Tại sao con người ngày càng mắc nhiều bệnh từ động vật?

Tư vấn 06:13 04/02/2020 Trương Dũng
Môi trường thay đổi khiến nhiều bệnh dịch, có thể gồm dịch viêm phổi Vũ Hán, lây sang con người nhanh hơn.

 

Người dân ở Hong Kong đeo khẩu trang sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV xuất hiện. Ảnh: Forbes.

 

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (2019-nCoV) bùng phát tại Trung Quốc và lan sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Số trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc lên tới hơn 9.000, trong đó 213 người đã tử vong. Virus nCoV được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã.

Động vật lây bệnh cho người như thế nào?

50 năm qua, nhiều bệnh truyền nhiễm đã lan ra nhanh chóng sau khi thực hiện "bước nhảy" tiến hóa từ động vật sang người. Dịch HIV/Aids những năm 1980 bắt nguồn từ họ Người (gồm người, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi), dịch cúm gia cầm năm 2004-2007 xuất phát từ chim, dịch cúm A-H1N1 năm 2009 thì do lợn. Gần đây hơn, các chuyên gia phát hiện Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt nguồn từ dơi, lây sang cầy hương rồi đến người. Dơi cũng là sinh vật khiến con người mắc Ebola.

Từ xưa đến nay, con người nhiều lần mắc bệnh từ động vật. Trên thực tế, những bệnh truyền nhiễm mới nhất cũng đến từ động vật hoang dã. Nhưng môi trường thay đổi đang đẩy nhanh quá trình này. Hơn nữa, do dân số thành thị và hoạt động di chuyển quốc tế tăng, khi dịch bệnh bùng phát, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn.

Dơi là sinh vật mang tới nhiều dịch bệnh cho con người. Ảnh: Spokesman.

 

Hầu hết động vật đều mang nhiều mầm bệnh, hay các vi khuẩn và virus có thể gây bệnh. Sự tồn tại tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới, trong đó có lây sang loài khác.

Hệ miễn dịch của vật chủ mới sẽ nỗ lực tiêu diệt mầm bệnh. Hai bên tham gia một trò chơi tiến hóa vĩnh viễn, cố gắng tìm ra cách mới để đánh bại đối phương. Ví dụ, khoảng 10% người nhiễm bệnh chết trong dịch SARS năm 2003. Tỷ lệ này với cúm thông thường chỉ dưới 0,1%.

Sự biến đổi về môi trường và khí hậu đang khiến môi trường sống của động vật trở nên khác đi hoặc biến mất. Động vật thay đổi cách sống, nơi sống và cả thức ăn. Cuộc sống của con người cũng dần khác đi, 55% dân số thế giới hiện sống ở thành thị. Tỷ lệ này 50 năm trước chỉ là 35%.

Các thành phố lớn cung cấp nơi trú ẩn mới cho động vật hoang dã như dơi, chuột, gấu mèo, sóc, cáo, chim, chó rừng và khỉ. Chúng có thể sống trong không gian xanh như công viên, vườn cây, tránh khỏi những đống rác mà con người để lại phía sau. Động vật hoang dã trong thành phố thậm chí sống tốt hơn ngoài tự nhiên vì có nguồn thức ăn dồi dào. Điều này biến thành thị trở thành nơi hỗn tạp để các mầm bệnh phát triển.

Ai chịu rủi ro cao nhất?

Bệnh mới trong cơ thể vật chủ mới thường rất nguy hiểm. Do đó, bất cứ bệnh nào mới xuất hiện đều đáng quan tâm. Có một số nhóm dễ mắc các bệnh này hơn những người khác.

Nhiều người nghèo sống trong thành phố làm công việc lau dọn và vệ sinh nên có nguy cơ cao tiếp xúc với các nguồn bệnh. Hệ miễn dịch của họ có thể yếu hơn vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, hít thở không khí độc hại hay sinh hoạt ở những nơi kém vệ sinh. Nếu bị ốm, họ cũng không thể chi trả nhiều để được chăm sóc y tế chu đáo.

Những bệnh lây nhiễm mới có thể lan nhanh tại thành phố lớn vì có rất nhiều người cùng sống trong một không gian hẹp, hít thở chung một bầu không khí và chạm vào những bề mặt giống nhau. Ở một số nơi, người dân còn ăn thịt động vật hoang dã sống trong thành phố.

Động vật hoang dã sống trong thành phố có thể mang những mầm bệnh nguy hiểm. Ảnh: Mental Floss.

 

Đâu là giải pháp?

Xã hội thường xử lý những bệnh truyền nhiễm mới như một vấn đề độc lập thay vì thừa nhận đó là một triệu chứng của việc thế giới đang biến đổi. Càng thay đổi môi trường nhiều, con người càng phá vỡ các hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật xuất hiện.

Các chuyên gia mới chỉ ghi chép chi tiết được khoảng 10% số mầm bệnh trên thế giới. Họ cần nhiều tài nguyên hơn để xác định phần còn lại và tìm hiểu xem loài vật nào đang mang chúng. Ví dụ, có bao nhiêu con dơi ở London và chúng mang những mầm bệnh gì?

Nhiều người thành phố coi trọng động vật hoang dã sống xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng một số động vật mang những mối nguy hại tiềm tàng và nên theo dõi xem những sinh vật nào mới đến thành phố, mọi người có giết, ăn hay mang thịt động vật hoang dã từ khu vực xung quanh vào chợ không. Tăng cường vệ sinh, xử lý rác thải hợp lý và kiểm soát động vật gây hại là những biện pháp giúp ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Nhìn rộng hơn, con người cũng cần thay đổi cách tương tác với môi trường.

Theo VnExpress

 

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC