Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm có diện tích đất tự nhiên 16.491,39ha; dân số hơn 118 nghìn người với 17 xã, thị trấn. Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thanh Liêm gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế chậm phát triển, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; thu nhập bình quân đầu người thấp (15 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 9,6% tổng số hộ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, 8 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Liêm đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu huyện nông thôn mới.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn của huyện phát triển theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp, an toàn; các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương được bảo tồn, phát huy; chất lượng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, vận dụng, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm, quý, tháng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn có nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác cụ thể kiểm tra, giám sát, đôn đốc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức và vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới như: Ủy ban MTTQ huyện thực hiện cuộc vận động “Về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, mô hình “Khu dân cư văn hóa xây dựng con đường sáng, xanh, sạch, đẹp và phân loại rác thải tại hộ gia đình”; Hội Nông dân thực hiện “Mô hình sản xuất rau hữu cơ”, “Mô hình nông nghiệp sạch”, “Nông dân tự quản con đường, sáng – xanh – sạch – đẹp”; Hội Phụ nữ thực hiện mô hình “Giúp nhau làm kinh tế”; “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, “Nhà sạch, đường ngõ sạch”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Huyện đoàn huy động đoàn viên thực hiện công trình “Cứng hóa đường trục chính nội đồng”, công trình “Thắp sáng đường quê”, “Lắp đặt điểm vui chơi cho thiếu nhi”....
Các lực lượng quân sự, công an, giáo viên các trường học phối hợp với các đoàn thể và cơ sở đảm nhận trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa trọng điểm của huyện, của xã; phối hợp tổ chức ra quân “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; hằng tháng 2 ngày (chủ nhật tuần đầu và giữa tháng) huyện tổ chức dọn vệ sinh môi trường, cắt tỉa cành cây, dây leo, cỏ dại trên các tuyến đường, nơi công cộng, tạo cảnh quan môi trường bảo đảm thường xuyên xanh, sạch, đẹp.
8 năm qua, toàn huyện đã huy động gần 1.400 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách huyện là 9,33%, ngân sách xã 22,69%, nhân dân đóng góp 13,56%, doanh nghiệp ủng hộ 2,47%, còn lại nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, vốn tín dụng và vốn lồng ghép. Từ nguồn vốn trên, đến nay toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định; hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp và xây dựng theo quy hoạch; công trình lưới điện trung áp, hạ áp và trạm biến áp đầu tư liên xã bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. 52/52 trường học ở cả 3 cấp được UBND tỉnh cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức 3. Các thiết chế văn hóa – thể thao huyện, xã và các thôn xóm được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đạt yêu cầu, phục vụ tích cực các hoạt động cộng đồng ở khu dân cư. Đội ngũ y, bác sỹ, trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 16/16 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hết năm 2019 đạt 92,6%.
Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, huyện đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến năm 2018, toàn huyện bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch, 97% khâu vận chuyển, 55% khâu gieo cấy... tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa có liên kết chuỗi giá trị, như: mô hình “Cánh đồng mẫu” với diện tích 278,71 ha; mô hình có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15% so với sản xuất đại trà; 26 mô hình sản xuất nông sản sạch với tổng diện tích 421,4 ha, tăng hiệu quả từ 20-30% so với sản xuất thông thường; 9 cơ sở sản xuất và chế biến nấm tạo thu nhập bình quân 300.000 đồng/người/ngày. Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chú trọng chuyển đổi ruộng trũng, cấy lúa không hiệu quả sang sản xuất đa canh, nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn huyện có 621,5 ha nuôi trồng thủy sản cho giá trị thu nhập bình quân 162,5 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa.
Song song với nông nghiệp, huyện khuyến khích các xã, thị trấn duy trì và phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp; tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có một khu công nghiệp, hai cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực, tạo việc làm ổn định cho 13.500 lao động với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 6 triệu đồng/tháng. Tại các xã, thị trấn hiện có 28 làng nghề truyền thống và nghề tiểu thủ công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp và các làng nghề đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động, tạo điều kiện để địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 43,10 triệu đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,56%, giảm 7,04% so với khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới (năm 2011), thấp hơn bình quân chung của tỉnh (của tỉnh là 2,73%). Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 50 triệu đồng.
Đi đôi với phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới, Thanh Liêm luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nhằm tạo sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 23 tổ thu gom rác thải tại 16/16 xã; xây dựng và sử dụng có hiệu quả 30 bể trung chuyển để thu gom, vận chuyển rác thải về nhà máy xử lý theo quy định. Đồng thời chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại gia đình bằng phương pháp ủ phân vi sinh. Các tuyến đường làng, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Riêng khu vực Tây Đáy-nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi măng và các đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, huyện đã ký hợp đồng giảm thiểu ô nhiễm môi trường với Công ty TNHH Hợp Tiến để thực hiện nhiệm vụ thu gom vật liệu rơi vãi, tưới nước làm ẩm mặt đường, trồng cây xanh để giảm thiểu bụi. Cùng với đó, chú trọng thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và rác thải y tế phát sinh, bảo đảm đúng quy định. Đặc biệt, các khu công sở, trường học, nhà máy, đường xã, đường thôn đã được trồng hoa với diện tích trên 90.000m2 cây hoa làm thảm, làm viền và xây bồn trồng được trên 6.000 cây hoa giấy làm điểm nhấn, tạo cảnh quan ấn tượng, nổi bật trên địa bàn huyện...
Đến tháng 12/2018, Thanh Liêm đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp xã, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ – TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, vì vậy để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của tỉnh và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Liêm Phong phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi bật về môi trường năm 2019.
Để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện xác định 4 nhóm nội dung và giải pháp cần triển khai thực hiện đó là:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới. Nhất là tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Ba là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn. Trong đó cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tích tụ ruộng đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; đồng thời chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cao. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên – khoáng sản. Củng cố, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, trọng tâm là tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính huyện và xây dựng thị trấn Tân Thanh trực thuộc huyện theo đúng quyết định của UBND tỉnh. Phát triển văn hóa, xã hội, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân...
Bốn là, tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ngày càng thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Lê Hoàng Thuyên
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Liêm
Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ huyện Lý Nhân vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức chương trình khám bệnh nhân đạo, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 150 người thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn xã Trần Hưng Đạo.
Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng, đồng thời tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Thủ tướng sẽ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua cổ vật, bảo vật quốc gia về Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.