Bệnh thoái hóa khớp, hay còn được gọi là viêm xương khớp bản chất là do mòn sụn khớp do rối loạn giữa hai quá trình sinh tổng hợp và hủy hoại sụn. Bệnh thường xuất hiện ở các khớp chịu tải bởi trọng lượng cơ thể như khớp háng, gối, cột sống... gây đau, hạn chế hoặc mất chức năng khớp.
Trước đây mọi người vẫn cho rằng thoái hóa khớp chỉ do tuổi cao, sụn khớp bị lão hóa. Tuy nhiên cho đến nay tuổi tác cũng chỉ là một trong số các yếu tố làm xuất hiện bệnh. Béo phì, chấn thương khớp, hoạt động khớp thường xuyên... cũng là những nguyên nhân khiến khớp nhanh thoái hóa. Thoái hóa khớp gặp ở nữ nhiều hơn nam, gặp nhiều hơn ở những người trong gia đình có người bị thoái hóa khớp.
Biểu hiện của thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp không phải là bệnh lý nhiễm khuẩn (nhiễm trùng) nên không có tính lây lan. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng khai thác tiền sử, thăm khám vùng khớp, chỉ định chụp Xquang thông thường. Biểu hiện của thoái hóa khớp trên phim Xquang là hẹp khe khớp, xuất hiện các gai xương rìa khớp (gai mâm chầy, gai cột sống...), đặc xương dưới sụn. Trong thoái hóa khớp, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường.
Triệu chứng đầu tiên của hầu hết người bệnh thoái hóa khớp là đau và cứng (khó vận động) khớp, hay gặp nhất là khớp vùng cổ bàn tay, gối, háng và cột sống. Đau khớp thường tăng lên khi vận động và ở thời điểm cuối ngày. Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, sau ngủ dậy. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến vận động cổ gáy, bàn chân. Tình trạng đau và cứng khớp làm cho bệnh nhân bị hạn chế một số động tác như xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc đưa với tay sang bên đối diện...Tình trạng mới đầu không nghiêm trọng, thường chỉ cần uống vài liều thuốc giảm đau chống viêm, tập luyện nhẹ các triệu chứng sẽ giảm dần.
Chữa trị thế nào?
Điều trị thoái hóa khớp gồm nhiều biện pháp bao gồm giảm cân, vật lý trị liệu, thuốc và phẫu thuật. Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể giảm triệu chứng đau và cứng khớp nhanh nhưng cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc nếu dùng kéo dài như viêm, chảy máu dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy... Corticoid là thuốc chống viêm mạnh, nên giúp người bệnh giảm triệu chứng nhanh, nhưng tác dụng phụ nhiều hơn nếu lạm dụng và sử dụng không đúng cách. Corticoid có thể sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Bơi lội là bài tập tốt nhất cho thoái hóa khớp vì khi bơi lội dưới nước, áp lực lên khớp sẽ giảm, trong khi đó hệ thống cơ, đặc biệt cơ quanh khớp hoạt tích cực làm tăng sức khỏe cho cơ.
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định (đối với thoái hóa khớp háng, khớp gối) khi tình trạng đau không còn được cải thiện mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng phác đồ, trên phim chụp Xquang không còn nhìn thấy khe khớp giữa hai đầu xương.
Người bị thoái hóa khớp nên làm gì?
Những việc nên làm:
Uống thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ.
Hỏi kỹ bác sĩ các loại thuốc mà bạn được kê đơn (liều lượng, cách dùng, chống chỉ định).
Thực hiện chế độ ăn và tập luyện hợp lý để giảm cân nếu bạn thừa cân.
Tập đều đặn các bài tập do bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn.
Những việc không nên làm:
Chờ tác dụng phụ của thuốc tự mất.
Ăn quá nhiều trong khi lười luyện tập.
Tiếp tục thực hiện các động tác tập luyện gây đau tăng lên cho khớp.
Đến bác sĩ khám ngay khi:
Gặp tác dụng phụ của thuốc.
Tình trạng đau không giảm mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng mức.
Cần tìm một bác sĩ vật lý trị liệu.
Chiều muộn ngày 10/1, trên con tàu 634, Hải đội 137, 26 cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 169, Bộ Tư lệnh Vùng I Hải Quân cùng với đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã khởi hành chuyến thăm, tặng quà, chúc Tết nhân dân, cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (thành phố Hải Phòng).
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 21/UBND-TCDNC ngày 04 /01/2025 về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu năm 2025.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/1 cho biết vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các bệnh hô hấp trong bối cảnh số ca nhiễm virus gây viêm phổi trên người (HMPV) gia tăng tại nước này.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.