Có mặt tại bến đò Phú Hậu, xã Phú Phúc (Lý Nhân) giáp ranh với huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), chúng tôi quan sát thấy có khá nhiều người qua lại bằng phương tiện đường thủy mỗi ngày. Vào thời điểm chiều muộn, lượng khách trên mỗi chuyến đò qua sông thường dao động khoảng từ 10-15 người, cộng với phương tiện, hàng hóa đi kèm. Điều đáng nói là tất cả hành khách khi ngồi trên đò không ai mặc áo phao cứu sinh. Chị Lại Thị Hồng, một hành khách qua đò cho biết: Tôi làm nghề buôn bán chiếu cói nên ngày nào cũng phải đi qua đây. Bến đò này lượng khách cũng khá đông, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều muộn. Không chỉ có khách, phương tiện mà lượng hàng hóa trên đò cũng khá nhiều. Hằng ngày qua đò, tôi cũng như nhiều người khác ít khi mặc áo phao. Khi nào chủ đò nhắc nhở có đoàn kiểm tra thì chúng tôi mới mặc… Cũng đề cập tới vấn đề mặc áo phao khi qua đò, anh Nguyễn Văn Tấn, một hành khách khác thì thản nhiên cho rằng: Hằng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại bằng đò này nhưng có thấy ai mặc áo phao đâu, mà mặc làm gì, sang sông chỉ vài phút thôi mà, có sao đâu…
Còn tại các thôn Trung Hiếu Hạ, Trung Hiếu Thượng, xã Thanh Hải (Thanh Liêm), việc đi lại của người dân nơi đây chủ yếu bằng 2 bến đò. Thời điểm này các cháu học sinh đang nghỉ học tại nhà để phòng tránh dịch Covid – 19, nên số lượng người đi đò cũng giảm. Nhưng theo quan sát, đò chở số người đúng quy định (10-12 người), hai bên thành đò được treo những chiếc phao cứu sinh, tuy nhiên không thấy ai mặc. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề mặc áo phao, chủ đò chia sẻ: Hiện nay, trên đò của chúng tôi đã được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh theo quy định. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở người đi đò phải mặc áo phao để bảo đảm an toàn nhưng đa số người dân đều chủ quan không mặc, nhắc nhở nhiều lần thì họ cầm rồi để đấy. Cá biệt, nhiều trường hợp thường xuyên qua đò, khi chúng tôi nhắc nhở họ còn cảm thấy khó chịu...
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Trên địa bàn xã có 2 bến đò ngang chở khách qua sông, chủ yếu phục vụ cho người dân 2 thôn Trung Hiếu Hạ, Trung Hiếu Thượng. Để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân, thời gian qua, xã đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ một số tổ chức, cá nhân, doanh nhân ủng hộ đóng mới 2 con đò. Cùng với đó, xã còn phối hợp với ngành chức năng, chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân và chủ đò nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT khi qua đò, như: không chở quá số người quy định, hàng cồng kềnh, mọi người mặc áo phao khi qua đò nhưng nhiều khi cả chủ đò và nhiều hành khách đều chưa chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân 2 thôn Trung Hiếu Hạ, Trung Hiếu Thượng…
Tình trạng vi phạm ATGT không chỉ diễn ra tại các bến đò trên mà còn diễn ra khá phổ biến ở các bến đò ngang sông trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 bến đò ngang đang hoạt động, chủ yếu trên sông Hồng và sông Đáy. Các bến đò đều trong tình trạng hạ tầng không bảo đảm, phương tiện cũ kỹ; ý thức của chủ đò và khách qua đò hạn chế. Một số chủ đò, người điều khiển phương tiện cơ bản chưa hoàn thiện bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Để giảm chi phí, nhiều chủ đò đã tìm cách hạn chế thấp nhất việc mua sắm trang thiết bị bảo đảm an toàn, hoặc đầu tư nâng cấp, sửa chữa phương tiện của mình. Bên cạnh đó, không ít người dân chưa quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng cho mình nên còn chủ quan, lơ là.
Trước thực trạng hoạt động của các bến đò ngang có nguy cơ gây mất ATGT, thiết nghĩ, ngoài công tác tuyên truyền tới người dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, ngành chức năng cần chỉ đạo các địa phương có hoạt động của các bến đò ngang cần yêu cầu chủ đò trang bị đầy đủ biển báo, nội quy và các phương tiện an toàn mới được phép hoạt động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các bến đò không đủ điều kiện an toàn. Cùng với sự vào cuộc từ ngành chức năng, chính quyền các địa phương, mỗi người dân cần chấp hành nghiêm việc mặc áo phao, hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân khi qua đò, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.
Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.
Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.