Mang mối thù nhà, nợ nước, nghe lời truyền hịch cứu nước của Trưng Nữ Vương, Lê Chân đã đem nghĩa quân theo Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Đây là cuộc đấu tranh vũ trang đánh giặc, cứu nước oai hùng của những nữ tướng đầu Công nguyên trong lịch sử nước ta. Những nữ tướng tuổi đôi mươi, dưới ách thống trị của giặc phương Bắc đã sớm có chí hướng mưu đồ nghiệp lớn. Dưới cờ tụ nghĩa, các nữ tướng đã cùng nhân dân cả nước khởi nghĩa đuổi giặc Hán.
Kỳ tích anh hùng đó, tinh thần bất khuất đó đã khiến hình bóng và anh linh của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng luôn được nhân dân ngàn đời hương khói phụng thờ. Nữ tướng Lê Chân - Chưởng quản binh quyền, nữ tướng miền biển, đền thờ của bà có ở 4 nơi: Quảng Ninh quê cha đất mẹ; Hải Phòng nơi khai phá đất đai, chiêu mộ anh tài nuôi nghiệp lớn; Hà Nội nơi bà lập sới vật rèn luyện quân sĩ và Hà Nam nơi đặt căn cứ địa và cũng là nơi bà tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết sau khi quân Hán phản công đánh bại cuộc khởi nghĩa.
Núi Giát Dâu là ngọn núi cao nhất vùng Lạt Sơn, nơi đây ngày 13 tháng 7 năm 43, không địch lại giặc Hán, nữ tướng đã tuẫn tiết gieo mình từ trên đỉnh núi xuống thung lũng. Nhân dân trong vùng tưởng nhớ lập bàn thờ dưới chân núi, xây dựng chùa và đền thờ bà, nơi này vẫn còn dấu tích trong rừng Lạt Sơn. Theo ông Dương Hồng Ngàn, Trưởng Ban quản lý di tích đền Lê Chân, đền thờ bà trước đây được xây dựng trên đồi Ông Tượng. Một hôm chiếc nón thờ trong đền tự nhiên bay về đậu xuống mảnh đất là đền hiện nay nên nhân dân bèn chuyển đền về dựng tại đây. Nơi đền dựng là đầu làng và cũng là cửa rừng Lạt Sơn. Người dân Lạt Sơn xưa vào rừng lấy củi, làm nương rẫy đi qua đền rất thành kính, nghiêm trang. Ngoài tuần tiết mồng một, hôm rằm hằng tháng đèn hương, dân làng Lạt Sơn còn có lệ tế Thánh đầu xuân vào ngày mùng 6 tháng Giêng tại đền gọi là lễ Khai Sơn – mở cửa rừng, cầu mong dân làng vào rừng làm ăn được may mắn.
Đền Lê Chân hiện nay nằm trên Đường Lê Chân, thôn Hồng Sơn, mặt chính điện quay hướng Nam. Trước cửa đền ngày trước là sông Ngân – chi lưu của sông Đáy, phía sau đền gối vào đồi Ông Tượng. Trò chuyện với nhiều người dân vùng Lạt Sơn họ đều nhớ đến các kỳ lễ hội ở đền, trong đó lễ hội lớn nhất là vào ngày 13 tháng 7 hằng năm, ngày hóa của nữ tướng. Sông Ngân bắt nguồn từ địa phận thôn Đồng Sơn, xã Liên Sơn, chạy men theo dãy núi qua các thôn Bút Sơn, Lạt Sơn của xã Thanh Sơn (Kim Bảng), qua thị trấn Kiện Khê rồi lại đổ nước vào sông Đáy ở địa phận thôn Đò xã Thanh Thủy (Thanh Liêm). Tháng 7, mùa nước lên muốn sang hội đền, người dân phải men theo chân núi, men theo mép sông đội lễ sang dự. Năm nào nước cao người dân đi ven triền núi, nước thấp lội sát bờ để đến đền. Đi lại hiểm trở nhưng hội đền bao giờ cũng đông du khách trẩy hội. Họ từ các tỉnh xung quanh đổ về tế lễ, hầu bóng, tham dự các trò chơi. Các trò hội ở đền thường có đua thuyền câu giữa các giáp trong làng, leo cầu phao, đánh cờ, chọi gà.
