Phải làm gì để bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi đến trường? Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về nội dung này.
P.V: Ông có thể cho biết mùa hè với nền nhiệt nhiều ngày lên đến 38-40 độ C tác động tới sức khỏe học sinh như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Ánh: Mùa hè có thể nói là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất trong năm ở Việt Nam, nhất là đối với các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Vì thế hằng năm học sinh mới được nghỉ hè.
Mùa hè thời gian nắng nhiều, cường độ nắng nóng cao. Như năm nay từ đầu hè đến giờ nắng nóng kéo dài, nhiều ngày nhiệt độ lên đến 39-40 độ C tác động rất không tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là học sinh vì các em chưa đến tuổi trưởng thành, sức đề kháng kém hơn. Khi nền nhiệt cao sẽ dễ gây ra các hiện tượng say nắng, say nóng, làm suy giảm sức khỏe của học sinh, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, nhiệt độ cao nếu đi thời gian lâu ngoài trời không được che chắn sẽ gây tác động xấu tới da, làm bỏng da. Nắng nóng cũng làm tăng tiết mồ hôi của cơ thể gây mất nước. Nếu các cháu không được bù nước sẽ xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa nước, điện giải gây nên giảm huyết áp, choáng váng, đau đầu, chóng mặt để thời gian kéo dài nguy hiểm đến tính mạng.
P.V: Ông có thể nói kỹ hơn về hiện tượng say nắng, say nóng?
Ông Nguyễn Ngọc Ánh: Say nắng xảy ra khi ở ngoài trời nắng. Khi đó tia hồng ngoại chiếu trực tiếp vào đầu, gáy gây nên rối loạn chức năng hô hấp, tuần hoàn của các tế bào dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, buồn nôn, nôn.
Say nóng xảy ra khi ở trong môi trường nhiệt độ cao với các triệu chứng choáng, ngất, huyết áp tụt, nạn nhân có thể co giật, sốt, hôn mê.
Cả say nắng và say nóng đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người nói chung, đặc biệt là học sinh bởi các em chưa đến tuổi trưởng thành, sức đề kháng còn kém. Học sinh ở các lớp nhỏ tuổi, hoặc những em thể trạng yếu dễ bị những tác động tiêu cực của nắng nóng. Khi bị say nắng, say nóng nếu không có biện pháp cấp cứu kịp thời, tùy vào thể trạng mỗi học sinh, nhưng nhẹ thì ảnh hưởng sức khỏe, nặng có thể tử vong.
P.V: Để tránh cho học sinh bị say nắng, say nóng khi đến trường trong mùa hè nóng nực thì phải làm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Ánh: Nguyên tắc chung là phải có các biện pháp giảm sự tác động của nắng, nóng lên các em. Hầu hết các trường hiện học 2 buổi/ngày. Trừ các trường mầm non và một số rất ít trường tiểu học có bán trú, còn lại trong 4 lần đến trường và về nhà trong ngày có 2 lần các em phải đi ở ngoài đường vào thời điểm nắng nóng cao điểm nhất trong ngày: Khoảng 11-12 h trưa khi kết thúc buổi học sáng và 13h-13h30 để vào học buổi chiều. Những ngày cao điểm nắng nóng ngay cả người lớn cũng được khuyến cáo không ra đường vào những khung giờ này. Vì thế khi các em từ trường về nhà, rồi đến trường vào những khung giờ nắng nóng cao điểm trong ngày cần phải được đội mũ, che ô, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng để giảm tác động của ánh nắng lên cơ thể.
Những ngày nắng nóng, trong lớp đông học sinh, các trường hầu hết đều là nhà cao tầng lại không có chống nóng bên trên, sân bên dưới là bê tông hấp nhiệt và bốc lên nên nhiệt độ trong lớp học cao. Vì vậy, phải có biện pháp chống nóng trong lớp cho học sinh. Cụ thể, trong lớp phải tạo không khí thông thoáng, phải có biện pháp để giảm nhiệt độ. Lớp nào đã có điều hòa thì tốt, những lớp chưa có điều hòa cửa sổ phải thông thoáng, chỗ nào có ánh nắng chiếu vào phải có rèm đủ dày để che. Trong lớp phải có đủ quạt, nếu là quạt điều hòa thì tốt hơn.
Cây xanh trong sân trường có vai trò rất quan trọng trong thời tiết nắng nóng, vừa che phủ để sân bớt nóng, vừa tạo ôxy cho không khí trong trường học dễ chịu.
P.V: Ngoài ra cần phải chú ý các vấn đề gì nữa để bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi đến trường mùa nắng nóng?
Ông Nguyễn Ngọc Ánh: Theo Thông tư số 13/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học, trường học phải cung cấp tối thiểu 0,5 lít nước uống cho học sinh/buổi học về mùa hè. Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, các cháu mang nước ở nhà đi, mỗi cháu 1 chai 0,5 lít/buổi học là tương đối đủ. Những cháu lớp lớn có thể cần nhiều hơn. Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng gay gắt như thế này ngoài nhắc các cháu mang chai nước ở nhà đi, phụ huynh, nhà trường cần phối hợp để bố trí thêm nước đóng chai để ở lớp phòng khi các cháu cần thêm, hoặc có cháu quên không mang nước cũng có nước để uống.
Giáo viên, phụ huynh cũng cần nhắc các con là không chỉ uống lúc khát mà cần phải uống cả lúc không khát, hoặc hơi có cảm giác khát cũng nên uống ngay.
Ngoài nước uống, các nhà trường cũng phải bảo đảm nước sinh hoạt cho học sinh, bố trí xà phòng rửa tay. Theo quy định tại Thông tư 13, trường học phải cung cấp đủ nước sinh hoạt cho học sinh, tối thiểu 4 lít/một học sinh trong một buổi học. Nếu dùng hệ thống cấp nước bằng đường ống thì mỗi vòi sử dụng tối đa cho 200 học sinh trong một buổi học.
Ngoài ra, vệ sinh trường học, nhất là trong những ngày nắng nóng này cũng cần được đặc biệt quan tâm. Nhà vệ sinh ở các trường học mùa hè do nhiệt độ cao dễ bẩn hơn nên cần phải được làm vệ sinh nhiều hơn để học sinh không sợ ra nhà vệ sinh mà “nhịn” đi vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các gia đình cũng phải chú ý đến ăn uống của con em để tăng sức đề kháng cho các cháu. Khẩu phần ăn hằng ngày của các cháu cần bảo đảm đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả, giảm đồ xào rán nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, chú ý vấn đề an toàn thực phẩm với những quán ăn, giải khát đường phố bởi mùa hè do nhiệt độ cao rất dễ gây mất an toàn thực phẩm, trong khi do nắng nóng, mệt học sinh lại có nhu cầu cao về ăn vặt, đặc biệt là giải khát.
Thời tiết mùa hè rất khắc nghiệt. Nhà trường, phụ huynh cần làm mọi cách để hạn chế tác động của nắng nóng đến học sinh bởi không chỉ là tránh cho các em không bị say nắng, say nóng, mất nước, bỏng da, mà ngay cả khi chưa tới mức bị các hiện tượng này thì việc nắng nóng quá độ cũng làm các em mệt mỏi, mất tập trung và việc tiếp thu kiến thức bị hạn chế. Giảm tác động của nắng nóng không chỉ giữ sức khỏe cho các cháu mà còn giúp các cháu học tập, tiếp thu kiến thức tốt hơn.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Yên Chính (Thực hiện)
Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.
Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.
Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.