Tôi còn nhớ đợt đầu năm sau tết Nguyên đán, nghỉ Tết ra học sinh đi học 1 buổi rồi nghỉ phòng, chống dịch luôn cho đến tận tháng 5 mới trở lại trường. Ban đầu tất cả mọi người đều nghĩ chỉ nghỉ một thời gian ngắn rồi sẽ đi học lại, ai dè dịch càng ngày càng căng thẳng, các thông báo tiếp tục nghỉ học được đưa ra. Mọi người ngao ngán, học sinh bí bách, buồn chán vì phải ở nhà quá lâu. Thời điểm đó dịch thực sự căng thẳng. Gần như những người không có việc gì cấp thiết, nhất là người già, trẻ em đều phải ở nhà. Hàng xóm cũng không được sang, bạn bè trong ngõ không được gặp, các điểm vui chơi đương nhiên càng không được đi. Tivi, máy tính-những thứ trẻ em trước đó rất thích lúc đó cũng trở nên nhàm chán bởi trẻ đã quanh quẩn bên những thứ đó suốt một thời gian dài, bởi bản tính của trẻ là phải được vui chơi, phải có giao lưu bạn bè. Những khuôn mặt bịu xịu hờn dỗi đòi đi chơi. Những cái đầu trẻ con thập thò đầu ngõ rủ bạn ra chơi, nhưng lại sợ hãi chạy đi ngay khi thấy bóng dáng người lớn. Nhìn những cảnh đấy, người lớn buồn cười mà mắt ngấn nước vì thương chúng. Rồi khi dịch đỡ căng thẳng, trẻ bắt đầu được ra ngõ chơi, nhưng vẫn phải đeo khẩu trang. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh những đứa trẻ chơi trò chơi, nô đùa trong ngõ, trên sân, nhưng vẫn đeo khẩu trang. Những hình ảnh chỉ có ở “năm Covid-19”.
Rồi những ngày trẻ trở lại trường, tháng 6 năm học vẫn tiếp tục với lịch học bù. Để bảo đảm phòng, chống dịch, những đứa trẻ đến trường ngoài cặp sách trĩu nặng như mọi khi luôn phải có thêm chai nước, khẩu trang, rồi ô, áo chống nắng lỉnh kỉnh. Và nắng, nóng khủng khiếp. Các lớp huy động thêm quạt, nhưng cũng không giải quyết được bao nhiêu cái nóng. Hơn 11 giờ trưa, 13h30 chiều, giữa lúc nắng nóng đỉnh điểm nhất cũng là lúc học sinh phải đi từ trường về nhà, từ nhà đến trường. Không ít cháu mệt, ốm, phải xin nghỉ học. Có cô giáo nói với tôi, cô phải mặc áo chống nắng khi đứng dậy học sinh trong lớp học trên tầng không có chống nóng. Những chuyện này chắc chỉ có trong “năm Covid-19”.
Năm học dù kết thúc muộn trong thời tiết khắc nghiệt nhưng tất cả đều cố gắng, trông chờ được xả hơi khi nghỉ hè, thì đùng một cái dịch đợt 2 ập tới. Nhà nào nhanh chân cho con đi du lịch rồi như ngồi trên đống lửa sợ lây nhiễm bệnh trong quá trình đi. Nhà chưa đi thì đành phải hủy hết lịch nghỉ mát hè. Trẻ em lại suốt ngày quanh quẩn bên máy tính, tivi, thi thoảng được ra công viên chơi thì phải đeo khẩu trang, và chơi rất nhanh rồi về…
Mùa hè Covid-19 cũng qua đi trong sự bịu xịu của con trẻ vì “hè mà không được đi chơi, cứ phải ở nhà”. Ngày khai giảng năm học mới, các nhà trường vẫn tưng bừng cờ hoa, các cô giáo vẫn xúng xính áo dài, học sinh nô nức trong đồng phục mới, gặp bạn, gặp thầy cô. Có điều là tất cả đều phải đeo khẩu trang. Những khuôn mặt đáng yêu, những đôi má bầu bĩnh, tất cả đều bị che bởi chiếc khẩu trang để phòng dịch. Nhìn đôi mắt của các con, lúc vui tươi vì gặp bạn bè, lúc mệt mỏi vì phải đeo chiếc khẩu trang trong thời tiết nóng nực, thấy thắt lòng! Rồi không ít học sinh không được ra sân trường mà phải khai giảng tại lớp học để bảo đảm phòng dịch. Các con ngồi trong lớp, vẫn đeo khẩu trang, mặt hướng về phía sân khấu ngoài sân trường, nơi ấy có tiếng thầy, cô hiệu trưởng, có tiếng trống khai trường vang lên rộn rã vọng vào. Chỉ mấy bước chân thôi, nhưng các con không thể ra để nhìn ngắm tận mắt, để cảm nhận đầy đủ không khí, sắc màu của lễ khai giảng, mà phải ngồi trong lớp học, tất cả chỉ vì dịch bệnh Covid-19. Thương vô cùng!
Người lớn dĩ nhiên ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19. Nhưng người lớn vẫn chịu đựng được, đó chỉ là một thử thách. Nhưng với trẻ em, sao thấy thương vô cùng, bởi chúng còn nhỏ, bởi chúng chưa bao giờ phải chịu những gì tương tự.
Cô hiệu trưởng một trường tiểu học nơi tôi đến dự khai giảng nói với tôi: Biết là trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng khai giảng năm học mới chúng tôi vẫn muốn trang hoàng rực rỡ, vẫn muốn thầy cô, học trò phải chỉn chu, tươi vui, hào hứng, mong một năm học thành công, mong dịch Covid-19 nhanh qua đi.
Còn một cán bộ nghiên cứu môi trường đã nghỉ hưu nói với tôi: Nhìn cháu tôi, nhìn tất cả trẻ em phải chịu thiệt thòi trong năm dịch bệnh này mà tôi cũng như nhiều người thấy thật bất lực, thật có lỗi. Chúng ta phải làm gì đó, phải tích cực, phải có trách nhiệm hơn trong việc tạo cho con trẻ một thế giới an toàn hơn…
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
Sáng 2/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cấp tỉnh năm 2024. Dự hội thi có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
Sáng 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.