Nhớ nhất với ông Dương Hồng Ngàn cũng như dân thôn Lạt Sơn là từ khi con đê sông Ngân được xây dựng, người dân không còn đi bộ mà đi thuyền tham dự lễ hội. Khách đi hội lên thuyền từ sông Đáy, vào sông Ngân hoặc lên thuyền từ bến sông đầu làng vào hội đền.
Ông Ngàn cho biết năm mười tuổi ông đã biết theo bố chèo thuyền chở khách đi hội. Hội đền trước bắt đầu từ ngày mùng 1 đến hết ngày 13/7 âm lịch hằng năm, những ngày đó trên bến dưới thuyền, đông vui tấp nập. Ngày 13 là ngày chính hội, vào sáng sớm dân làng và du khách về tập trung tại đền làm lễ rước kiệu vào đình làng. Đoàn rước theo đường thủy vì thế số lượng thuyền khá nhiều với đủ loại thuyền lớn nhỏ, có thuyền đinh, thuyền câu, thuyền nan, thuyền thúng… Đi đầu đoàn rước là thuyền chở đội chiêng trống, phường bát âm, tiếp sau là đội cờ thần, bát biểu, chấp kích và hai thuyền đinh lớn chở kiệu rước. Thuyền chở kiệu rước bát hương và lễ vật đi trước, thuyền chở kiệu rước long ngai và tượng nữ tướng bằng đồng đi sau. Hai bên kiệu đều có thuyền nan chở người dâng tàn, lọng che kiệu. Sau hai thuyền rước kiệu là thuyền chở đội tế, thuyền chở đại diện các chức sắc trong làng và du khách thập phương. Đến bến sông đầu làng, đoàn rước dừng lại, lên bờ sắp xếp đội hình vào đình tế thành hoàng làng. Tế xong thụ lộc tại đình, đến đầu giờ chiều, dân làng lại tổ chức rước hồi từ đình về đền, làm lễ an vị, lễ tạ đóng cửa đình kết thúc lễ hội.
Người dân đi lễ hội đền Lê Chân đông bởi sự ngưỡng vọng công ơn của bà, trong lòng dân thôn Lạt Sơn và nhân dân quanh vùng bà còn là “Quốc Mẫu nữ Chúa” là mẹ tinh thần nơi núi thiêng, rừng sâu, thung rộng che chở, bảo vệ, ban phúc cho mọi người. Những thâu đêm suốt sáng hát văn hầu đồng trong những ngày hội lễ đã chứng tỏ không khí linh thiêng của ngôi đền. Những trò hội đặc trưng càng làm nức lòng người dân trẩy hội.
Đền Lê Chân hiện nay được xây dựng lại trên nền ngôi đền cũ, sông Ngân trước cửa đền đã bị lấp, phía trước là Đường Lê Chân dẫn vào các nhà máy, khu công nghiệp. Tổng thể kiến trúc khu đền gồm: Đền chính, phủ bóng, động Sơn trang, nhà khách và các công trình phụ trợ tạo thành một quần thể khép kín với diện tích trên 4.000m2. Trên sân, trước cửa đền tượng nữ tướng đứng oai nghiêm, tuốt kiếm hướng mặt về căn cứ địa xưa. Bức tượng được dựng trước khi xây lại đền (năm 2006) và được phỏng tác theo mẫu tượng nữ tướng ở đền Thủy An (Quảng Ninh) là nơi sinh của bà. Đền thờ Nữ tướng Lê Chân mãi mãi là địa chỉ tâm linh của người dân thôn Lạt Sơn và nhân dân trong vùng. Nhiều năm nay, đền Lê Chân ở Hà Nam đã kết nối được với đền thờ nữ tướng ở Quảng Ninh và Hải Phòng, vào những ngày lễ hội, các đoàn đại biểu, các đội tế đều có sự giao lưu và thực hành các nghi thức tế lễ thờ bà. Khoảng 5 năm nay, người dân thôn Hồng Sơn còn thành lập được Đội trống nữ với 35 chị em tham gia. Đội trống nữ thôn Hồng Sơn với những bài múa gợi lại không khí chiến trận xưa đã làm cho lễ hội đền thờ nữ tướng càng thêm sôi động và hứng khởi.
Khu đền thờ Nữ tướng Lê Chân ở Thanh Sơn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước. Đó là những công ơn không thể nào quên, chính quyền và nhân dân nơi đây đã và đang quan tâm tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho thế hệ trẻ; bảo vệ cảnh quan và biết giữ gìn, phát huy giá trị di tích để đền thờ nữ tướng tiếp tục trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của Hà Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.