Những tỷ phú 8X

Người tốt - Việc tốt 06:24 10/02/2021 Trần Ích
Muốn làm giàu, ngoài chăm chỉ, nỗ lực thì phải biết tận dụng thời cơ, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm và có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó là chia sẻ của nhiều thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình trồng hoa của anh Khổng Quang Toản, sinh năm 1990, thôn Đông Thành, xã Vũ Bản (Bình Lục). Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết phổ thông anh thi đỗ vào Khoa Trồng trọt, Học viện Nông nghiệp I Hà Nội. Năm 2012, tốt nghiệp ra trường, Toản được nhận vào làm việc cho một công ty giống cây trồng trên Hà Nội với mức thu nhập ổn định. Bố mẹ chưa hết vui mừng thì đã phải ngỡ ngàng khi năm 2015, nghe tin con trai từ chối cơ hội này để về quê với ý định xây dựng mô hình trang trại trồng hoa. 

Anh Toản nhớ lại: Bố mẹ luôn mong tôi học hành thành tài, kiếm được việc nhẹ nhàng, lương cao nên khi biết được ý định của tôi đã rất sốc. Bố mẹ hết khuyên nhủ, đến cấm đoán, rồi phản đối kịch liệt, nhưng thấy tôi quyết tâm thực hiện đến cùng nên đã cho mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay 500 triệu đồng, cộng với thông qua tổ chức đoàn địa phương, tôi được vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho thanh niên... 

Sau khi tham quan, học hỏi một số mô hình trồng hoa lớn trong và ngoài tỉnh, năm 2016, anh thuê 5 nghìn m2 đất của một số hộ dân không có nhu cầu sử dụng đất tại xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) với giá 300 nghìn đồng/sào/năm. Để phát triển mô hình của mình, anh Toản đã dày công cải tạo đất. Phải mất đến gần 6 tháng cần cù lao động, anh mới hoàn thành việc cải tạo, quy hoạch và xây dựng trên một nghìn m2 hệ thống nhà lưới với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng để trồng hoa công nghệ cao, gồm: các loại hoa như hoa cẩm chướng, yến thảo, cúc vạn thọ, ngọc thảo phục vụ trang trí ban công, sân vườn, công sở. Với vốn kiến thức được học và kinh nghiệm học hỏi được, anh Toản luôn chú trọng từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm bón, tạo tán để giúp cây chống chịu với thời tiết thất thường và sâu bệnh nên hoa luôn có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Anh Khổng Quang Toản, thôn Đông Thành, xã Vũ Bản (Bình Lục) chăm sóc hoa tại trang trại trồng hoa  của gia đình.

Sau gần 5 năm phát triển mô hình trồng hoa, đến nay, anh Toản đã mở rộng diện tích lên gần 10 nghìn m2 với gần 100 loại hoa. Trung bình mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng 100 nghìn chậu cẩm chướng, 200 nghìn chậu yến thảo và ngọc thảo, 50 nghìn cây lá màu, 40 nghìn cây trường sinh, trên 30 nghìn gốc cúc vạn thọ, 65 nghìn gốc hoa giấy các loại. Ngoài ra, anh còn phát triển một số loài hoa trồng ở các khu đô thị, tuyến đường trong thành thị, hoa treo tường, sân vườn tại hộ gia đình. Bằng mô hình trồng hoa, hiện nay, doanh thu mang lại cho gia đình khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mô hình của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. 

Cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm của anh Lại Tuấn Sơn, thị trấn Quế (Kim Bảng) thường xuyên giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là đoàn viên, thanh niên địa phương.

Cùng quan điểm như anh Toản, anh Lại Tuấn Sơn, sinh năm 1987, chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm, thị trấn Quế (Kim Bảng) cũng mạnh dạn bỏ nghề tiếp thị trên Hà Nội khi thị trường đã bão hòa để về quê giữ nghề truyền thống của ông cha để lại. Để phát triển nghề gốm truyền thống của địa phương, năm 2015, anh đã vận động anh em trong gia đình, một số thanh niên trong tổ dân phố góp vốn, thuê lại toàn bộ nhà xưởng của Hợp tác xã gốm Quyết Thành trước đây. Sau khi tu sửa lại nhà xưởng, nâng cấp hệ thống lò đốt truyền thống, cơ sở của anh còn mua thêm hệ thống máy nâng, lắp đặt 2 lò đốt bằng ga với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Hiện nay, trung bình hằng năm cơ sở sản xuất của anh cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm khác nhau từ chén uống nước, ấm pha trà đến chum, vò chứa nước, ngâm rượu và bình hoa. Các sản phẩm được đắp hình rồng, phượng hay đắp cỏ cây, hoa lá, ngày càng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, cơ sở của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Doanh thu mỗi năm đạt gần 5 tỷ đồng.

Anh Sơn chia sẻ: Theo mình, với những người trẻ, điều quan trọng nhất là được làm một công việc mình yêu thích và thực sự đam mê. Bên cạnh đó cũng cần tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện và biết tận dụng điều kiện, lợi thế mình đang có. 

Với những thành quả đạt được, vừa qua, hai anh Khổng Quang Toản, Lại Tuấn Sơn vinh dự là 2 gương mặt tiêu biểu của tỉnh được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng dịp tháng 12/2020 tại Thủ đô Hà Nội.

Đó là hai trong số hàng trăm thanh niên trẻ giàu nghị lực, chăm chỉ, biết nắm bắt thời cơ, tận dụng điều kiện lợi thế sẵn có để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Vẫn biết, con đường khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nếu có sự quyết tâm và nỗ lực hết mình, sự quan tâm hỗ trợ từ gia đình, các tổ chức đoàn thể, tin rằng sẽ có nhiều người trẻ thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp./.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tháng 1/2025, Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại

Môi trường - Đô Thị  |  17:52 22/12/2024

Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 134/158 nhiệm vụ năm 2024

Môi trường - Đô Thị  |  14:08 22/12/2024

Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Ban CHQS thành phố Phủ Lý gặp mặt gia đình quân nhân

Quốc phòng  |  12:50 22/12/2024

Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC