Nỗi lo học phí đại học tăng

Đời sống 05:44 11/08/2020 Giang Nam
Năm nay, đại dịch Covid-19 làm cho thời gian học của học sinh, sinh viên bị kéo dài. Cuối tháng 6, trời nắng như thiêu như đốt, phụ huynh học sinh còn đang lo lắng thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình thì những thông tin về tăng giá học phí của một số trường đại học càng làm cho mọi chuyện "nóng" thêm. 

Hơn một tháng qua, em Nguyễn Mạnh Tuấn, lớp 12A1 Trường THPT A Bình Lục không chỉ chịu áp lực ôn tập, thi cử, mà còn lo lắng chuyện làm gì để có thể theo đuổi ước mơ của mình. Ba năm qua, Tuấn cố gắng học tốt các môn Toán, Hóa học, Sinh học, phấn đấu thi bằng được vào một trường đại học y, dược nào đó. Nhà nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ bươn chải nuôi 3 chị em. Chị lớn đã lập gia đình, chỉ còn lại hai chị em Tuấn đang học. 

Áp lực thi đã lớn, áp lực học phí đại học năm 2020 đang gây những căng thẳng cho học sinh và phụ huynh.

Để bảo đảm cho con học đến nơi đến chốn, mẹ Tuấn đã chạy vạy, vay Ngân hàng Chính sách xã hội gói vay ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên nghèo. Theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức vay đối với gói tín dụng này, mức vay tối đa mới chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Trong khi đó thu nhập của người nông dân như mẹ Tuấn, mỗi tháng cật lực cũng chỉ thêm được 5 triệu đồng nữa chưa trừ chi phí ăn uống hằng ngày, làm sao có được 8 đến 10 triệu đồng cho Tuấn! Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: Nghe thông tin giá học phí một số trường đại học y khoa tăng, em lo lắng vô cùng. Mình đã quyết tâm theo học mấy năm rồi, giờ mà bỏ thì tiếc, mà học thì lấy tiền đâu ra. Nhiều lúc nhìn mẹ vất vả, lo lắng tiền nong, em không biết mình nên quyết định thế nào. Mẹ thì luôn động viên em: "Con cứ cố thi vào đã, nếu có chí thì học giỏi, có học bổng, mọi khoản chi sẽ bớt đi, mọi chuyện không đến nỗi khó khăn". Nghe mẹ em nói vậy, em biết là mẹ khao khát cho em học y thế nào nên cố gắng!.

Cùng chung ước mơ với Nguyễn Mạnh Tuấn, ở Trường THPT A Bình Lục năm học này có hơn chục em đăng ký thi tuyển vào các trường đại học y, dược. Em Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 12 A2 nói: "Em đăng ký thi Đại học Y Hà Nội. Mặc dù biết các trường đại học y, dược tăng giá học phí từ năm học tới lên gấp nhiều lần so với trước, nhưng em vẫn quyết tâm thi. Gia đình không giàu có, nhưng bố mẹ em luôn động viên hãy cố thi đỗ đã, mọi chuyện sẽ tính sau". Dung có vẻ thoải mái hơn các bạn khác vì được bố mẹ động viên, không thể hiện sự lo lắng quá nhiều về chuyện chi phí học hành. Nhưng em biết, trong vòng 5 đến 6 năm theo học các trường đại học y, dược, số tiền đóng góp không phải nhỏ đối với một gia đình buôn bán nhỏ như nhà em.

Còn Vũ Hoàng Anh, lớp 12A1 lại mang tâm tư khác Dung. Em lo lắng, nghĩ ngợi rất nhiều về ước mơ của mình. Vũ Hoàng Anh nói: "Bố em là bác sỹ, mẹ là giáo viên, lương viên chức theo bậc ngạch nên không dư giả gì. Một lúc phải nuôi hai chị em cùng học đại học như hiện nay đã rất vất vả rồi, thế mà những trường em sẽ thi vào nghe nói tăng học phí lên đến gần trăm triệu đồng một năm thì đúng là khó lại càng khó". 

Thầy giáo Nguyễn Bá Hiệp, người theo sát các em học sinh ở Bình Lục có nguyện vọng thi vào các trường y, dược cho biết: Hầu hết các em đều học rất tốt, nhưng ít em thuộc gia đình giàu có hoặc khá giả. Vì thế, khi chuyện học phí sẽ tăng trong những năm học tới của một số trường đại học tác động lớn đến tâm lý của các em. Tôi động viên các em, thời gian để thi không còn nhiều, bao nhiêu công sức ôn tập, học hành phải có thành quả. Vì thế, các em cần thi đỗ, thi thật tốt rồi mới tính sau. Nhưng nói thì nói vậy, thi đỗ mà không thể học được sẽ càng làm cho các em buồn… Đó là sự thật! Thầy Hiệp cũng cho biết, họ theo dõi thông tin rất sát qua nhiều kênh.

Được biết, trả lời trên VOV hôm 11/6, PGS,TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nói, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vẫn có nhiều cơ hội theo học Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, khi học phí trường này bắt đầu tăng từ năm học 2020-2021 từ 13 triệu đồng/năm lên 30 đến 70 triệu đồng/năm. Ông Khôi cho biết, nhà trường sẽ vẫn dành 800 suất học bổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng và sẽ có gần 37% sinh viên trúng tuyển vào trường năm 2020 được nhận học bổng. Bởi, mục tiêu đào tạo của các trường y dược vẫn chú trọng ngay từ chất lượng đầu vào, do đó, học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực, phẩm chất vẫn là ưu tiên lựa chọn số một của nhà trường.

Dù vậy, thầy Hiệp cũng giống như nhiều giáo viên hay phụ huynh cùng chung một nỗi niềm, một tâm tư giữa cái nóng hè gay gắt, giữa những áp lực thi cử mà học trò và con cái họ phải đang đối mặt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Làm sao để các con tiếp tục ước mơ? Làm sao để những học trò nghèo có thực lực học tập được học những ngành nghề mà các em yêu thích và đã lựa chọn? Làm sao để gánh nặng cơm áo, gạo tiền của biết bao gia đình có mức sống khó khăn đến trung bình không cản trở ước mơ con trẻ?

Ông Vũ Xuân Quang, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa nói: "Tăng giá học phí kể ra sẽ đúng với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo của các nước trong khu vực, đúng với thực tế tự chủ của nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay. Thế nhưng, việc tăng ấy phải từ từ, cần có lộ trình thích hợp chứ không thể tăng gấp 5, 6 lần một lúc. Đấy là chưa kể đến chuyện, người dân đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhiều gia đình giảm thu nhập, kinh tế sa sút do tác động của đại dịch".

Thiết nghĩ, con đường vào đại học không phải là con đường đến tương lai duy nhất. Các em vẫn có nhiều lựa chọn khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Được biết, năm 2020, số học sinh đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào các trường đại học đã giảm đi đáng kể so với mọi năm. Theo thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh đăng ký vào đại học năm 2020 giảm 2,71% so với năm 2019, trong khi chỉ tiêu xét tuyển đại học năm nay tăng thêm khoảng 10%, tương đương với 500.000 chỉ tiêu. Lý giải hiện tượng này, nhiều chuyên gia về giáo dục và xã hội học cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của kết quả đào tạo đại học khi không ít sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm đúng chuyên môn đào tạo.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Quyết tâm lớn thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Lào theo hướng đột phá, có trọng tâm, trọng điểm

Chính trị  |  13:32 10/01/2025

Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, sáng 10/1, tại Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025

Đoàn - Hội  |  13:09 10/01/2025

Sáng 10/1, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào thi đua năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. 

Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam tổ chức ngày hội ra quân năm 2025

Kinh tế  |  11:56 10/01/2025

Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Nam vừa tổ chức ngày hội ra quân năm 2025 với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ, vững vàng vị thế’’.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC