Theo tờ Politico, năm 1801, nước Mỹ non trẻ, nhiều người háo hức chờ đợi cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình sau một cuộc bầu cử gay gắt. Tuy nhiên, ông John Adams thì không như vậy. Mới hơn 4 giờ sáng 4/3/1801, ông Adams đã bắt chuyến xe ngựa sớm và đi khỏi thủ đô Washington D.C. Bình minh dần lên trong những giờ cuối cùng ông làm tổng thống. Chiều hôm đó, Thomas Jefferson sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ ba của nước Mỹ. Ông Adams quyết định không ở lại để chứng kiến giây phút ấy.
Sự vắng mặt của ông tại sự kiện khi đó đã bị coi là phá vỡ truyền thống. Bốn năm trước đó, Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington đã đứng cạnh bục khi người kế nhiệm John Adams tuyên thệ.
Đó là khoảnh khắc quan trọng, một biểu tượng chuyển giao hòa bình hình thành nên nước Mỹ. Nhưng đây là lần đầu tiên một tổng thống thất bại trong tái tranh cử không muốn chứng kiến đối thủ lên ngôi. Người xem rất thất vọng.
Theo sử gia cấp cao tại Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, trong Hiến pháp Mỹ, không có quy định tổng thống sắp mãn nhiệm phải dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, Về mặt pháp lý, họ không buộc phải có mặt ở đó. Nhưng sự có mặt của họ lại là một điều quan trọng vì nó cho thấy niềm tin vào nền dân chủ.
Vì thế dư luận rất ngạc nhiên khi biết rằng John Adams, một trong những người lập quốc và là người xây dựng Hiến pháp Mỹ, lại bỏ qua truyền thống này. Nhưng vào năm 1801, ông Adams vẫn còn đang nuốt vị đắng sau chiến dịch tái tranh cử thất bại.
Với nước Mỹ khi đó, lễ nhậm chức của ông Jefferson đánh dấu khởi đầu kỷ nguyên mới, nhưng với ông Adams, đó là một giai đoạn đau lòng và khó khăn. Sau 4 năm thay thế Washington, ông Adams ngày càng không được lòng dân, bị chỉ trích vì lạm quyền, thuế cao… Năm 1800, ông Jefferson – khi đó là phó tổng thống của ông Adams – đã đứng ra tranh cử, thách thức ông Adams.
Đây là điều bất ngờ vì Adams và Jefferson cùng là nhà cách mạng, thậm chí là bạn bè. Nhưng năm 1800, cuộc chiến tranh cử đã mang tính chất cá nhân. Dù không ai tự vận động tranh cử cho bản thân, nhưng các tờ báo mới xuất hiện đã vui vẻ làm việc đó cho các ứng viên.
Trên tờ báo của người ủng hộ ông Adams, các bài viết cảnh báo rằng nếu ông Jefferson làm tổng thống, nước Mỹ sẽ tràn lan giết người, cướp bóc, cưỡng hiếp, ngoại tình…; không khí sẽ vang tiếng kêu của những người bất hạnh, đất sẽ nhuốm máu…
Trong khi đó, báo chí ủng hộ ông Jeffersons đã khắc họa ông Adams là nhà quý tộc già nua định phục hồi chế độ quân chủ, rất già, không răng, béo, hói… Ông còn bị đồn là có âm mưu cho con gái kết hôn với con trai Vua George III và hủy kế hoạch chỉ khi bị Washington rút kiếm đe dọa.
Kẻ thù của ông Adams không chỉ là những người thuộc đảng Cộng hòa. Alexander Hamilton, đối thủ của ông ở đảng Liên bang, đã trì hoãn nỗ lực đàm phán hòa bình với Pháp do ông Adams thực hiện và đăng một bài viết nói ông không phù hợp làm tổng thống. Hamilton là người mà ông Adams cho là nguyên nhân khiến mình thất cử. Thất bại này không phải là điều ngạc nhiên nhưng ông Adams không dễ nuốt trôi.
Mối quan hệ giữa Jefferson và Adams không khá lên trong những tháng trước giai đoạn chuyển giao quyền lực. Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi mà cả hai ứng viên cùng hòa phiếu đại cử tri, trong đó Hạ viện phải chọn tổng thống và đã chọn Jefferson, ông Adams đã liên tục đề cử các thẩm phán thuộc đảng Liên bang vào các tòa án.
Khi ông Jefferson lên bục Thượng viện để phát biểu nhậm chức, ông Adams đã gần tới Baltimore. Hai người không bao giờ gặp nhau lần nữa. Sau 11 năm im lặng, cả hai bắt đầu trao đổi thư từ tới năm 1826 và cùng chết vào ngày 4/7.
Tại sao ông Adams không tới dự sự kiện lớn? Không ai biết chắc chắn và rõ ràng là không ai yêu cầu ông giải thích. Sử gia John Ferling, tác giả cuốn "Adams vs Jefferson", cho rằng đây là một tình thế hoàn toàn mới. Có người chỉ trích ông Adams nhưng cũng có người thông cảm và cho rằng đó là điều mà người đương nhiệm sẽ làm khi thất bại.
Sử gia David McCullough thì cho rằng ông Adams còn không được mời tới lễ nhậm chức. Các học giả khác nói ông Adams lo ngại sự xuất hiện của mình có thể châm ngòi thêm cho xung đột đảng phái hoặc ông không thể chịu đựng được khi mình thất bại.
Có người lại nói rằng ông Adams từng cảm thấy bị Washington làm cho lu mờ ngay tại lễ nhậm chức của mình và không muốn ông Jefferson trải qua cảm giác đó. Tuy nhiên, đa số chỉ nghĩ rằng ông Adams muốn về nhà. Ông đã sống ngoài Nhà Trắng vài tháng qua, cảm thấy bị đồng minh phản bội và đau đớn khi con trai chết bất ngờ ba tháng trước đó. Do đó, sau khi kết thúc sự nghiệp chính trị một cách đáng thất vọng, ông muốn dành thời gian cho đồng áng, gia đình và chiêm nghiệm lại mọi thứ ở Quincy, Massachusetts. Đây có lẽ là lời giải thích khá thuyết phục.
Mặc dù một số người đương thời cho rằng quyết định bỏ lễ nhậm chức của người kế nhiệm là điều không thể chấp nhận được, nhưng đa số người dân Mỹ nghĩ điều quan trọng hơn cả việc ông không xuất hiện là việc ông ra đi lặng lẽ đã mang lại chiến thắng cho hệ thống chính trị Mỹ.
Năm 1801, Hiến pháp mới ra đời hơn 10 năm. Khi hai người hòa phiếu đại cử tri, Hiến pháp đã bất ngờ bị đặt trước một thử thách chưa từng thấy, khiến nhiều người nghĩ mọi chuyện sẽ không kết thúc hòa bình. Nhưng may mắn là không có chuyện gì xảy ra. Người thua cuộc đã rời đi không một lời phàn nàn, đánh dấu cuộc chuyển giao hòa bình đầu tiên giữa hai đối thủ chính trị ở nước Mỹ.
Bà Sara Georgini, Tổng biên tập tờ The Papers of John Adams, nhận định: “Không có bạo loạn, liên minh miền Bắc không kết thúc, Hiến pháp không lâm nguy. Mọi người có thể tiếp tục sống cho dù ai ngồi ghế tổng thống đi chăng nữa. Năm 1801, đó là điều thực sự đáng lưu ý”.
Kể từ năm 1801, người ta ngày càng kỳ vọng tổng thống mãn nhiệm sẽ xuất hiện tại lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Từ đó tới nay, mới chỉ có vài tổng thống không làm điều đó. Năm 1829, John Quincy Adams từ chối dự lễ nhậm chức của Andrew Jackson. Năm 1869, Andrew Johnson vắng mặt tại lễ nhậm chức của Ulysses S. Grant và dành cả chiều để ký bộ luật vào phút chót. Năm 1974, Richard Nixon đi trực thăng rời Nhà Trắng sau khi từ chức, không chờ tới ngày nhậm chức của Gerald Ford.
Có một điều là không ai trong những người thất bại bất mãn nói trên từ chối chuyển giao quyền lực hòa bình cho người kế nhiệm.
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.