Theo những tư liệu lịch sử được lưu giữ tại đình, ba vị danh tướng nhà Trần quê ở trang Quang Lang, thuộc châu Ôn, phủ Trường Khánh, nay là huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đều là người tài cao, chính trực, văn võ song toàn, ba vị đã đứng lên chiêu mộ quân sỹ, tham gia phò giúp vua Trần chống quân Nguyên Mông; đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công hiển hách. Có lần, trên đường đi đánh giặc, ba người qua Ngô Gia (nay là thôn Ngò Báng) đúng lúc trời tối bèn cho quân lưu lại nghỉ ngơi. Dạo quanh làng, thấy nơi đây phong cảnh đẹp, dân tình thuần hậu, trước khi tiếp tục hành quân, ba người có hứa với dân làng: Khi nào hết giặc sẽ về Ngô Gia để sinh sống.
Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ III (1288), mùa xuân năm Canh Dần (1290), giữ lời hứa với dân làng, ba người đã xin nhà vua được về Ngô Gia trang sinh sống. Xét thấy ba người là bậc lão thần trung thực, đã cống hiến nhiều công lao cho đất nước, nay tuổi đã cao nên nhà vua chấp thuận và ban thưởng cho mỗi người 500 lạng vàng, cấp cho dân Ngô Gia trang 10 mẫu ruộng để dựng sinh từ thờ ba vị. Từ đó ba vị sống cùng dân Ngô Gia trang, mở mang đất đai, dạy dân cày cấy, gây dựng thuần phong mỹ tục, đem tâm cứu giúp người nghèo khổ, được dân coi như cha mẹ, phụng sự hết lòng.
Sau khi ba vị mất, năm Canh Tý (1300) và năm Đinh Mùi (1307), vua Trần sai quan nội giám Nguyễn Trung Tâm, nho gia Nguyễn Sỹ Cố đem sắc chỉ về Ngô Gia trang phong thần và lệnh cho nhân dân Ngô Gia trang hương hỏa phụng thờ ba vị đến muôn đời. Bao đời nay, hằng năm cứ vào ngày sinh, ngày hóa của ba vị, người dân làng Ngò (nay là thôn Ngò Báng) thường tổ chức tế lễ, thờ phụng thành kính, trang nghiêm.
Ngồi dưới gốc đa cổ thụ nơi đình Ngò, ông Lê Khắc Điếm, Trưởng ban khánh tiết đình làng Ngò chia sẻ: Tưởng nhớ công đức của ba vị danh tướng nhà Trần, bao năm qua, vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thành hoàng dân làng đều thành kính tổ chức tế lễ. Đặc biệt, theo tục lệ từ xưa để lại, hội làng được tổ chức trang trọng, sôi nổi vào ngày mùng 10 tháng giêng. Vào ngày hội làng, những người con làm ăn, sinh sống xa quê cũng sắp xếp thời gian trở về quê hương lễ thánh, dự hội.
Nói về lễ hội của làng, ông Lê Văn Nghiêm, thành viên Ban khánh tiết đình làng Ngò cho biết: Theo các cụ kể lại, thôn Ngò Báng trước đây có ba giáp (giáp nhất là họ Lê; giáp nhì là họ Tạ, họ Trần; giáp cả là họ Bùi, họ Nguyễn và họ Ngô), lễ vật tế thánh hằng năm (gồm một con lợn béo, một tạ gạo nếp, một buồng chuối và nhiều thứ khác...) được phân cho từng giáp chuẩn bị. Lo lễ vật tế thánh, năm nào cũng vậy, các giáp đều chuẩn bị hết sức chu đáo. Các giáp giao cho hộ gia đình nuôi lợn, lo gạo, chăm chuối... để đầu năm có lễ vật ngon nhất, đẹp nhất mang về đình lễ thánh. Sau lễ tế, dân làng vừa vui hội, vừa hưởng lộc. Đặc biệt, trước ngày hội cả tuần, người dân tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ; phát cây cỏ phong quang. Các cụ trong ban khánh tiết lên đình lau rửa đồ thờ tự... Từ chiều mùng 9, làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian, như: cờ tướng, bịt mắt bắt dê, đi cầu phao, bắt vịt, kéo co... Buổi tối, chiếu chèo truyền thống của quê hương tổ chức biểu diễn phục vụ dân làng. Sáng mùng 10, từ sáng sớm, tiếng trống hội vang lên rộn rã. Từ các ngõ xóm, già trẻ, gái trai ăn mặc chỉnh tề cùng nhau ra đình lễ thánh. Sau khi lễ ở đình, dân làng rước 3 cỗ kiệu quanh làng, về lễ ở đền, sau đó rước trở về đình làm lễ an vị.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới, hiện nay 5 năm một lần làng mới tổ chức lễ hội lớn, có rước kiệu, có tổ chức trò chơi, tổ chức đêm giao lưu văn nghệ - ông Lê Khắc Điếm tiếp lời ông Lê Văn Nghiêm: Lễ vật tế thánh ngày lễ hội giờ cũng không giao cho các giáp chuẩn bị như trước kia, kinh phí sắm lễ chủ yếu lấy từ nguồn công đức dân làng ủng hộ. Những năm không tổ chức hội lớn, ngoài lễ tế chung, dân làng vẫn lên đình lễ Thánh rất đông. Mọi người cầu mong các ngài phù hộ cho gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc...; xóm làng đoàn kết, đổi mới và phát triển...
Đình làng Ngò cổ kính, linh thiêng được xây dựng trên khu đất cao, rộng khoảng 2.000m2 ở ngay trung tâm làng. Mặt đình quay hướng Tây Nam. Trước đình có hồ nước rộng, trong mát. Ngay đầu sân đình là cây đa cổ thụ rợp bóng... Năm 2001, đình Ngò được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đình và lễ hội đình làng Ngò vẫn luôn được người dân nơi đây nêu cao ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy với mong muốn lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống cho cháu con muôn đời sau.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.