Thời nay, khi cơm canh cũng có thể mua online thì hàng quán thời 4.0 đã chẳng còn mấy xa lạ với nhiều người. Nhưng với những người lao động mưu sinh qua ngày, gần như họ chưa một lần tiếp cận với hình thức kinh doanh mới này. Các gánh hàng rong rong ruổi khắp bao con phố, hoặc đơn giản chỉ là tạm dừng chân tại một góc ven đường, chờ khách hàng đến lựa chọn, thuận mua vừa bán. Cũng có những gánh hàng đã manh nha tiếp cận với dịch vụ giao hàng tận nhà, nhưng chủ yếu chỉ dành cho một vài vị khách quen và không thường xuyên.
Đầu tháng 4, khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương cấm tụ tập đông người, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu (thời trang, karaoke, massage, coffee…) được yêu cầu tạm đóng cửa; quán ăn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm chỉ phục vụ khách mua về hoặc áp dụng hình thức ship hàng tận nhà. Nhiều cửa hàng vốn trước đó đã áp dụng hình thức bán hàng này thì nay đã “quen tay”, vẫn phát huy tốt trong thời điểm giãn cách xã hội do quen khách. Tuy nhiên, với phần đông những người lao động qua ngày, đa số là những người lớn tuổi, việc tiếp cận với hình thức bán hàng mới không phải chuyện dễ dàng.
“Ship hàng qua mạng là gì hả cháu? Giờ phải làm thế nào mới bán được hàng kiểu ấy?”, một cô ngoài 50 tuổi với chiếc xe thồ chất đầy rau dưa, dựng qua loa bên vỉa hè đã hỏi tôi như thế khi nghe tin hạn chế bán hàng nơi công cộng để tránh dịch bệnh lây lan. Đó là câu hỏi thật lòng của một người chưa từng tiếp xúc với mạng xã hội và những ứng dụng mua bán tiện ích trên điện thoại thông minh. Hơi khó trả lời, vì ở Hà Nam chưa có những dịch vụ như Grabfood, Now hay GoViet…, mới chỉ bắt đầu triển khai dịch vụ “Đi chợ hộ” của hệ thống Siêu thị VinMart. Tôi bắt đầu tỉ mỉ giải thích với cô rằng, cô có thể cho khách quen số điện thoại, hoặc làm tấm bảng nhỏ ghi các mặt hàng cô bán và cách thức liên hệ, khách hàng có nhu cầu sẽ gọi cho cô đặt hàng, sau đó cô giao hàng đến tận nhà cho họ, vừa bảo đảm không tụ tập đông người, vừa tiếp tục có thêm nguồn thu nhập mà không phải tạm nghỉ bán. Cô có vẻ không hiểu hết, còn khá nghi ngại việc phải công khai số điện thoại cho “toàn dân đều biết mà không chắc có hiệu quả hay không”. Tôi hiểu cái nghi ngại của cô, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận với hình thức kinh doanh mới. Giãn cách xã hội một thời gian không bán hàng không sao, nhưng về lâu dài thì câu chuyện chuyển đổi phương thức bán hàng của những gánh hàng rong nhỏ lẻ cũng cần được quan tâm.
Bên cạnh những người chưa thể bắt kịp thời cuộc kinh doanh hiện đại, vẫn có những quầy hàng rong làm quen với xu thế khá nhanh. Với tấm bảng nhỏ “Dứa, xoài thơm ngon, giao hàng tại nhà. Số điện thoại…” gắn trước đầu xe, chị Hoàng Thị Tuệ (phường Liêm Chính, TP Phủ Lý) chia sẻ: Nghỉ bán hàng nhiều ngày với gia đình tôi không phải chuyện đơn giản, không có thu nhập ổn định trong khi ngày ngày vẫn phải chi tiêu. Vì vậy, trước cả khi có quyết định tạm dừng hoạt động buôn bán nơi công cộng của chính quyền, tôi đã làm theo cách này từ cuối năm ngoái. Đây như một hình thức quảng cáo để mọi người biết đến mình nhiều hơn, dần tạo được nguồn khách quen. Trong những ngày nghỉ ở nhà, tôi vẫn nhận được cuộc gọi đặt hàng của khách, tuy không nhiều nhưng vẫn bảo đảm không bị tồn hàng, lỗ vốn. Thêm nữa, mình phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, có như vậy mới giữ được khách quen và có thêm khách mới. Nhiều chị mua quen của tôi đều giới thiệu thêm cho bạn bè, đồng nghiệp cùng biết.
“Mùa dịch phải nghỉ ở nhà nhưng tôi vẫn bán đều, giờ mới thấy tác dụng của việc giao hàng tận nhà”, bà Đặng Thị Định (phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý) cho biết. Quầy rau trên đường Quy Lưu của bà Định thực chất không được tính là quầy hàng, vì bà chỉ có 2-3 mẹt rau nhỏ với vài mớ rau trồng trong vườn, bán cùng một rổ trứng, bày tạm một góc trên vỉa hè. Ngày thường, bà vẫn nhận nhặt rau và giao tận nhà cho những vị khách quen bận rộn. Đến những ngày dịch phải nghỉ bán, khách quen vẫn gọi bà tới tấp để đặt mua rau. Có những khách đặt mua luôn cho cả hàng xóm, đồng nghiệp vì rau bà bán trước giờ đều bảo đảm sạch, ngon, giá cả phù hợp, hoặc đặt mua số lượng nhiều, dành để ăn trong 3-4 ngày, không cần phải đi chợ nhiều.
Dĩ nhiên, với những người buôn bán lớn tuổi, mưu sinh nhỏ lẻ, thật khó để nhanh chóng thích ứng với bối cảnh và thời cuộc kinh doanh mới. Nhưng chắc chắn, qua mùa dịch này, với sự phát triển của xã hội, hàng quán 4.0 sẽ chẳng còn là những câu chữ xa lạ và gánh hàng rong cũng có thể ship hàng. Nghỉ dịch nhưng không nghỉ làm, biết đâu nghỉ dịch Covid-19 lại là cái cớ để những người mưu sinh cùng quang gánh học thêm được phương thức kinh doanh thời hiện đại để phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn.
Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.
Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.
Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.