Dinh dưỡng hợp lý hạn chế nóng trong người

Tư vấn 05:39 25/09/2020 VNE
Một chế độ ăn uống kết hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường thêm rau xanh, trái cây tươi, đầy đủ nước giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh nóng trong người.

Về quê, háo hức giữa muôn vàn món ăn mới lạ, các loại trái cây ngon lành, nhưng hễ chạm vào món nào là cũng có người lớn nhắc chừng: "ăn ít thôi món đó, nóng lắm". Sao lại có món ăn nóng?

Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam về cách hiểu sao cho đúng về món nóng cùng những lời nhắc nhở cửa miệng mà đại đa số người Việt đều nằm lòng?

Có món ăn nóng thật không?

"Món ăn nóng" là cụm từ quá đỗi quen thuộc với nhiều người. Trước hết, cách gọi "món nóng", "món mát" của người Việt Nam không phụ thuộc vào nhiệt độ món ăn. Cùng là một chén chè, ướp đá mát lạnh như nhau, nhưng bạn sẽ có lúc than trời (không sao phân biệt nổi) vì sao chè hạt sen được khẳng định là ăn vào rất mát; trong khi ly chè vải, chè thái với từng múi sầu riêng thơm phức ngon lành lại bị kêu là nóng? Hay vì sao tô cháo lươn, cháo ếch nóng hổi thì được gọi là có tính hàn, ăn dễ lạnh bụng, nên cần bỏ thêm miếng gừng, miếng tiêu vào cho nóng lên?

Đến nay, câu chuyện phân biệt món ăn nóng, món ăn lạnh vẫn dựa chủ yếu trên kinh nghiệm cá nhân, mang tính truyền miệng là chính, chứ chưa thật sự được kiểm chứng rõ ràng.

Những thực phẩm có tính nhiệt được cho là khi ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ, gia vị... Ảnh: Shutterstock.

Sở dĩ, khái niệm món ăn nóng, mát được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác vì nó bắt nguồn từ y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, thực phẩm sẽ được chia thành 4 tính chất hàn, lương, ôn, nhiệt (nghĩa là lạnh, mát, ấm, nóng). Về cơ bản, những thực phẩm có tính nhiệt được cho là khi ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ, gia vị (gừng, tỏi, ớt); trái cây có vị ngọt (đào, nhãn, vải). Trong khi đó, những thực phẩm có tính hàn lại tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ như các loại rau xanh, hải sản, đồ tanh (ếch, ốc).

Mặc dù có khái niệm thực phẩm hàn và nhiệt nhưng cũng theo y học cổ truyền, thực phẩm có tính nhiệt chưa hẳn là nguyên nhân gây nóng. Vì cơ thể mỗi người lại có thể hàn và thể nhiệt nên có người ăn thực phẩm hay món ăn nào đó thấy gây ra nóng, còn người khác lại thấy bình thường. Thế nên mới có chuyện nhiều người ăn mận, nhãn, sầu riêng... thì cơ thể bình thường, với người khác lại có phản ứng ngược lại.

Đó là trong y học cổ truyền, còn xét theo y học hiện đại thì không có khái niệm thực phẩm hay món ăn nóng. Thực phẩm trong y học hiện đại được phân chia dựa trên các thành phần chất dinh dưỡng như: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Theo đó, chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ các loại thực phẩm cung cấp 4 nhóm chất dinh dưỡng trên, theo tỷ lệ hợp lý, phù hợp với thể trạng và tình trạng hoạt động của cơ thể.

Có cần kiêng khem món nóng theo quan niệm dân gian?

Trên thực tế, y học cổ truyền không cấm kỵ cũng như so sánh so sánh giữa thực phẩm nhiệt - hàn thì cái nào tốt hơn. Do đó, quan niệm thực phẩm tính nhiệt không tốt cho sức khỏe là một cách hiểu chưa đúng, nhưng lại được truyền miệng bấy lâu nay trong dân gian.

Sử dụng thực phẩm hợp lý theo y học cổ truyền là phải có sự hài hòa giữa hàn và nhiệt, phù hợp với cơ địa của từng người. Thực phẩm có tính nóng phù hợp với những người có cơ địa hàn và ngược lại, thực phẩm có tính hàn phù hợp với người có cơ địa nhiệt. Thực phẩm có tính ôn phù hợp với mọi người.

Trong chế biến thức ăn, có thể điều hòa hàn - nhiệt giúp cân bằng theo 2 hướng chính sau:

- Phối hợp những thực phẩm mát với những thực phẩm nóng: ví dụ kho cá (sống dưới nước có tính hàn) với thịt (sống trên cạn được cho là có tính nhiệt), ăn ốc ngao (tính hàn) thường có nước chấm gừng ớt (có tính nhiệt).

- Đối với một loại thực phẩm, nên tận dụng hết mọi phần ăn được: ví dụ, rau thì dùng cả thân, lá, rễ, hoa (mướp dùng trái, hoa, lá non; khoai lang ăn cả củ lẫn lá...).

Tuy nhiên, mọi thứ đều mang tính chất tương đối nên tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, kết hợp nhiều loại thực phẩm. Cân bằng hàn - nhiệt đúng cách sẽ giúp tăng sức đề kháng và cơ thể khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý là cung cấp cho cơ thể đủ thực phẩm ở 4 nhóm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường thêm rau xanh, trái cây tươi, đầy đủ nước. Ảnh: Shutterstock.

Ở khía cạnh y học hiện đại, không có khái niệm thực phẩm hay món ăn nóng cũng như bệnh lý nóng trong người, nên bạn không cần phải kiêng khem lo sợ để bó buộc khẩu vị của mình. Điều quan trọng là phải thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ thực phẩm ở 4 nhóm như trên, ăn đa dạng các loại thực phẩm. Song song đó, chế độ ăn nên tăng cường thêm rau xanh, trái cây tươi, đầy đủ nước. Đây được coi là chìa khóa cho một cuộc sống khỏe mạnh cũng như giúp cơ thể không gặp phải các triệu chứng thường được xem như là nóng trong với ợ nóng, nổi mụn, nhiệt miệng hay cáu gắt...

Theo các chuyên gia, nếu gặp phải triệu chứng trên, bạn cần xem lại chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hoặc sử dụng thuốc. Tốt nhất là nên ghi chép lại triệu chứng, kèm các yếu tố trên và đến gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ Công an lừa đảo cài đặt ứng dụng “Dịch vụ công” giả mạo để chiếm đoạt tài sản

An ninh  |  21:37 04/05/2024

Thời gian qua, một số người dân ở các địa phương trên cả nước nhận được cuộc gọi của các đối tượng mạo danh cán bộ Công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng di động “Dịch vụ công” giả mạo để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng sử dụng các ứng dụng Facebook, Zalo, Telegram, Viber…để liên lạc với người dân, mạo danh cán bộ Công an địa phương hướng dẫn người dân xác nhận thông tin dữ liệu dân cư. Đối tượng gửi đường link truy cập website với giao diện giả mạo Cổng dịch vụ công để người dân tải về, cài đặt ứng dụng di động “Dịch vụ công” với phần thông tin là “Cổng thông tin trực tuyến Quốc gia”.

Đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi Organic Fish

Nông nghiệp  |  12:10 04/05/2024

Sáng 4/5, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) phối hợp với Phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân và Công ty Lucavi (Bắc Ninh) tổ chức hội nghị đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi Organic Fish trên cây dưa chuột bao tử xuất khẩu tại HTX Chân Lý (xã Chân Lý, huyện Lý Nhân).

Dịch sởi lây lan tại bang Adamawa của Nigeria, trên 40 ca tử vong

Quốc tế  |  11:24 04/05/2024

Ngày 3/5, ủy viên phụ trách y tế của bang Adamawa, phía Đông Bắc Nigeria, ông Felix Tangwami cho biết đã có ít nhất 42 ca tử vong do dịch sởi được ghi nhận tại bang này trong hơn một tuần qua.  

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC