Dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Quốc hội

Người đại biểu nhân dân 05:31 20/06/2020 Quỳnh Hoa
Chiều 19/6, sau 19 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình nghị sự đã đề ra. Kỳ họp ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Kỳ họp thứ 9 mang đấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20 - 28/5). Hình thức này được đánh giá là phù hợp khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID -19, đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, đặt nền móng cho bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên máy tính bảng để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.

Việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm, sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9 và gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin, nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Kết thúc đợt họp đầu tiên, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Các đại biểu khẳng định, phiên họp diễn ra trong không khí dân chủ, nghiêm túc không khác so với hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Phương tiện phục vụ cho họp trực tuyến đã bảo đảm cho phiên họp diễn ra trôi chảy, không có vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.

Đánh giá khái quát về đợt họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày và các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đạt hiệu quả cao. “Đây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thông qua 10 luật

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đây là kỳ họp giữa năm 2020 và cũng là năm thứ năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, năm chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội tập trung hơn nửa tổng thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Đây là một trong những chức năng quan trọng cơ bản của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chức năng đặc biệt này, trong nhiều kỳ họp gần đây, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, rất nhiều luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã xem xét, thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật quan trọng: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Một trong những luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Qua thảo luận của đại biểu cho thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật là do ngay từ giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành trước. Để hạn chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó”.

Với tinh thần trách nhiệm rất cao, sau khi thảo luận lần thứ 2 tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhưng do còn có nhiều ý kiến chưa được phát biểu và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần làm rõ thêm, Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội bố trí thêm thời gian trong Chương trình kỳ họp để đại biểu Quốc hội phát biểu đầy đủ, rõ hơn về các nội dung của dự án luật trước khi biểu quyết thông qua. Luật đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi tên gọi của 2 Ủy ban của Quốc hội.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Các đại biểu Quốc hội vỗ tay sau khi thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 9. Bên cạnh việc cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra, Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống của người dân. 

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và phê chuẩn 04 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên của Hội đồng. Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Dương Thanh Bình. Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đạt sự đồng thuận cao.

Nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” thu hút sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước trong kỳ họp này. Các đại biểu cho rằng, Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát rất có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Trên cơ sở cơ bản tán thành với những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong Báo cáo giám sát, trong đó cần phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, các đại biểu đã phân tích sâu sắc nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em và yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Đồng thời đề nghị bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tại kỳ họp, các Nghị quyết: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO) được ban hành đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU; khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực sau 2 tháng kể từ khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn.

Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được ban hành đã thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định này. Trong đó, quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với hơn 100 chính sách tập trung vào các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số… Đây là những quyết sách quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện sâu sắc quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.

Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được ban hành góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu hiện nay. Thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kéo dài đến hết ngày 31/12/2025.

Đáng lưu ý là Kỳ họp thứ 9 Quốc hội không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể như thông lệ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Những kết quả tích cực, nhiều mặt của Kỳ họp thứ 9 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước...

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL

Quốc tế  |  10:29 22/11/2024

Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana

Kinh tế  |  06:20 22/11/2024

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Y tế  |  05:33 22/11/2024

Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC