bánh cốm, bánh giầy dẻo thơm, mềm ngọt - đặc sản do chính tay những người dân Yên Trạch làm ra để lấy may.
Đầu Xuân năm mới, về Yên Trạch dự Lễ hội Chạy ngựa, lên đình thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức của Triệu Việt Vương, thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh cốm, bánh giầy... cảm nhận rõ được niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi, niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của người dân, của du khách vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp mới. Thời gian lặng lẽ trôi, làng Yên Trạch giờ đổi thay nhiều, nhưng người dân Yên Trạch luôn tự hào về Lễ hội Chạy ngựa - nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy./.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sáng 25/11, tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam, Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tại Hà Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029.
Tỉnh ta xác định, cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Cải cách hành chính lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.