10 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội nổi bật tỉnh Hà Nam năm 2020

Chính trị 06:23 10/02/2021 PV
Nhân dịp đón Xuân Tân Sửu 2021, Báo Hà Nam bình chọn 10 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội nổi bật năm 2020.

Năm 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta tiếp tục được duy trì ở mức khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường; công tác xây dựng Đảng được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng...

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp.

Sáng 21/9/2020, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, đã khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ”. Tham dự Đại hội có 322 đại biểu chính thức đại diện cho 50.604 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội. Ảnh: Thế Trang

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 48 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 họp phiên thứ nhất đã bầu 14 đồng chí vào BTV Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khoá XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 được bầu tái cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí: Trương Quốc Huy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy khóa XIX, Bí thư Thị ủy Duy Tiên; Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên khóa XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX là đại hội cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước.

2. Chiều ngày 11/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những thành tựu, bứt phá của Hà Nam trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua. Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh quyết tâm hơn nữa hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đồng thời có những giải pháp đột phá để sánh bước với các tỉnh trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Tân Xuân

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh để bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nam tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, có những đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tư duy đột phá trong phát triển, bảo đảm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phấn đấu sớm tự cân đối thu chi ngân sách.

3. Sáng ngày 17/10/2020, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890 – 20/10/2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam.  Ảnh: Mai Hương

Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Hà Nam luôn kế thừa truyền thống văn hiến và cách mạng, tranh thủ thời cơ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nguồn lực địa phương, tạo bước đột phá vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, dần trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 10%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 23,6%/năm.

4. Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2268/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Đường nông thôn mới ở xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Thanh Châu

Đến nay, Hà Nam có 83/83 xã (100%) số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 6/6 huyện, thành phố, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2020 tỉnh đã huy động được gần 40 nghìn tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. 

5. Hà Nam đứng trong top 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút nguồn vốn FDI. Trong năm 2020, các KCN tỉnh đã thu hút được 24 dự án FDI, với tổng nguồn vốn đầu tư mới và điều chỉnh hơn 760 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu vẫn chọn Hà Nam làm điểm “dừng chân’’.  Những con số trên khẳng định chủ trương đúng đắn cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Điển hình, tỉnh ta đã thu hút được nhà đầu tư Wistron Corporation của Đài Loan (Trung Quốc) vào KCN Đồng Văn III giai đoạn II với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 273 triệu USD chuyên sản xuất màn hình LCD, máy tính, thiết bị âm thanh; Công ty TNHH Qisda Corporation – doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), cùng với các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư vào KCN Đồng Văn IV. Qisda Corporation là doanh nghiệp chuyên gia công màn hình hiện thị và máy chiếu top 10 thế giới, trực thuộc Tập đoàn BenQ nổi tiếng toàn cầu.

Công ty TNHH Park Electronics Vina, KCN Đồng Văn IV (Kim Bảng) đã đi vào sản xuất ổn định, phát triển. Ảnh: Hân Hân

Bên cạnh nguồn vốn FDI, trong năm 2020, Hà Nam tập trung thu hút đầu tư của những doanh nghiệp lớn trong nước. Năm 2020, UBND tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hồng Đức. Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, có quy mô lớn, có sức lan toả và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển công nghiệp của tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước chung.

6.Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Duy Tiên. Tối 11/1/2020, tại KCN Hòa Mạc, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Duy Tiên thuộc tỉnh Hà Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Duy Tiên cho Thường trực Thị ủy Duy Tiên. Ảnh: Xuân Tân

Theo đó, thành lập thị xã Duy Tiên trên cơ sở toàn bộ 120,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 154.016 người của huyện Duy Tiên. Sau khi thành lập, thị xã Duy Tiên có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường (Bạch Thượng, Châu Giang, Duy Hải, Duy Minh, Đồng Văn, Hòa Mạc, Hoàng Đông, Tiên Nội, Yên Bắc) và 7 xã (Chuyên Ngoại, Mộc Bắc, Mộc Nam, Tiên Ngoại, Tiên Sơn, Trác Văn, Yên Nam). 

7. Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 10.784,2 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019 và đạt 118% dự toán Trung ương, 116% dự toán địa phương giao (trong đó thu nội địa đạt 8.915,8 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.868,4 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách đạt 10.285 tỷ đồng; trong đó chi cân đối 9.324,9 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019.

Trên dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty HONDA Việt Nam, KCN Đồng Văn II.  Ảnh: Thế Tân

8. Hà Nam tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hỗ trợ cùng cả nước phòng, chống đại dịch nguy hiểm này. Đã có 7 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có 2 người trong tỉnh, 3 người là nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, và 2 người nhập cảnh được điều trị khỏi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh trao giấy ra viện cho bệnh nhân 620. Ảnh: Đỗ Hồng

Đến ngày 31/12/2020, đã có tổng số 8.190 người được cách ly phòng, chống dịch, trong đó 8.094 người đã hoàn thành cách ly, 96 người đang cách ly. Số người đã cách ly tại nơi cư trú là 6.048 người; số người đã cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là 1.675 người; cách ly qua cơ sở y tế là 371 người. Ở thời gian dịch căng thẳng, toàn tỉnh cũng đã có 3 khu dân cư thực hiện việc cách ly phòng dịch. Nỗ lực trong công tác phòng chống Covid-19 đã góp phần khống chế, ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng. Cùng với thực hiện tốt công tác phòng dịch Covid-19, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.  

9. Hà Nam duy trì được thứ hạng là tỉnh có số điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT trong top 10 cả nước. Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT đã có 50/74 học sinh đoạt giải.

Một tiết học của học sinh Trường THPT B Phủ Lý. Ảnh: Thanh Hà

Các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục cũng được toàn ngành triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 364 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (đạt tỉ lệ 98,38%), 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về công tác phổ cập. 

10. Hà Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ kết nối internet; tỷ lệ trung bình về trang bị máy tính/cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp huyện trở lên đạt 100%, cấp xã trên 75%. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành dùng chung được triển khai tới 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. 25/25 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày, đồng thời gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Vân Thanh

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh cũng đã được kết nối liên thông với trục liên thông quốc gia và tích hợp chữ ký số; bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến trung ương, tạo thuận lợi trong việc ký số văn bản điện tử. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam đã kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia. Toàn tỉnh đã có 81 dịch vụ công mức độ 4 đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia./. 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC